Trong nước

Đa số phụ nữ “quên” tên mình trong sổ đỏ

Luật đã công nhận quyền bình đẳng trong sử dụng đất đai của phụ nữ và nam giới. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vẫn do người chồng đứng tên.

Khảo sát của Liên minh đất đai Landan tại các tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị, Vĩnh Long trong tháng 7 – 8/2014 cho thấy, việc thực thi các quyền phụ nữ trong tiếp cận đất đai còn nhiều bất cập: Người dân, bao gồm cả phụ nữ, chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phụ nữ chưa được hưởng quyền sử dụng, giao dịch, thừa kế, cho tặng đất đai…

Trong khi đó, Luật đất đai 2003/2013 ban hành thể hiện rõ những điểm tiến bộ như: công nhận quyền bình đẳng trong sử dụng đất đai của phụ nữ và nam giới (bao gồm đất đai và tài sản gắn liền với đất). Thực tế người dân, đặc biệt là phụ nữ nhìn chung còn thiếu nhiều thông tin về chính sách này cũng như không hiểu rõ lợi ích của chính sách cấp đổi, cấp mới quyền sử dụng đất mang tên cả vợ và chồng cũng như quyển của phụ nữ trong cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận khi mang tên cả hai người.

Trước năm 2004, Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam có quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi cả họ, tên vợ và chồng nhưng pháp luật về đất đai chỉ quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đại diện của hộ gia đình nên quy định này của Luật Hôn nhân và gia đình không được thực thi trên thực tế.

Theo bà Trần Thị Minh Châu – đại diện cho nhóm nghiên cứu việc tiếp cận đất về phụ nữ – kết quả khảo sát được thực hiện đã cho thấy hầu hết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn do người chồng đứng tên.

Hầu hết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn do người chồng đứng tên.

Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Liên minh Landa, lý giải, nguyên nhân của thực tế này xuất phát từ những hành vi e dè, ngần ngại vì những quan niệm phong kiến… của chính đại bộ phận phụ nữ khi phải đề xuất vấn đề ghi tên mình trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, còn những rào cản khác cũng có những tác động nhát định đến việc cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như: phí cấp đổi, cấp mới còn khá cao so với thu nhập của người dân, thời gian để thực hiện cấp đổi cấp mới giấy chứng nhận cũng như việc cung cấp các giấy tờ/tờ khai để được cấp đổi cấp mới cũng còn chưa tạo được điều kiện thuận lợi cho người dân, đâu đó cán bộ có trách nhiệm chưa thực hiện hết bổn phận và trách nhiệm của mình cũng như sách nhiễu..

Nhận xét về vấn đề này, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng: Vấn đề đảm bảo quyền phụ nữ ở mức nào trong các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Đất đai cần được quy định cụ thể hơn, để phụ nữ có thể tiếp cận với quyền lợi của mình một cách dễ dàng, đơn giản từ trong nhận thức.

Trước e ngại phí cấp đổi, cấp mới còn khá cao so với thu nhập của người dân, ông Đặng Hùng Võ khẳng định: Việc cấp đổi giấy chứng nhận chỉ ghi một tên sang giấy chứng nhận ghi cả tên vợ và chồng, không phải trả mức phí quá cao, thậm chí là thấp.

“Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế, ở nhiều địa phương vẫn diễn ra tình trạng cán bộ chuyên trách gây khó khăn với mục đích tham nhũng nên đã “dọa” về mức phí rất cao. Thêm vào đó, đến nay dù Luật đất đai 2013 và Nghị định số 43/2014/ND-CP đã hướng dẫn thực hiện đã có hiệu lực thi hành, nhưng có nhiều địa phương cấp tỉnh vẫn  “quên” ban hành quy định mới, khiến người dân, đặc biệt là nhóm phụ nữ càng khó tiếp cận được thông tin một cách chính xác” – ông Võ nói.

Bà Trần Thị Minh Châu cung cấp thêm, hiện ở một số địa phương cũng đang được các tổ chức quốc tế hỗ trợ kinh phí cấp đổi giấy chứng nhận. Tại các địa phương này, người có yêu cầu cấp đổi giấy chứng nhận không phải trả phí cho việc cấp đổi giấy chứng nhận. Người dân cần biết rõ những thông tin này để bảo vệ quyền lợi cho mình trong việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của vợ và chồng.

Phạm Thanh

  Từ khóa: tên mình , Sổ đỏ , Phụ nữ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP