Được biết năm 71 tuổi cụ mới bắt đầu học lái xe. Có người cho rằng, ở Việt Nam thì đây là chuyện hiếm gặp và đặc biệt, chứ ở Nhật, Đài Loan hay các nước châu Âu, các cụ ông, cụ bà hơn 90 tuổi vẫn lái xe đầy đường.
Bên cạnh những lời chúc mừng cụ vạn dặm bình an, nể phục cụ vì sự minh mẫn, tỉnh táo thì cũng có không ít những ý kiến băn khoăn khi nhìn thao tác khá khó khăn và chậm chạp của cụ khi đóng cửa xe cũng như việc ôm vô lăng quá sát và bấm còi quá nhiều khi lưu thông trên đường.
|
Tài xế 83 tuổi đang gây sốt cộng đồng mạng những ngày này (Ảnh chụp màn hình). |
"Biết là cụ còn khỏe nhưng cũng không nên lái xe nữa. Người cao tuổi thì tay chân không còn nhanh để có thể phản xạ tốt được trước mỗi tình huống phát sinh, nhất là ý thức giao thông của người dân Việt Nam chưa được cao, đi đâu thì để con cháu chở đi cho an toàn", một tài khoản bình luận.
Một bác tài có kinh nghiệm chia sẻ: "Tôi 50 tuổi sức khỏe tốt, biết lái xe năm 24 tuổi được Nga đào tạo, bằng lái xe của tôi hiện là FC tuy nhiên giờ tôi không làm tài xế chuyên nghiệp chỉ chạy xe du lịch của nhà. Tôi tự đánh giá bản thân không còn nhanh nhẹn như thời còn 45 tuổi và so với tuổi 30-40 thì khác rất nhiều, vậy xin cụ an vui tuổi già, hoãn bớt niềm đam mê cụ nhé".
Clip cụ ông 83 tuổi lái ô tô trên đường
Bên cạnh đó cũng có ý kiến lăn tăn về độ tuổi được phép học lái xe: "Luật nào cho phép một người 71 tuổi học lái xe nhỉ? Tôi thấy có bạn so sánh với các nước Mỹ, Nhật… nhưng các bạn đâu có biết phần lớn các nước trên thế giới đều quy định độ tuổi tối thiểu được phép lái ô tô và không giới hạn tuổi tước bằng, nhưng vẫn đều có cách quản lý phù hợp.
Ví dụ, ở Mỹ, lái xe cao tuổi có thời gian gia hạn GPLX ngắn hơn người trẻ. Tiểu bang Arizona có hạn GPLX lên tới 12 năm, nhưng với người trên 65 tuổi chỉ được 5 năm; bang Connecticut có thời gian là 8 năm nhưng người trên 65 tuổi chỉ là 2 năm; một số bang khác cũng chỉ cấp GPLX 2 năm cho người lớn tuổi là Hawaii (trên 72 tuổi), Illinois (81-86 tuổi), Iowa (trên 78 tuổi)...
Ở Nhật thì tài xế cao tuổi phải kiểm tra định kỳ, dán tem phân biệt trên đường; tại Trung Quốc, người trên 70 tuổi phải đổi bằng mỗi năm 1 lần. Còn tại Việt Nam tôi không thấy quy định chi tiết về điều này".
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thị Xuyến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Luật sư cho biết, hiện nay Luật Giao thông đường bộ Việt Nam chưa có quy định giới hạn cụ thể độ tuổi cao nhất đối với lái xe ô tô. Tuy nhiên, có giới hạn của bằng lái xe từng hạng. Cụ thể như sau:
- Đối với giấy phép lái xe hạng B1: Thời hạn đối với nữ đến 55 tuổi và nam đến 60 tuổi. Đối với trường hợp lái xe nữ trên 45 tuổi và nam trên 55 tuổi thì giấy phép lái xe có thời hạn 10 năm kể từ ngày được cấp.
- Thời hạn đối với giấy phép lái xe hạng A4, B2 là 10 năm kể từ ngày được cấp.
- Thời hạn đối với giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE là 5 năm kể từ ngày được cấp.
Như vậy, theo luật của Việt Nam thì người cao tuổi, về hưu vẫn được phép lái xe ôtô nếu đảm bảo điều kiện về sức khỏe và thời hạn của giấy phép lái xe. Và việc cụ ông 83 tuổi tham gia giao thông là đúng luật!.
Tác giả: Khả Vân
Nguồn tin: Báo Dân trí