Đặc Sản Hà Tĩnh

Đặc sản nước mắm Kỳ Anh

Thiên nhiên đã ban tặng cho Kỳ Anh những bờ biển dài và đẹp, nơi có nhiều nguồn lợi thủy hải sản dồi dào, là điều kiện thuận lợi để bao đời nay, những người ngư dân ở các xã vùng ven biển “ vươn khơi” bám biển khai thác nguồn lợi thủy hải sản hàng trăm tấn mỗi năm. Với nguồn lợi thủy hải sản dồi dào, những người ngư dân nghèo ở vùng ven biển huyện Kỳ Anh đã tận dụng những sản phẩm đó để chế biến nước mắm, ruốc, chợp, góp phần nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện đời sống.

Đi lên từ những làng nghề truyền thống.

Sinh ra và lớn lên ở 1 vùng quê ven biển, từ bao đời nay, gắn với nghề đánh bắt và khai thác thủy hải sản, chị Nguyễn Thị Miện ở xã Kỳ Phú đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chế biến nước mắm. Ban đầu, chị Miện chỉ đầu tư với quy mô nhỏ, chế biến nước mắm thủ công truyền thống. Dần dần, chị được tham gia các lớp tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình chế biến nước mắm ở tỉnh phía Nam. Nhờ học tập được kinh nghiệm cùng với tiếp thu được khoa học kỷ thuật trong sản xuất chế biến, từ quy mô ban đầu nhỏ lẽ, dần dần chị Nguyễn Thị Miện ở xã Kỳ Phú đã mở rộng mô hình theo quy mô lớn. Sau nhiều năm lăn lội với nghề chế biến nước mắm, đến nay, bình quân mỗi năm, gia đình chị đã chế biến hơn 100 tấn cá các loại để làm nước mắm với nguyên liệu chủ yếu là cá cơm, cá tho, ve, nục, trọc than… Tâm sự với chúng tôi, chị Miện cho biết; “ Muốn làm nước mắm ngon khâu đầu tiên là chọn nguyên liệu. Cá phải tươi, muối phải cất giữ qua nhiều năm thì khi làm nước mắm không bị chát và mặn. Sau khi xong phần trộn nguyên liệu sẽ cho vào các vại đã chuẩn bị sẵn, sau 10-15 ngày mở ra kiểm tra và trộn đều một lần nữa rồi để tới 5-6 tháng mới bắt đầu chắt mẻ nước mắm đầu tiên”. Chị còn cho biết thêm; “ Nhờ làm nước mắm mà nhiều gia đình nơi đây đã  vươn lên thoát nghèo, nuôi con ăn học”. Đi lên từ hai bàn tay trắng bằng nghề chế biến nước mắm, chị  Nguyễn Thị Miện là một trong những mô hình điển hình trong phát triển kinh tế ở huyện Kỳ Anh, chị là một trong những doanh nhân tiêu biểu năm 2015 ở huyện Kỳ Anh. Hiện, chị Nguyễn Thị Miện – Chủ cơ sở thu mua, chế biến thủy, hải sản hàng trăm tấn cá các loại mỗi năm.

hatinh24h
Ảnh: Mô hình chế biến nước mắm của chị Nguyễn Thị Miện  – ở xã Kỳ Phú – huyện Kỳ Anh.
Với tiềm năng lợi thế của vùng ven biển, chị Lê Thị Khương – ở thôn Xuân Phú –xã Kỳ Xuân đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác chế biến thủy sản Phú Khang với quy mô lớn, bình quân mỗi năm, gia đình chị chế biến hơn 100 tấn cá, 30 tấn ruốc chợp cho hơn 500 lít nước mắm nguyên chất, đưa lại nguồn thu nhập từ  100 triệu đồng/ năm. Không chỉ góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình, mà tổ hợp tác chế biến thủy sản Phú Khang còn tạo việc làm cho chị em hội viên hội phụ nữ trong thôn.
Ảnh: Mô hình chế biến nước mắm của tổ hợp tác chế biến thủy sản Phú Khang- Kỳ Xuân- huyện Kỳ Anh.

Nhờ đầu tư đúng hướng, được tham quan học tập kinh nghiệm đến nay sản phẩm nước mắm của các xã Kỳ Phú, Kỳ Xuân đã có mặt ở thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo sự phát triển bền vững cho các làng nghề chế biến nước mắm để từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, từng bước xây dựng nông thôn mới.

Sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời
Nhằm rút ngắn thời gian sản xuất nước mắm còn 6 tháng, thay vì 10-12 tháng như trước đây. Thu được lượng nước mắm cốt nhiều hơn 30% so với sản xuất theo truyền thống. Tất cả lợi ích trên là nhờ… năng lượng mặt trời. Phương pháp sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời đã được ứng dụng tại hợp tác xã chế biến nước mắm Bắc Hải và tổ hợp tác chế biến thủy sản Phú Khang ở xã Kỳ Xuân bằng năng lượng mặt trời.
  Ảnh: Tổ hợp tác sản xuất chế biến thủy sản Khương Khang-xã Kỳ Xuân – huyện Kỳ Anh ứng dụng sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời.

Quy trình công nghệ, về cơ bản vẫn giống như quy trình làm mắm truyền thống, chỉ khác là quá trình đảo, rang phơi sẽ không dùng nhiên liệu truyền thống mà dùng nguồn nhiệt thu được từ các tấm thu năng lượng mặt trời. Giải pháp này đã thay thế tối ưu cho nhiều công đoạn chính của quá trình sản xuất nước mắm. Ưu điểm nổi trội nhất của công nghệ sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời so với công nghệ truyền thống đó là giảm một nửa thời gian sản xuất nước mắm. Bên cạnh đó, với tấm thu năng lượng mặt trời công đoạn sản xuất sẽ bỏ qua việc mở nắp thùng ủ, nên không bay hơi, chất lượng nước mắm vì vậy sẽ ngon hơn và đỡ tiêu hao hơn rất nhiều. Theo tính toán, lượng nước mắm cốt thu được nhiều hơn 30% so với công đoạn truyền thống và được chuyển hóa tối đa do nhiệt độ đạt ở mức tối ưu. Bà Lê Thị Khương- tổ hợp tác  sản xuất chế biến thủy sản Khương Khang, một trong những mô hình triển khai quy trình sản xuất nước mắm này cho biết;  “ Công nghệ sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời đã thực sự làm thay đổi cách sản xuất bấy lâu nay, và điều quan trọng giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Mô hình này,  sẽ thay đổi tập quán sản xuất mắm truyền thống, thay vào đó là áp dụng đại trà quy trình sản xuất mới..”
Ảnh: Chế biến ruốc, chợp ở tổ hợp tác chế biến thủy sản Phú Khang- xã Kỳ Xuân- huyện Kỳ Anh.
Để thương hiệu nước mắm Kỳ Anh ngày càng được khẳng định, tìm được chổ đứng trên thị trường hàng tiêu dùng, trong thời gian tới, ngoài việc đầu tư, quy hoạch vùng sản xuất sản xuất nước mắm tập trung đòi hỏi các làng nghề cần sớm ứng dụng sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế so với các phương pháp chế biến truyền thống trước đây. Có như vậy, mới mở ra triển vọng bền vững cho các làng nghề chế biến nước mắm ở các vùng quê ven biển ở huyện Kỳ Anh  trong tương lai./.

Tác giả bài viết: Mạnh Hải – Trung Anh

Nguồn Kỳ Anh Online

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP