Năm lên 6 tuổi Phan Kính thông sáng đã học và chép lại được cả cuốn sách chữ Hán : “Thiên gia nhi” không có sai sót. Lên 7 tuổi Phan Kính được cậu là Giám sinh Quốc tử giám dạy dỗ, chẳng bao lâu đã nổi tiếng thần đồng khắp vùng. Lên 8 tuổi đã đỗ kỳ sát hạch ở trường tổng với bài thơ thất ngôn, trong đó có hai câu thơ chữ Hán nổi tiếng:
Đệ nhất hoa huân thâm hoán tưởng
Khả tam sự nghiệp đốc tư duy
Tạm dịch:
Nhất lập huân công lòng nổi dậy
Ba kỳ sự nghiệp chí vươn lên
Thời gian này ông nội đã qua đời, bố mẹ nghèo phải cày ruộng rẽ mới tạm đủ ăn nên từ năm 13 tuổi, Phan Kính là lao động chính trong nhà nông việc gì cũng trải qua, ban đêm chuyên cần đọc sách dưới ánh trăng hoặc ngồi nghế dưới ánh đèn dầu dệt vải của mẹ viết tập trên những tàu lá chuối hoặc giấy lộn. Năm 14 tuổi, Phan Kính được bố mẹ cho ra Vinh theo học với Thám hoa họ Ngô đang giữ chức tham chính ở Nghệ An. Biết Phan Kính thông minh, Ngô Thám Hoa viết thư giới thiệu ra Thăng Long học với bảng nhãn Hà Tông Huân đang giữ chức Hựu thị lang Bộ Công. Sức học của Phan Kính ngày càng tăng tiến, bàn bè đều khen ngợi học rộng và tinh, sỹ tử ghi tên Trình Văn ở Quốc tử giám 400 người, mà cả hai kỳ chấm văn Thu – Đông năm Canh Tuất (1730) bài của Phan Kính (15 tuổi) được xếp thứ nhất. Vì vậy được suy tôn là đứng đầu Ngũ Tuyệt (5 người văn chương tuyệt tác của xứ Nghệ ở Thăng Long). Cũng tại Thăng Long, Phan Kính làm quen và đàm đạo văn chương với các môn sinh đương thời, sau này trở thành những danh nhân lớn như: Đặng Trần Côn tác giả: “Chinh phụ ngâm khúc” nổi tiếng, Đoàn Thị Điểm, dịch giả xuất sắc và Lê Quý Đôn thần đồng đất Diên Hà sau này trở thành nhà bác học.
Phan Kính vừa học tập vừa biên soạn những bài văn của mình được điểm ưu, in thành bộ sách “Kinh truyện tự sự”, bộ sách này được thầy học cũ là Hà Tông Huân khen ngợi và tặng 3 vạn tờ giấy khổ rộng đủ cho nhu cầu biên soạn sách trong nhiều năm.
Sau 5 năm lưu học ở Thăng Long, năm Ất Mão (1735) Phan Kính trở về Ngệ An dự thi hương và đỗ cử nhân, cụ Nguyễn Danh Nho trọng tài đức của Phan Kính mời gả con gái là Nguyễn Thị Tuyên, chị của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Mùa hè năm 1737 Phan Kính lại ra Thăng Long học với Liêu Đình Hầu, nhân sĩ nổi tiếng ở kinh thành, là thúc phụ Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác. Năm 1743, Phan Kính 29 tuổi đi thi hội và thi đình, trong 300 sỹ tử dự thi khoa năm ấy, bài của Phan Kính đứng thứ nhất (theo văn bia số 69 tại Văn Miếu Quốc tử giám).
Sau khi dự thi đình, bài thi của Phan Kính được Chúa Trịnh Doanh Ngiêm Trong dâng lên Vua Lê Hiển Tông, vua dùng bút son ngự phê: “ Quý Hợi khoa, đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh Phan Kính La Sơn huyện, Lai Thạch xã, Lam sinh ” (lam sinh học trò nghèo), khoa này Vua Lê không lấy trạng nguyên và bảng nhãn, trong hàng tam khôi, chỉ có Phan Kính đỗ Thám hoa, học vị cao nhất của kỳ thi năm ấy gọi là Đình nguyên Thám hoa.
Cũng như các nhà khoa bảng đương thời, sau khi thi đỗ Đại khoa, Thám hoa Phan Kính bước vào con đường hoan lộ, thể hiện được chí làm trai thông qua các bài học túc nho của những thầy giáo đức độ của mình và cũng là người nổi tiếng trung thực, nhìn xa trông rộng. Năm 1747 ông làm việc ở Viện hàn lâm rồi được cử đi làm ban phúc khảo thi Hương ở trấn Kinh Bắc, ở đây khi thấy một quyển thi chữ xấu ông cố đọc và thấy văn chương có nhiều ý tưởng hay, ông đề nghị cho đỗ, có người bác lại, kết quả thí sinh ấy sau đỗ Tiến sĩ, đó là bài thi của Dương Sử ( người thôn Dương Xá, huyện Gia Lâm). Với tài năng và đức độ, Phan Kính đã được bổ nhiệm làm nhiều chức tước khác nhau và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 1748 ông được cử làm Hiệp đồng trấn Sơn Tây, nơi có cuộc khởi nghĩa của Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương mấy năm trước mà triều đình bất lực chưa dẹp được. Trong chiến lược của ông không nhằm tiễu trừ sát hại lực lượng nông dân khởi nghĩa mà tìm cách chiêu an “tâm công” phe nổi dậy và thuyết phục số người cầm đầu cuộc khởi nghĩa, thoả mãn một phần nào nguyện vọng của quân sĩ. Ông đã đi khắp nơi tìm hiểu cuộc sống của nhân dân, nhận thấy người dân ở đây quá vất vả và khổ sở bởi bọn lang đạo thổ tù, ông đã dâng biểu xin miễn giảm tô thuế để họ yên phận làm ăn, được nhân dân rất kính phục. Đối với quân sĩ của Nguyễn Danh Phương, ông thuyết phục với thái độ thiện chí và quan điểm rõ ràng, cho nên trấn Sơn Tây đã được thu phục và bình định nhanh gọn mà không tốn một mũi tên hòn đạn. sau đó Phan Kính còn được giao nhiều trọng trách như Đốc đồng xứ Thanh Hoá, Thự đốc thị Nghệ An ( 1752) và Đốc đồng xứ Tuyên Quang (1759), bất kỳ ở đâu và đảm trách nhiệm gì, ông cũng chỉ có một quan điểm, một lý tưởng vì nước vì dân, đặt quyền lợi của đất nước và nhân dân lên trên hết, nên ông đã được quần chúng nhân dân yêu mến ủng hộ. Bởi theo ông nhân dân sống có yên ổn thì đất nước mới hoà bình, thịnh trị được.
Đặc biệt thời kỳ ông làm đốc đồng xứ Tuyên Quang nơi giáp ranh với tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, tình hình biên giới thiếu yên ổn, triều đình nhà Thanh nhiều lần gửi thư sang ta yêu cầu thương thuyết, một lần nữa triều Lê lại giao trọng trách ngoại giao cho Thám hoa Phan Kính, cử ông làm Kinh lược sứ giải quyết nhiều công việc hệ trọng như xác định chủ quyền biên giới, vị trí quân đồn trú của mỗi bên, khai thông cửa khẩu đi lại giao dịch buôn bán sinh hoạt thuận tiện cho nhân dân hai nước Việt Trung. Nhờ đó mà kỷ cương biên giới được khôi phục, cuộc sống của nhân dân hai nước ở vùng biên giới được ổn định, trong dịp này Phan Kính đã làm quen với sứ thần nhà Thanh, người đã đỗ Thám hoa ở Yên Kinh cùng một năm với ông ( 1743), hai người đã trò chuyện thơ ca xướng hoạ rất tâm đắc biểu hiện mối quan hệ hoà hiếu giữa nhân dân hai nước. Chính vì uy tín lớn của ông trong công việc đi sứ, nên vua nhà Thanh Càn Long rất khen ngợi và đã ban cho Phan Kính danh vị “ Lưỡng quốc Đình nguyên Thám hoa” và tặng cho chiếc áo Cẩm bào (hiện còn lưu giữ tại nhà thờ của ông). Thấy ông ngày càng phát huy được năng lực và có uy tín lớn, năm 1760 vua Lê giao thêm chức tham mưu Nhung vụ đạo Hưng Hóa và triệt phá một nhóm cướp tên Thành ở dọc hai biên giới, gây nhiều phiền phức và rắc rối trong quan hệ 2 nước Việt- Trung, với thái độ bình tĩnh, khoan dung độ lượng nhưng rất nguyên tắc, ông đã làm việc hết sức mình với công tác đối nội và đối ngoại, chẳng bao lâu sau quân của ông đã bắt được tên Thành giải về Thăng Long để trị tội, giữ yên ổn cuộc sống cho nhân dân địa phương. Song tiếc thay vì làm việc quá sức, lại ở vùng khí thiêng nước độc, Phan Kính đã ngã bệnh và mất tại quân doanh Hưng Hoá ngày 8 tháng 6 năm Tân Tỵ (7-7-1761), hưởng thọ 46 tuổi.
Sau khi ông mất, triều đình ban cho ông thuỵ là Trung Hiển, thăng Hữu thị lang bộ Hình (ngang hàng Tổng đốc) hiệu Quỳ Dương bá, giao cho bộ Lễ hộ tống linh cửu của ông về an táng tại quê nhà. Con cháu họ Phan và nhân dân địa phương lập đền thờ ông tại làng Lai Thạch theo thể thức của một vương tướng có ngựa đá, voi đá và sư tử đá, hơn 20 năm sau (1783) vua Lê Hiển Tông phong sắc cho ông làm Thành hoàng hiệu Anh Nghị đại vương.
Nhìn cuộc đời của Phan Kính ta thấy toát lên bản chất cao đẹp của kẻ sỹ Việt Nam như sau: giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không chùn bước, uy quyền không khuất phục. Ở cương vị người làm quan dưới chế độ phong kiến, ông là một vị quan thanh liêm chính trực, dám đương đầu với sóng gió nơi hiểm yếu, bao giờ cũng với tinh thần trách nhiệm rất cao, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó. Có thể nói Phan Kính là một con người hiếm hoi, thật kỳ lạ, chỉ sống ở đời 46 năm. Kể từ khi thi đỗ Thám hoa cống hiến cho đời chỉ có 18 năm, trong một xã hội Việt Nam đang có nhiều rối loạn. Thế mà ở con người ấy tinh hoa phát tiết một cách rực rỡ, toàn diện, làm nên những kỳ tích, để lại tấm gương sáng cho người đời sau, tô thắm cho truyền thống vẻ vang của văn hóa quê hương Can Lộc, của Phan tộc Việt Nam và của văn hóa Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Phan Kính là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau học tập.
http://www.phantocvietnam.org/