Tin Liên Quan

Đã có người tử vong vì nắng nóng

Liên tiếp một tuần nay có nắng nóng gay gắt kèm gió Lào ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã khiến cuộc sống người dân đảo lộn.

Hàng trăm hecta rừng bị cháy rụi. Một xóm trưởng đã tử vong vì kiệt sức khi chữa cháy trong thời tiết nắng nóng.

Liên tục các ngày từ 21 đến 25-5, thời tiết nóng khô cộng với lớp thực bì dày đã khiến hàng trăm hecta rừng thuộc huyện Con Cuông, Đô Lương, Yên Thành, Nam Đàn (Nghệ An) và huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) bốc hỏa. Đồng thời, bốn lò xưởng của 19 hộ dân ở làng nghề ngói Cừa thuộc xã Nghĩa Hoàn (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) cũng bị lửa thiêu rụi.

Ngày 26-5, người thân và chính quyền địa phương làm lễ an táng anh Trần Bá Công (41 tuổi) – xóm trưởng xóm 5 (xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) trong nắng nung bí bách. Chiều 25-5, trong cái nóng 40 độ C, khu rừng thông thuộc địa bàn xã Bảo Thành bốc hỏa, cháy dữ dội. Lúc đó, UBND xã Bảo Thành cùng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thành huy động cán bộ, người dân, bộ đội, công an đến hiện trường dập lửa. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kèm gió Lào nên lửa lan nhanh, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn.

Anh Công là một trong những người đi đầu hăng hái lao vào biển lửa cứu rừng. Sau khi khống chế được đám cháy rừng cuối cùng thì anh bị kiệt sức, ngất lịm. Dù đã được sơ cứu nhưng anh Công đã tử vong sau đó. Được biết vợ chồng anh có ba đứa con, hoàn cảnh gia đình làm ruộng thuộc diện khó khăn.

Chiếc áo tơi cũ xưa giờ lại xuất hiện cùng người dân tránh nóng. Ảnh: ĐẮC LAM

Trường hợp của anh HVQ (ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, Nghệ An) bị đột quỵ rồi tử vong cũng được cho là vì nắng nóng quá mức. Gia đình có đưa anh Q. đến BV Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An cấp cứu nhưng không cứu được.

Hiện đang trong mùa thu hoạch, người dân ở xã Nam Xuân (huyện Nam Đàn, Nghệ An) cho biết họ phải thay đổi thời gian làm việc để thích nghi, ra đồng lúc 2 giờ sáng và trở về nhà lúc 8 giờ 30 sáng để trốn nắng.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện Đô Lương và các huyện Nam Đàn, Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, đã có hàng trăm hecta ngô và hoa màu bị héo, khô cháy, ruộng lúa khô nứt nẻ do nắng nóng kéo dài. Đến thời điểm này, hàng ngàn hộ dân ở các huyện trên đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Tại BV Sản Nhi Nghệ An, mỗi ngày có hơn 300 trẻ em đến khám và nhập viện vì các bệnh mùa hè.

Tại Hà Tĩnh, giữa trưa gió Lào thổi như phả lửa vào mặt, rất nhiều người dân chọn chiếc áo tơi để ra đồng hay đến trường… Ông Thân Văn Long – cán bộ văn phòng UBND xã Quang Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh nói: “Nắng như đổ lửa 41 độ C thế này dân tình khổ, ngô, lạc, dưa khô héo nhưng nghề sản xuất áo tơi ở xã chúng tôi lại đang được mùa. Bà con sản xuất suốt ngày đêm cũng không đủ áo tơi cho thương lái đến mua. Giá áo từ 30.000 đồng/cái đã tăng lên 40.000 đồng rồi. Nay không chỉ chị em phụ nữ khéo tay hay làm mà cán bộ xã cũng tranh thủ buổi trưa, buổi tối ngồi xỏ lá cùng gia đình để kiếm thêm thu nhập”.

ĐẮC LAM

Để có lá chằm tơi, người dân xã Quang Lộc phải đi hơn 30 km lên Truông Bát, núi rừng huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) tìm cây tơi chọn lá già lấy về. Sau đó sấy lá qua lửa cho lá héo rồi mang ra phơi nắng. Ban đêm mang lá tơi ra sân lấy gửi (tức phơi sương) để lá đã khô nở ra, bền dai. Sau đó, dùng tay vuốt cho lá phẳng rồi mới chằm kết thành áo.

“Xưa áo tơi dùng để che mưa, che bớt cơn gió mùa lạnh buốt và cả che nắng. Giờ kinh tế phát triển, mùa đông, mùa mưa áo tơi dần bị thay thế bởi những chiếc áo mưa làm bằng nhựa bền và tiện dụng hơn. Ngày nay, áo tơi chủ yếu chỉ dùng che nắng trong những ngày hè nắng nóng có kèm gió Lào. Ngoài ra, nơi đây không có áo gì thay thế được”. Ông Đặng Văn Quang, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, nói.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP