>> Những chuyện “ngược đời” ở xã giàu nhất Việt Nam (kỳ 8)
>> Những chuyện “ngược đời” ở xã giàu nhất Việt Nam (kỳ 7)
Buộc dân nộp 1001 khoản thu trái phép
Trong căn nhà chật hẹp, thấp lè tè, ông Nguyễn Duy Tùng, thôn Nam Sơn cho biết: “Dân xã tôi ai cũng phải nộp các khoản do xã quy định, nếu ai không nộp thì đừng nghĩ đến chuyện xin giấy tờ của xã”. Nói rồi, ông giở cuốn sổ ghi các khoản thu hàng năm cho mỗi hộ, còn cẩn thận lưu giữ hóa đơn cho mỗi khoản thu. Hộ ông (và mọi hộ khác) buộc phải nộp các khoản: quỹ khuyến học (10 nghìn đồng); quỹ tình nghĩa (15 nghìn); quỹ trẻ thơ (10 nghìn); quỹ quốc phòng (10 nghìn); quỹ phòng chống thiên tai (15 nghìn); quỹ chữ thập đỏ (20 nghìn); quỹ lao động công ích (30 nghìn); tiền đối ứng mầm non (100 nghìn)…Quá nhiều khoản thu trong một năm cho các hộ dân!
Điều đáng nói là ở chỗ, theo quy định hiện hành, các khoản mà UBND xã Cương Gián buộc người dân phải nộp nêu trên đều là quỹ từ thiện – xã hội, không được ép dân phải nộp. Lạ hơn nữa, như ông Nguyễn Duy Tùng, thôn Nam Sơn, là cựu tù Phú Quốc, thương binh (tỷ lệ thương tật 41%) nhưng vẫn phải nộp tất cả các loại quỹ, trong đó có quỹ Đền ơn đáp nghĩa, quỹ lao động công ích…! Để “tận thu” một cách triệt để các khoản trái phép nói trên, UBND xã Cương Gián tự “sáng tạo” ra cuốn “Sổ theo dõi quyền lợi và nghĩa vụ của hộ gia đình”, để theo dõi người dân nộp đủ tiền hay chưa. Tại trang đầu của cuốn sổ này, Chủ tịch UBND xã quy định: “Hộ gia đình và mọi công dân có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ ghi trong sổ này. Mỗi khi cần giao dịch với chính quyền, hộ gia đình mang sổ đến để tiện cho việc theo dõi, đảm bảo công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi gia đình trong địa phương”.Đây là một “giấy phép con”. Nếu ai chưa nộp đủ các khoản ghi trong “Sổ theo dõi”, thì đừng nghĩ tới chuyện xin giấy tờ, chữ ký, con dấu của các “quan xã”.
“Buộc họ phải nộp cho đủ!”
Ông Hoàng Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Cương Gián thừa nhận việc người dân phản ánh là có thật. Ông lý giải việc lập ra “Sổ theo dõi” và từ chối giao dịch đối với những người dân chưa nộp đủ là để ai chưa nộp đủ “buộc phải nộp cho đủ”. Còn nếu ai có khó khăn thì phải làm đơn, thông qua ý kiến thôn, xóm để xem xét miễn giảm. Ông Hùng than phiền “cán bộ thì bao nhiêu công việc, nghị quyết đã ban ra rồi nhưng một số hộ dân dù có tiền cũng không chịu nộp, trong khi đó có những hộ đã nộp đủ. Nếu xã cứ buông tha thì sẽ mất công bằng giữa các hộ dân…”. Ông Hùng cũng cho biết các khoản thu trên đều có “quy định của nhà nước” và đều đã công khai thu chi trước dân.
Trang đầu tiên của cuốn “Sổ giao dịch…” quy định: “Mỗi khi cần giao dịch với chính quyền, hộ gia đình mang sổ đến để tiện cho việc theo dõi”.
Khi PV trao đổi đó là các khoản thu tự nguyện, và việc chính quyền dùng biện pháp từ chối giao dịch để buộc dân phải nộp tiền là vi phạm pháp luật, ông Hùng “chất vấn” lại: “Vậy chú nói xã phải làm gì để thu được tiền?”. Ông Hùng còn nêu “ý tưởng” sắp tới sẽ họp bàn để có biện pháp cưỡng chế những hộ dân cố tình không nộp tiền. Việc làm của UBND xã Cương Gián đã “phớt lờ” quy định của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Điều 1, Quyết định số 22/2008/QĐ-UBND ngày 04/8/2008 của UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ:
“Giao HĐND và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát bãi bỏ các văn bản đã ban hành của cấp huyện và cấp xã quy định huy động đóng góp của nhân dân mang tính chất bắt buộc. Từ nay, các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính xã hội, từ thiện phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện; HĐND, UBND các cấp không đưa ra văn bản bắt buộc, không được giao chỉ tiêu cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với các dịch vụ công mà người dân được hưởng”.
Chuyện “quan xã” Cương Gián “coi trời bằng vung” đã diễn ra nhiều năm, song vẫn chưa bị UBND huyện Nghi Xuân “thổi còi”, và không biết người dân phải chịu đựng đến bao giờ?Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Quang Đại – Hà Vy/Tầm Nhìn