Phiên xử đại án Oceanbank sáng nay tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư. Bị cáo Phạm Hồng Tứ (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty BSC) tự bào chữa cho mình.
Bị cáo Tứ nức nở: Tôi tốt nghiệp ĐH Sân khấu điện ảnh, được anh Thắm tuyển dụng vào làm. Tôi không có nghiệp vụ gì. Anh Thắm nhờ tôi đứng tên Chủ tịch HĐQT công ty BSC. Do tin anh Thắm, tôi đã ký vào một số hợp đồng thu phí của công ty BSC. Tôi không biết bản chất hợp đồng đó là gì, chỉ nghĩ đó là nghiệp vụ bình thường. Tiền tôi đưa anh Sơn tôi cũng không biết đó là tiền gì.
Bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ. Ảnh: Minh Quang |
Run rẩy khóc, bị cáo Tứ tiếp tục: Tôi rất ân hận vì sai phạm của mình. Vì hoàn cảnh của tôi là vô cùng bi lụy, tôi mong HĐXX đèn trời soi xét. Bố đẻ tôi là thương binh nặng, anh trai bị nhiễm chất độc da cam, mất khả năng lao động và câm điếc bẩm sinh. Tôi bị ảnh hưởng di chứng của bố tôi.
Bố tôi hơn 70 tuổi vẫn phải nuôi anh tôi bằng đồng tiền hạn hẹp. Vợ chồng tôi ly hôn, tôi phải nuôi hai con thơ dại mới 6 tuổi và 4 tuổi, nếu bị tù giam thì không biết gia đình tôi bi kịch mức nào.
Bị VKS đề nghị mức án, tôi vô cùng run sợ và đau buồn, trong khi đó có bao nhiêu bị cáo khác được hưởng án treo, tôi mừng cho các anh chị đó, nhưng cũng buồn cho mình.
Cầu xin HĐXX căn cứ các tình tiết phạm tội do không hiểu biết, hoàn cảnh khó khăn, mong HĐXX xem xét, chiếu cố cho tôi, cho tôi có cơ hội hoàn lương, chăm sóc bố mẹ già, anh bệnh tật và con dại. Tôi xin được hưởng án treo. Bố mẹ tôi và tôi không bao giờ quên được sự khoan hồng của HĐXX.
Bị cáo Nguyễn Quốc Chiến (nguyên GĐ Chi nhánh Sài Gòn) cũng vừa khóc vừa trình bày phần tự bào chữa cho mình: Bị cáo đề nghị anh Thắm kiện NHNN trong việc đã mua Oceanbank với giá 0 đồng.
Bị cáo Nguyễn Quốc Chiến |
Bị cáo không oán trách mà vô cùng nể phục anh Thắm. Bị cáo xin anh Thắm hãy nói với HĐXX đôi lời, bởi một số bị cáo vì Oceanbank, vì anh mà vướng lao lý.
Bị cáo Chiến đề nghị HĐXX xem xét xử lý bị cáo và những bị cáo khác ở mức vi phạm hành chính. Nếu thực sự chứng minh Oceanbank thiệt hại, các bị cáo hưởng lợi thì xin HĐXX cho bị cáo được hưởng án treo.
Bị cáo đau xót khi phải mang con ra để xin HĐXX xem xét, nhưng bị cáo không muốn chúng phải chứng kiến người cha tù tội...
Trước tâm tư của đồng nghiệp, bị cáo Hà Văn Thắm và Nguyễn Minh Thu rơm rớm nước mắt.
Bị cấm hành nghề, lấy gì nuôi con?
Theo quan điểm buộc tội của VKS: Bị cáo Vũ Thị Thùy Dương (nguyên Trưởng ban Kế toán Oceanbank) biết việc chi lãi ngoài là trái quy định của pháp luật, song vẫn tích cực thực hiện chỉ đạo của Hà Văn Thắm và lãnh đạo Hội sở Oceanbank trong việc chi lãi ngoài.
Hành vi của Vũ Thị Thùy Dương đã phạm tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và bị VKS đề nghị phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền hơn 479 tỷ đồng chi lãi ngoài.
VKS đề nghị xử phạt bị cáo Thùy Dương mức án 9-10 năm tù. Ngoài ra, bị cáo Thùy Dương còn bị VKS đề nghị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ 4-5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
Bị cáo Thùy Dương vắng mặt tại phiên tòa xét xử mình vì mới sinh con nhỏ. Bào chữa cho Thùy Dương, luật sư Trịnh Cẩm Bình cho rằng: Đánh giá của VKS chưa thực sự khách quan, toàn diện và VKS đề nghị mức hình phạt quá nặng cho bị cáo, so với tương quan các bị cáo khác ở hội sở và chi nhánh.
Theo luật sư Bình, VKS đã không xem xét, phân tách vị trí, vai trò của từng cá nhân trong hội sở, khối hội sở trong mối quan hệ với ban điều hành Oceanbank và chi nhánh.
VKS đã ghi nhận các GĐ chi nhánh chỉ là người hưởng lương, làm thuê và không hưởng lợi nào khác, nhưng không hiểu sao, VKS lại không ghi nhận điều này với các bị cáo làm việc ở hội sở của Oceanbank, trong đó có bị cáo Dương.
Luật sư băn khoăn: Không hiểu VKS dựa vào căn cứ nào để quy buộc bị cáo Dương phải liên đới chịu trách nhiệm dân sự số tiền chi lãi ngoài. Theo luật sư, nếu đặt mục tiêu thu hồi tiền lên hàng đầu, thì trách nhiệm thu hồi tiền phải thuộc về ai biết rõ tiền chuyển đi đâu. Việc quy cho kế toán việc phải thu hồi tiền chi lãi ngoài là "làm khó" bị cáo.
Vẫn theo luật sư, thân chủ của mình chỉ giúp sức không đáng kể vì phải làm theo chỉ đạo của cấp trên. Với hình phạt bổ sung mà VKS đề nghị đối với bị cáo Dương là cấm đảm nhiệm công việc từ 4-5 năm là quá nặng nề.
Kế toán là công việc mà bị cáo Dương đã hành nghề trong nhiều năm qua để nuôi sống gia đình. Hiện bị cáo vẫn đang làm việc ở Oceanbank, bị cáo phải làm việc để nuôi sống gia đình, với con nhỏ 7 tuổi và con 1 tháng tuổi. Luật sư đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung đối với thân chủ của mình.
Tác giả: T.Nhung
Nguồn tin: Báo VietNamNet