Cẩm Xuyên

Dân không đồng tình với giá đền bù tại đại dự án nuôi bò ở Hà Tĩnh

Nhiều hộ dân tại xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) có đất bị thu hồi phục vụ cho Dự án nuôi bò giống và bò thịt đang triển khai tại địa phương này đang bức xúc và không đồng tình với mức giá bồi thường, hỗ trợ GPMB. Người dân cho rằng, mức giá đền bù là quá thấp, gây thiệt hại cho các hộ gia đình.

“Chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền gấp đôi để mua lại đất”

Dự án Chăn nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (Có cổ phần của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, số 88, đường Phan Đình Phùng, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm khảo sát tại ba xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên), Kỳ Tây và Kỳ Hợp (Kỳ Anh) trong giai đoạn 1.

Dự án này được triển khai với hi vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống của người dân tại các địa phương này nói riêng cũng như Hà Tĩnh nói chung. Chủ trương thực hiện Dự án cũng nhận được sự đồng thuận của người dân.

Người dân bên đất bị thu hồi

Tuy nhiên, trong quá trình bồi thường, hỗ trợ GPMB để phục vụ cho dự án, rất nhiều hộ dân bức xúc và chưa đồng thuận với mức giá đền bù quá thấp.

Nhận được đơn thư phản ánh của người dân, chiều 3/6, PV Tầm Nhìn đã có mặt tại xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) ghi nhận những bức xúc và ý kiến của người dân ở địa phương này.

Diện tích đất bị thu hồi cho dự án chủ yếu là đất lâm nghiệp. Hầu hết các hộ dân đều cho rằng, mức giá đền bù tài sản trên đất, chủ yếu là cây cối và giá đất là quá thấp.

“Đền bù cây theo độ tuổi, dựa trên kích thước đường kính khiến nhiều người dân chúng tôi bị thiệt hại. Đối với các hộ có cây trồng đã lâu năm, đường kính lớn nên khi thu hồi giá cao, sau đó bán ra cũng được giá nên không thiệt hại nhiều. Ngược lại, rất nhiều hộ dân chúng tôi có cây mới trồng hoặc trồng chưa lâu, kích thước thân cây nhỏ nên giá đền bù thấp”, anh X.T, một người có đất bị thu hồi tại thôn 3 (xã Cẩm Quan) cho biết.

Theo như lời người dân, tiền đền bù cây không thể bù lại được với số tiền ban đầu bỏ ra.

“Số tiền ban đầu để mua cây con về trồng, tiền phân bón và chăm sóc cây một thời gian khá dài mà người dân bỏ ra đã rất nhiều rồi. Vậy mà như gia đình tôi, chỉ đền bù được 1000 đồng/cây thì làm sao bù lại được vốn và công sức bỏ ra. Ngoài ra, cây chưa đến kì thu hoạch mà bán thì cũng không được gì. Cuối cùng người nông dân như chúng tôi lại khổ và càng vất vả trăm bề”, một người dân khác chia sẻ nỗi khó khăn.Bên cạnh giá đền bù cây cối, người dân cũng không đồng tình về đền bù giá đất. Theo người dân, giá đất quá thấp.

“Mỗi m2 chỉ được đền bù 4000 đồng, tính ra mỗi ha người dân chỉ được đền bù 40 triệu. Như vậy là thấp quá. Chúng tôi vẫn thường ngao ngán nói với nhau rằng, với giá đền bù thấp thế này, người dân sẵn sàng trả gấp đôi cho nhà nước để mua lại đất đã bị thu hồi của gia đình”, một hộ dân khác ngậm ngùi nói.

Ngoài hai vấn đề trên, các hộ dân hi vọng và đề xuất rằng khi dự án được triển khai, Công ty Bình Hà sẽ sử dụng lao động người địa phương để giải quyết công ăn việc làm cho người dân.

Chị T.T.H, một người dân tại thôn 1 chia sẻ: “chúng tôi trước giờ chủ yếu làm nông nghiệp, trồng rừng. Bây giờ đất đai bị thu hồi, người dân địa phương mong rằng sẽ được nhận vào làm việc tại công ty để có công việc, có miếng cơm manh áo mà nuôi gia đình, con cái ăn học”.

 Danh sách các hộ bị ảnh hưởng bở dự án

Ngoài 3 ý kiến  nêu trên, một trong những điều mà người dân Cẩm Quan lo lắng nhất là vấn đề môi trường. Tại Cẩm Quan có công ty nước sạch phục vụ nước sinh hoạt cho người dân xã nhà và nhiều địa phương khác, đồng thời đây là nơi đầu nguồn nước so với các xã phía dưới khiến vấn đề này càng được người dân quan tâm.

“Điều người dân rất lo lắng là vấn đề môi trường sẽ được xử lý tốt hay không khi dự án đi vào hoạt động. Với các khu đất đồi, khi cây cối được thu hoạch, cỏ chưa kịp trồng tôi sợ trời mưa, tình trạng xói mòn sẽ xảy ra, dòng nước mang theo các chất độc hại từ thuốc trừ sâu trướcc đó dân dùng sẽ đổ về các địa phương phía dưới”, ông Nguyễn Thanh Triết (xóm 1, Cẩm Quan) lo lắng.

“Đã đề xuất nhưng không được đồng ý”

Trao đổi về những ý kiến chưa đồng thuận của người dân, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan cho biết: tại xã Cẩm Quan, diện tích đất bị thu hồi phục vụ dự án khoảng hơn 477 ha. Trong này có hơn 100 ha đất của nông trường cao su Cẩm Xuyên và 300 ha của người dân.

“Theo tôi số tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB là hơi thấp. Hiện nay 3 vấn đề mà người dân đang thắc mắc, kiến nghị là về giá cây, giá đất thấp cũng như mong muốn được giải quyết việc làm khi dự án đi vào hoạt động”, ông Trung cho biết.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan: “Đây là một dự án trọng điểm của tỉnh, rất cấp bách về mặt thời gian. Ngày 20/4 triển khai nhưng đến 25/5 đã phải bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên việc thực hiện các công tác kiểm đếm, áp giá gặp rất nhiều khó khăn, không thể đáp ứng về mặt thời gian”.

Ông Trung cũng nêu một số khó khăn phức tạp trong quá trình GPMB như việc xác định nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn, việc diện tích trong sỏ đỏ lớn hoặc nhỏ hơn khi đo đạc thực tế, việc một số trường hợp cấp lâm bạ và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trùng nhau…tất cả những khó khăn này cùng với việc chưa đồng thuận về giá đền bù của người dân khiến công tác bồi thường, GPMB cho dự án triển khai chậm, không thể hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng cho Nhà đầu tư trước ngày 25/5/2015 như kế hoạch đề ra.

PV đã có cuộc làm việc với ông Trần Hữu Duyệt, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, Trưởng hội đồng bồi thường GPMB dự án nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh.

Ông Duyệt cho biết: Dự án trên của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà, một công ty con của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Đây là một dự án trọng điểm của tỉnh, rất cấp bách về mặt thời gian. Ngày 20/4 triển khai nhưng đến 25/5 đã phải bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên việc thực hiện các công tác kiểm đếm, áp giá gặp rất nhiều khó khăn, không thể đáp ứng về mặt thời gian.

Về những bức xúc và chưa đồng thuận của người dân về giá tiền đền bù, ông Duyệt cho biết:  Giá đền bù như thế nào đều căn cứ vào công văn chỉ đạo của
UBND tỉnh. Cụ thể giá cây và giá đất được đền bù theo Quyết định 75/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

“Còn riêng về việc khi dự án triển khai có sử dụng lao động địa phương hay không, Công ty Bình Hà đã đồng ý bằng miệng trong các cuộc họp là sẽ có sử dụng lao động địa phương, nhất là với các hộ bị ảnh hưởng. Công ty sẽ khuyến khích việc mở rộng vùng đệm sản xuất nguyên liệu, từ đó tạo việc làm cho người dân. Việc này trong kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh đã giao công ty Bình Hà phải có trách nhiệm”.

Khi PV hỏi rằng, theo quan điểm cá nhân của ông Duyệt thì mức giá đền bù như vậy là quá thấp hay không, ông cho rằng không thể khẳng định là mức giá đó thấp hay không thấp. “Tất cả đều đền bù theo mức giá mà UBND tỉnh quy định”, ông nói.

Tuy nhiên ông cũng cho biết, trong cuộc họp ngày 27/4 về vấn đề khung giá bồi thường GPMB dự án này đã có rất nhiều ý kiến phát biểu. huyện cũng đã có đề xuất với UB tỉnh về khung giá bồi thường theo hướng có lợi cho người dân.

“Cụ thể, với nhưng hộ dân có cây mới trồng sẽ bị thiệt thòi về giá đền bù, khi thu hoạch cũng không có giá trị sử dụng. Vì vậy chúng tôi đề xuất nên áp giá theo cây đã đến kỳ thu hoạch được. Tuy nhiên đã đề xuất như vậy nhưng không được UBND tỉnh đồng ý”, ông Duyệt nói về đề xuất khung giá cây.

Còn riêng về đất được các tổ chức cho người dân thuê sản xuất trong 50 năm, nhưng chưa đền thời hạn thì theo như ông Duyệt nói dù đề xuất tăng khung giá bồi thường nhưng cũng chỉ được bồi thường giá trị cải tạo đất với 60% mà thôi.

Như vậy, việc thực hiện công tác bồi thường GPMB phục vụ Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà được thực hiện theo mức giá ban bố chung theo quyết định của UBND tỉnh. Tuy nhiên mức giá đền bù chung áp dụng như vậy, theo phản ánh của người dân là quá thấp thực sự đang gây nhiều khó khăn và thiệt hại cho người dân, đồng thời ảnh hưởng lớn tới tiến độ thực hiện của dự án.

Dự án chăn nuôi bò thịt và bò giống tại Hà Tĩnh do Công ty CP chăn nuôi Bình Hà (có các cổ đông gồm Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam và công ty CP An Phú) làm Chủ đầu tư.

Dự án trên được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm khảo sát tại Quyết định số 1300/QĐ-UBND ngày 15/4/2015 với quy mô 150.000 con bò giống, bò thịt chất lượng cao/năm, nguồn vốn đầu tư 4.223 tỷ đồng, diện tích khảo sát khoảng 6.119 ha.

Dự án thực hiện giai đoạn 1 khoảng 968 ha tại 3 xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) khoảng 477 ha, các xã Kỳ Hợp, Kỳ Tây (Kỳ Anh) khoảng 491 ha với quy mô 30.000 con bò.

Đây là dự án có ý nghĩa trong việc phát triển chăn nuôi, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Mai Nguyễn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP