Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 |
Theo Phó BQL KKT Hà Tĩnh – Đặng Văn Thành, với cụm cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương, KKT Vũng Áng là nơi thuận tiện cho việc cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy qua các cầu cảng (yếu tố quyết định đến tính hiệu quả của dự án nhà máy nhiệt điện). Theo đánh giá của các chuyên gia, khu vực Vũng Áng là vũng nước sâu kín gió và có quỹ đất để xây dựng khu vực dịch vụ hậu cảng, rất lý tưởng để phát triển cảng nước sâu. Khu vực Sơn Dương cũng là vũng nước sâu thuận lợi cho việc phát triển các ngành công nghiệp nặng. Bên cạnh đó, Vũng Áng – Sơn Dương là cụm cảng duy nhất trong khu vực Bắc Trung bộ và Bắc bộ có khả năng phát triển cảng nước sâu. Cảng Vũng Áng có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 5 vạn tấn, riêng cảng Sơn Dương có thể tiếp nhận tàu 20 vạn tấn.
Được khởi công từ tháng 8/2009, nhưng theo lãnh đạo BQL dự án Điện lực Dầu khí Vũng Áng – Quảng Trạch (chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1), ngay từ những năm đầu thế kỷ 21, đơn vị đã tiến hành thăm dò, nghiên cứu kỹ lưỡng tính khả thi của dự án. Ngoài địa thế thuận lợi của hệ thống cảng nước sâu, Vũng Áng còn nằm gần QL 1A và các tuyến đường dây tải điện 500 kV Bắc – Nam, trạm 500 kV Hà Tĩnh nên thuận lợi cho việc vận chuyển, thi công, đấu nối, hòa lưới điện quốc gia.
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 được xây dựng trên diện tích 135,55 ha, tại thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi (Kỳ Anh) có tổng mức đầu tư xây dựng lên đến trên 1,2 tỷ USD. Sau thời gian nỗ lực thi công, đến nay, tổng khối lượng công việc của dự án đã hoàn thành khoảng 98,40%, trong đó, 2 tổ máy đã hòa lưới điện quốc gia, dự kiến tháng 1/2015 sẽ phát điện thương phẩm tổ máy số 1 và tháng 3/2015 phát điện thương phẩm tổ máy số 2. Với công suất 1.200 MW (2 tổ máy), khi Nhiệt điện Vũng Áng 1 phát điện sẽ cung cấp 7,2 tỷ kWh/năm cho thị trường điện năng quốc gia, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động (trong đó, khoảng 65% là người Hà Tĩnh), góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tối 10/11/2014, tổ máy số 2, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 chính thức phát điện thành công lên lưới điện quốc gia |
Cùng với sự thành công của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, hiện nay, dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 cũng đang được gấp rút triển khai. Với công suất 1.200 MW, gồm 2 tổ máy (660 MW x 2), sự ra đời của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 sẽ là điểm nhấn mới của Trung tâm Nhiệt điện Vũng Áng. Theo báo cáo của chủ đầu tư (Công ty CP Nhiệt điện Vũng Áng 2/VAPCO), hiện nay, VAPCO đang gấp rút hoàn thành những thủ tục cuối cùng để khởi công nhà máy vào đầu quý I/2015.
Chia sẻ với chúng tôi về quá trình triển khai dự án, lãnh đạo BQL dự án Điện lực Dầu khí Vũng Áng – Quảng Trạch và VAPCO phấn khởi cho rằng, bên cạnh vị trí địa lý thuận lợi, sự đồng hành, giúp sức của tỉnh Hà Tĩnh là nhân tố quan trọng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nhanh chóng hoàn thành các dự án. “Hiếm có nơi nào mà những người đứng đầu tỉnh lại quan tâm, chăm lo cho nhà đầu tư như Hà Tĩnh. Từ công tác GPMB, đảm bảo ANTT đến việc hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, tiếp cận các nguồn vốn, nhà đầu tư chưa bao giờ phải phàn nàn” – ông David Fleming, Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Vũng Áng 2 chia sẻ.
Vai trò, vị thế của Trung tâm Nhiệt điện Vũng Áng tiếp tục được nâng tầm khi Tập đoàn SamSung T&C (Hàn Quốc) sau quá trình thăm dò, xúc tiến đầu tư đã ký kết văn bản ghi nhớ và đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 3 với công suất 2.400 MW.
Song hành với các nhà máy nhiệt điện 1, 2, 3, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp FORMOSA đang đầu tư 10 tổ máy nhiệt điện với công suất hơn 1.500 MW, ngoài việc cung cấp điện cho dự án, phần còn lại được hòa vào lưới điện quốc gia. Theo kế hoạch, tháng 3/2015, công ty sẽ đưa tổ máy đầu tiên phát điện và cứ sau 3 tháng sẽ lần lượt đưa các tổ máy còn lại vào hoạt động.
Tương lai không xa, khi tất cả các nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động, Trung tâm Nhiệt điện Vũng Áng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy KT-XH tỉnh nhà ngày càng phát triển. Với công suất 6.300 MW, sản lượng điện hàng năm ước tính 30 tỷ kWh sẽ tạo ra nguồn thu lớn cho tỉnh. Làm một phép tính đơn giản, với sản lượng 30 tỷ kWh, giá bán điện 1.000 đồng/kWh (tùy từng thời điểm) cộng với 10% thuế VAT, mỗi năm, riêng các nhà máy nhiệt điện sẽ đóng góp vào ngân sách tỉnh hơn 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, theo Giám đốc Sở Công thương Trần Nhật Tân, việc triển khai xây dựng các nhà máy sẽ tạo việc làm cho hàng vạn lao động, kèm với đó là sự phát triển của các khu công nghiệp, nhà máy, công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là ngành cơ khí chế tạo, TM-DV.
Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (văn bản số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011), đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện cả nước là 75.000 MW, trong đó, tổng công suất nhiệt điện than 36.000 MW; nhiệt điện khí 12.375 MW. Như vậy, tổng công suất phát điện tại Trung tâm Nhiệt điện Vũng Áng là 6.300 MW, chiếm khoảng 8,6% công suất phát điện cả nước, 13,33% công suất các nhà máy nhiệt điện (trên tổng số 26 trung tâm nhiệt điện cả nước). |
Ngô Tuấn