Với lòng nhiệt huyết yêu nghề và vì sự nghiệp trồng người, hàng trăm giáo viên ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã có nhiều năm gắn bó với bục giảng, với nhiều lứa học trò nhưng kết quả họ nhận được là việc chấm dứt hợp đồng không một lí do giải thích thỏa đáng.
Tin tức cho biết, cuối tháng 5/2015, tất cả các giáo viên hợp đồng trên địa bàn thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh chính thức nhận được thông báo của hiệu trưởng nhà trường nơi công tác với nội dung: “UBND huyện và phòng Giáo dục yêu cầu hiệu trưởng các trường chấm dứt hợp đồng đối với các giáo viên đang hợp đồng tại trường”. Sau đó, UBND huyện lại có thông báo về việc tiếp tục hợp đồng cho đến ngày 30/9/2015.
Theo đó, trong khi các trường học, giáo viên, học sinh trong cả nước đang háo hức, vui mừng chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới thì 214 giáo viên, nhân viên hành chính thuộc diện hợp đồng ngắn hạn của huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh lại nhận tin buồn chính thức mất việc làm.
Việc bị cắt hợp đồng ngay trước thềm năm học mới đã khiến các giáo viên không đồng tình, cuộc sống bị đảo lộn. Và với lời khuyên “nên rẽ theo hướng khác” của cán bộ huyện trong buổi làm việc chính thức với các giáo viên, dường như cơ hội gắn bó với nghề của họ thực quá mong manh…
Sau đó, hơn 200 giáo viên đã nhiều lần kêu cứu đến các cơ quan chức năng nhưng chưa có một lời giải thích thỏa đáng.
|
Bức tâm thư của cô Hồng gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ. |
Ngày 1/10, một số giáo viên đã tập trung trước cổng UBND tỉnh Hà Tĩnh kêu cứu đến Chủ tịch UBND, Bí thư tỉnh ủy, thanh tra Bộ Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh nhưng tất cả chỉ là chờ đợi trong vô vọng. Họ chỉ nhận được những câu trả lời bâng quơ cho qua, “Chủ tịch đi họp, Bí thư đi vắng”…
Với một quyết tâm tìm kiếm một câu trả lời thỏa đáng cho những bất công mà họ đang phải gánh chịu, ngày 7/10, 4 giáo viên đại diện cho 214 giáo viên này đã vượt hơn 400km ra Hà Nội để gửi đơn kêu cứu tập thể đến Bộ Nội vụ, Bộ GD – ĐT.
Mặc dù, hầu hết trong số họ đều gặp nhiều vấn đề về sức khỏe nhưng tất cả đều cố gắng vượt qua nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần. Trong số đó, có cô giáo Trần Thị Hồng (SN 1980), ở thôn Đồng Phú, xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh, đang mang bầu ở tháng thứ 8, một cô giáo phải mang cả con nhỏ đi cùng vì không thể gửi cho ai, số còn lại đều không quen với việc đi xe ô tô. Tất cả họ đều mong tìm gặp những người có chức trách, thẩm quyền giải quyết cho những nguyện vọng và mong mỏi của họ bấy lâu nay.
Được biết, vì đường sá xa xôi cách trở, ngày 7/10 (tức vào thứ 4 – PV), những giáo viên này đã tay xách nách mang cùng nhau đến Bộ nội vụ để được giãi bày tâm tư, nguyện vọng của mình. Nhưng theo quy định, lịch tiếp dân của Bộ trưởng và thanh tra nội vụ ở đây chỉ vào ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần.
Chia sẻ với chúng tôi, cô Hồng cho biết: “Bộ phận tiếp dân thông báo, nếu các chị muốn gặp thì ngày mai (thứ 5) sẽ gặp được những người có thẩm quyền giải quyết. Vì hoàn cảnh đi lại khó khăn, thiếu nơi ăn chốn ở, chúng tôi đành gửi lại bức tâm thư và hồ sơ theo thủ tục với sự hướng dẫn tận tình của các nhân viên tiếp dân nơi đây”.
“Các chị làm thủ tục gửi hồ sơ theo quy định, chúng tôi sẽ gửi hồ sơ đến những người có chức trách, thẩm quyền giải quyết theo đúng yêu cầu. Khi nào có kết quả thì sẽ được phản hồi bằng văn bản”, cô Hồng nhắc lại lời của một cô nhân viên tiếp dân.
Cô Trần Thị Hồng chia sẻ với phóng viên. |
Lặng một lúc, cô Hồng chia sẻ tiếp với chúng tôi, nhưng lúc này giọng nói đã lạc đi, giọt nước mắt chực lăn trên má: “Mỗi tháng lương hợp đồng chúng tôi chỉ nhận được 2 triệu đồng, thiệt thòi biết bao nhiêu so với các giáo viên biên chế. Nhưng vì lòng nhiệt huyết yêu nghề, không đành từ bỏ bao công sức gắn bó lâu này cũng như hy vọng của bản thân và gia đình, chúng tôi quyết định viết bức tâm thư này gửi tới bác Bộ trưởng. Chúng tôi cũng chỉ hy vọng bác Bộ trưởng và Bộ nội vụ có những động thái tích cực để giúp đỡ chúng tôi có cơ hội trở lại trường, tiếp tục với sự nghiệp trồng người đang còn dang dở”.
Cũng theo cô Hồng, trong buổi gặp mặt chính thức giữa 214 giáo viên bị cắt hợp đồng và UBND huyện Kỳ Anh vào ngày 25/8, lãnh đạo huyện đã có lời khuyên đối với các giáo viên là “nên rẽ theo hướng khác”. Nhưng liệu với kinh nghiệm hơn 10 năm cống hiến và gắn bó với nghề, thì việc rẽ sang hướng khác theo lời cán bộ có thực sự thực hiện được không. Từ bỏ nghề nghiệp đã cống hiến không chỉ là cú sốc đối với bản thân mỗi giáo viên mà còn là cả một hệ lụy kéo dài đến người thân, cuộc sống gia đình bị đảo lộn, tâm lý bị khủng hoảng và kinh tế lại càng khó khăn.
Rất nhiều giáo viên cũng đang rơi vào hoàn cảnh éo le, cứ chạy ngược chạy xuôi để mong nhận được giải đáp thỏa đáng nhưng mọi thứ dường như rất mong manh với họ.
Giấy biên nhận của Bộ Nội vụ sau khi tiếp nhận hồ sơ của các giáo viên. |
Một giáo viên khác nằm trong số 214 người bị cắt hợp đồng cũng chia sẻ với chúng tôi: “Hiện nay, các trường trên địa bàn huyện Kỳ Anh đều trong tình trạng thiếu giáo viên, số tiết của các giáo viên đứng lớp cũng lên đến 35 tiết/tuần. Thậm chí, hiệu phó, hiệu trưởng còn phải đứng lớp vậy mà hàng trăm giáo viên vẫn bị cắt hợp đồng. Trước tình trạng đó, phòng GD – ĐT huyện Kỳ Anh đã gửi văn bản điều động về các trường “từ trường thiếu ít chuyển sang trường thiếu nhiều”. Tôi thật sự thắc mắc không hiểu tại sao”.
“Những người bị cắt hợp đồng như chúng tôi đều luôn mong muốn được tiếp tục cống hiến, theo đuổi cái nghiệp, cái nghề mà mình đã được đào tạo. Chỉ có tâm huyết, yêu nghề, chúng tôi mới chấp nhận cảnh hàng năm trời vẫn mang cái chức danh là giáo viên hợp đồng, lương bổng không được bao nhiêu”, giáo viên này bức xúc.
Được biết, cũng như cô Hồng, hoàn cảnh cô giáo này hiện cũng rất khó khăn, kinh tế gia đình với đủ loại chi phí từ tiền học cho con, tiền trả nợ ngân hàng đều phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng cũng là giáo viên.
Cô D., giáo viên của một trường tiểu học bị chấm dứt hợp đồng cho biết: “Tôi cũng rất muốn đi cùng các chị em ra gặp Bộ trưởng nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, chồng lại không có công việc ổn định, con cái còn nhỏ dại. Riêng bản thân tôi lại bị tật một chân do bị tai nạn giao thông, việc đi lại rất khó khăn nên đành ở nhà chờ tin của đồng nghiệp. Từ khi tôi bị mất việc, mọi chi phí trang trải cuộc sống trong gia đình chỉ biết dựa vào đồng tiền ít ỏi từ công làm thuê của chồng”.
Trong suốt cuộc nói chuyện, nhìn ánh mắt thất thần đầy mệt mỏi sau chuyến đi xe đường dài, chúng tôi đều thấy được những khát khao, những mong muốn được đứng trên bục giảng của những người giáo viên này. Họ vượt hàng trăm cây số, mang theo con nhỏ và lang thang ở Hà Nội cũng chỉ vì quá yêu cái nghiệp, muốn nhận được câu trả lời thích đáng và hướng giải quyết cho sự việc này.
Cô Hồng cũng như bao giáo viên khác mong muốn được tiếp tục cống hiến và làm người chèo lái những chuyến đò đang còn dang dở.
Trong buổi gặp mặt tại Bộ Nội vụ còn có sự tham gia của các phóng viên báo chí. Tại đây, các cô được giới thiệu đến gặp Luật sư Trần Đình Triển, văn phòng Luật sư Vì Dân (TP Hà Nội), để được tư vấn về quyền lợi của người lao động. Theo cô Trần Thị Hồng, trong cuộc nói chuyện với luật sư Triển, xét dưới góc độ pháp lý, luật sư cho rằng, kết luận và quyết định chính sách của huyện Kỳ Anh đối với 214 giáo viên này là không đúng, mà còn trái với đường lối của Đảng và pháp luật Nhà nước ta. Bởi mục tiêu của các đường lối là luôn chú trọng và không ngừng đáp ứng công ăn việc làm cũng như nâng cao đời sống cho người lao động về phương diện giải quyết việc làm, tiền lương, thưởng và các mặt khác của đời sống xã hội, các chế độ bảo hiểm. Nhưng thực tế là trong các hợp đồng mà lãnh đạo huyện Kỳ Anh ký với các giáo viên, có những người dạy trên 10 năm, 12 năm hưởng 85 % lương nhưng lại không được giải quyết về vấn đề bảo hiểm xã hội. Điều này là trái với các quy định pháp luật. Theo Luật lao động năm 2012 quy định, hợp đồng được ký 3 lần thì phải chuyển sang dài hạn. Còn ở Kỳ Anh, có những giáo viên đã làm việc với thời gian 3 năm, 5 năm hay 10 năm thì các cô vẫn chỉ được hưởng một mức lương đóng khung duy nhất, không được tăng lương, nâng bậc. Điều này, dưới góc độ về luật lao động chế độ tiền lương và luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đều không đúng, luật sư Trần Đình Triển trao đổi thêm. Qua trao đổi với cô Trần Thị Hồng sau buổi tư vấn của Luật sư, cô chia sẻ: “Chúng tôi đến trao đổi với luật sư là muốn biết và hiểu thêm về những quyền lợi mà chúng tôi được hưởng, được làm sau khi bị chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật, chứ bản thân chúng tôi không phải tới gặp luật sự để muốn kiện tụng gì”. “Sau khi bị chấm dứt hợp đồng, tất cả mọi chi tiêu, sinh hoạt, con cái học hành đều phụ thuộc vào một tay chồng gánh vác. Như tôi gần tới giai đoạn sinh nở cũng không làm được gì nữa mà kiến tiền phụ giúp gia đình. Chứ lấy tiền đâu ra mà thuê luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình.”, cô Hồng tâm sự. |
HƯƠNG LY / ĐS&PL