Tuy nhiên, song song với đó thì nợ phải trả cũng gia tăng. Bảng cân đối kế toán của Trường Hải cho thấy, hơn 98% nợ phải trả của công ty này là nợ ngắn hạn. Theo đó, nợ ngắn hạn của Trường Hải đến thời điểm cuối tháng 6 là 21.248,9 tỷ đồng, tăng hơn 5.400 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng tăng tốc độ tăng 34,4% so với đầu năm.
Doanh số bán hàng của Trường Hải tăng mạnh giữa bối cảnh người tiêu dùng Việt vẫn "bạo chi" cho mua sắm xe hơi. |
Chi phí lãi vay của Trường Hải nửa đầu năm nay đã tăng 141% so với cùng kỳ, nhưng mới chỉ dừng ở con số 241 tỷ đồng, không đáng kể so với quy mô công ty.
Điểm đáng chú ý là trong 6 tháng đầu năm nay, các chỉ tiêu kinh doanh của Trường Hải tăng trưởng chóng mặt. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ của Trường Hải đạt xấp xỉ 27.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2015. Như vậy, bình quân cứ mỗi một ngày trôi qua thì Trường Hải thu về được 150 tỷ đồng.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, doanh thu bán xe 6 tháng đầu năm của Trường Hải lên tới 26.175,4 tỷ đồng; doanh thu cung cấp dịch vụ là 595.2 tỷ đồng và doanh thu bán phụ tùng là 215,2 tỷ đồng, tất cả đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi trừ giá vốn (giá vốn của xe gần 20.700 tỷ đồng) và các chi phí liên quan khác, lợi nhuận thuần của Trường Hải còn gần 4.000 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận kế toán trước thuế lên tới trên 3.700 tỷ đồng và lãi ròng là 3.682,3 tỷ đồng, tăng 17%.
Đến giữa năm nay, Trường Hải có 44 công ty con với tổng số lao động đạt 15.371 người (tăng 1.677 người so với thời điểm đầu năm). Hoạt động kinh doanh chính của Thaco hiện nay là sản xuất - lắp ráp - phân phối, cung ứng dịch vụ bảo trì sửa chữa và phụ tùng ôtô.
Nhu cầu sắm ô tô tăng mạnh
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong 6 tháng đầu năm, sản lượng bán ra của Trường Hải trên tất cả các đầu xe các loại (từ xe bus, xe tải đến ô tô con) đạt hơn 53.127 đơn vị, tăng khoảng 54% so với cùng kỳ, tiếp tục dẫn đầu thị trường về doanh số bán.
Doanh số bán hàng của Trường Hải tăng mạnh giữa bối cảnh người tiêu dùng Việt vẫn "bạo chi" cho mua sắm xe hơi. Số liệu mới nhất của VAMA công bố cho thấy, đến hết tháng 8, tổng doanh số bán hàng toàn thị trường ôtô Việt Nam đã lên tới 187.407 xe, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe du lịch tăng 30%; xe thương mại tăng 33% và xe chuyên dụng tăng 46%. Ngay cả trùng với tháng Bảy âm lịch (tháng ngâu) thì người Việt vẫn mua tới 23.540 xe ô tô mới.
Là một quốc gia đang phát triển và hội nhập, dung lượng thị trường ô tô Việt Nam đầy triển vọng nhưng cũng chứa đầy thách thức với các nhà sản xuất. Theo nhận định của Chủ tịch VAMA - ông Yoshihisa Maruta (Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam), về dài hạn, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có tiềm năng lớn với dân số 90 triệu dân.
"Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng năm 2020 đến 2030 sẽ phổ cập ô tô tại Việt Nam và chắc chắn nhìn dài hạn, thị trường ô tô Việt Nam sẽ phát triển quy mô vượt qua thị trường ô tô Thái Lan", ông này cho hay.
Tuy nhiên, năm 2018 sẽ bị áp thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc bằng 0% trong khi ngành sản xuất ô tô trong nước chưa phát triển vững mạnh, chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường ô tô các nước trong khu vực. Đây là một thách thức lớn với ngành ô tô nội địa Việt Nam, đặc biệt là Trường Hải.
Theo nhận định của lãnh đạo Bộ Công Thương, cho đến hiện nay, phần lớn sản xuất xe trong nước mới dừng ở lắp ráp giản đơn, trong đó xe con tỉ lệ nội địa hóa của Trường Hải đạt 15-18% và tỉ lệ này với xe tại nhẹ là 33%.
Giải thích cho thực trạng này, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Hải nói, việc tỉ lệ nội địa hóa thấp là do dung lượng thị trường còn chưa cao, bởi nền kinh tế của Việt Nam thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở hạ tầng, nhập siêu…
Tác giả: Bích Diệp
Nguồn tin: Báo Dân trí