SCG đã nâng tổng vốn sở hữu tại dự án hóa dầu Long Sơn là 71% nhưng vẫn muốn tiếp tục mua 29% còn lại mà PVN đang sở hữu - Ảnh: LSP |
Đồng thời, SCG cũng đưa ra một số điều kiện để dự án có thể triển khai thuận lợi song những điều khoản này không được PVN tiết lộ.
Các thông tin cho biết để triển khai dự án này đến nay LSP đã tạm ứng tổng cộng 978 tỉ đồng tiền thuê đất.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã di dời toàn bộ các hộ dân và có biên bản giao đất cho LSP.
Hiện LSP và địa phương đang tiếp tục trao đổi, thống nhất về nội dung của Hợp đồng thuê đất trước khi ký kết.
Dự án tổ hợp Hóa dầu miền Nam là công trình trọng điểm dầu khí, là tổ hợp hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam có quy mô sản xuất lớn với công suất lên tới 1,6 triệu tấn/nằm.
Dự án được cấp phép từ năm 2008 với vốn đầu tư là 3,7 tỉ USD, nhưng sau nhiều lần rút vốn, đến nay chỉ còn phần vốn góp của PVN và SCG.
Hiện tổng mức đầu tư dự án đã tăng lên 5,4 tỉ USD, trong đó PVN đang nắm giữ 29% vốn, các đối tác Thái Lan gồm Tập đoàn SCG nắm 53% vốn và công ty con là Công ty Nhựa và Hóa chất TPC nắm 18% vốn.
Tại cuộc họp tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng việc PVN rút vốn ra khỏi các dự án quan trọng như Lọc dầu Long Sơn là vấn đề cần phải tính toán kỹ.
"Nếu vấn đề vốn và cơ chế chưa đủ tự tin để làm, thì phải rút", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Theo PVN, vướng mắc lớn nhất của dự án trong thời gian qua là thu xếp phần vốn vay của PVN trong LSP, về thủ tục phê duyệt các gói thầu, dẫn tới ảnh hưởng trực tiếp đến việc ký kết hợp đồng EPC và tiến độ triển khai dự án.
Theo đó, ngày 24-12-2017 thường trực Chính phủ đã họp và quyết định phương án thu xếp vốn vay của PVN trong dự án.
PVN hiện đang triển khai gấp rút việc thu xếp vốn vay theo phương án vay và cho vay lại.
Đến nay các ngân hàng trong nước cũng đã gần hoàn tất quá trình thẩm định dự án và đang hoàn thiện để trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt theo đúng quy định.
Do vấn đề thu xếp vốn của phía Việt Nam còn chậm nên chưa đủ điều kiện tài chính để ký kết hợp đồng EPC, vì vậy gói thầu phải gia hạn thêm nhiều lần kể từ thời điểm LSP phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu EPC vào đầu tháng 7-2017.
Chẳng hạn như gói thầu A, nhà thầu đồng ý gia hạn đến 31-12-2017, nếu gia hạn tiếp sau thời hạn trên nhà thầu sẽ đề nghị tăng giá, có thể ảnh hưởng đến chi phí của dự án vì tổng trị giá gói thầu này lên tới 2 tỉ USD.
Các gói thầu F, G nhà thầu cũng đồng ý gia hạn đến cuối tháng 1-2018 nhưng đặt ra điều kiện tăng giá hợp đồng.
PVN cũng cho biết hiện đang lựa chọn nhà thầu EPC cho các gói thầu B/C/D sau khi không còn nhà thầu nào tham dự.
Đồng thời LSP cũng đang tiếp tục làm việc với EVN và Tổng công ty điện lực miền Nam để hoàn thiện các thủ tục mua điện từ EVN, phục vụ cho vận hành dự án.
Theo kế hoạch được SCG đưa ra, dự án sẽ xây dựng trong bốn năm rưỡi và bắt đầu hoạt động thương mại vào khoảng nửa đầu năm 2022.
Tác giả: N.AN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ