Giáo dục

Công tác tuyển sinh; quyền lợi cho giáo viên ngoài công lập… thu hút sự quan tâm

Câu chuyện tuyển sinh đầu cấp tại các địa phương làm nóng các diễn đàn tuần qua bởi những yếu tố chủ quan và khách quan. Ở quy mô quốc gia, Bộ GD&ĐT riết róng với công tác giám sát, đôn đốc chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia 2019. Bên cạnh đó, Nghị quyết của Chính phủ về đảm bảo quyền lợi cho giáo viên ngoài công lập thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.

Ảnh minh họa

“Nóng” kỳ thi tuyển sinh đầu cấp tại các địa phương

Trong tuần qua, nhiều địa phương đồng loạt tổ chức kỳ thi vào lớp 6, lớp 10. Đây trở thành đề tài thu hút quan tâm lớn của dư luận với những con số thống kê về tỷ lệ “chọi”, cuộc đua vào trường công, trường chuyên, sai sót đề thi,…

Phải thi 4 môn, không xét kết quả rèn luyện ở bậc THCS, chỉ 62% thí sinh có suất vào trường công lập khiến cuộc đua vào lớp 10 của Hà Nội càng trở nên căng thẳng.

Đây là năm đầu tiên Hà Nội tuyển sinh lớp 10 theo phương thức mới, chỉ sử dụng kết quả thi tuyển thay vì kết hợp thi tuyển và xét tuyển như các năm trước đây.

Năm nay, Hà Nội có gần 86.000 thí sinh lớp 9 dự thi tuyển sinh lớp 10. Số chỉ tiêu vào các trường công lập chiếm khoảng hơn 60%. Chính vì thế, một số báo chí có phản ánh những nội dung như "hơn 23.000 học sinh sẽ trượt công lập".

Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, cách dùng từ này là không chính xác và có thể khiến áp lực thi cử với các em nặng nề hơn. Nguyên nhân là do nhiều học sinh đã có định hướng riêng ngay từ đầu như: học các trường dân lập, học nghề, du học..., không nhất thiết đặt ra mục tiêu phải đỗ vào các trường cấp 3 công lập. Bên cạnh đó, tỷ lệ chọi cao chỉ tập trung ở một số trường.

Đã có một số sự cố đáng tiếc.

Đề thi tiếng Anh vào lớp 10 của TP HCM được thí sinh phát hiện có sai sót.

Tại Quảng Bình, sau phản ứng khá gay gắt của phụ huynh học sinh và dư luận, Sở GD&ĐT tỉnh này đã tổ chức thi lại môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 – 2020, do đề thi giống đến 90% đề kiểm tra kỳ II của TP. Đồng Hới trước đó.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc với BCĐ thi THPT tỉnh Điện Biên

Rà soát kỹ càng công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia

Tuần qua, đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có những chuyến công tác tới các địa phương để kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Ngày 7/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại tỉnh Yên Bái.

Với kỳ thi này, tôi nhấn mạnh 4 khía cạnh: Nắm chắc quy chế, chuẩn bị các điều kiện, kiểm soát tình hình, xử lý tình huống

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ

Việc lựa chọn cán bộ tham gia làm thi được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đặc biệt lưu ý. Công tác này phải được thực hiện kỹ lưỡng, cẩn trọng để có được những người vững chuyên môn, có ý thức chính trị tốt, tinh thần trách nhiệm cao.

Thứ trưởng cũng nhắc lại quan điểm chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia: Phải chặt chẽ, đúng quy chế, nghiêm túc, nhưng không tạo không khí căng thẳng, để thí sinh có tâm lý thoải mái làm bài.

Thứ trưởng Lê Hải An phát biểu tại buổi làm việc với BCĐ thi THPT tỉnh Cao Bằng

Ngày 6-7/6, đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh do Thứ trưởng Lê Hải An làm trưởng đoàn đã đến Cao Bằng. Thứ trưởng An cho rằng, dù chuẩn bị chu đáo tới đâu, trong thực tế vẫn có thể phát sinh các tình huống ngoài dự đoán nên địa phương không thể chủ quan bất kỳ khâu nào.

Thứ trưởng đề nghị tỉnh Cao Bằng bổ sung lực lượng bảo vệ cho những trường nằm sát khu vực nhà dân, bổ sung khu vực cách ly đối với phòng bảo quản đề, bài thi và bố trí đủ phòng chờ để thí sinh tự do đợi khi tới môn thi.

Tôi lo lắng cho thầy cô từ các trường đại học về đây coi thi, vì thế đề nghị các trường quán triệt chủ trương đưa đón tận nơi trong suốt thời gian thi. Sở Giáo dục và Đào tạo cùng trường đại học cần trao đổi thẳng thắn để phối hợp tốt nhiệm vụ.

Thứ trưởng Lê Hải An

Sau vụ gian lận điểm thi ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình năm 2018, năm nay Bộ GD&ĐT tăng cường các khâu đảm bảo an toàn cho kỳ thi, trong đó đã điều chỉnh khâu chấm thi, như giao các trường đại học tổ chức chấm trắc nghiệm, tăng cường camera ở phòng bảo quản đề thi và bài làm.

Ảnh minh họa

Tăng cường quyền lợi cho giáo viên ngoài công lập

Giáo viên làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ được bảo đảm ít nhất ngang bằng với quyền lợi của đội ngũ nhà giáo làm việc tại các cơ sở công lập. Đó là nội dung trong Nghị quyết về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 mà Chính phủ ban hành ngày 4/6.

Nghị quyết yêu cầu bảo đảm đối xử bình đẳng và tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch; không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục ngoài công lập, người học đều được tiếp cận cơ hội giáo dục và hưởng lợi từ các chính sách phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng yêu cầu các cơ quan hữu quan phải tạo điều kiện thuận lợi về thị thực, giấy phép lao động để khuyến khích các nhà trí thức, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và nước ngoài đóng góp công sức, trí tuệ và tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Tác giả: Kim Thoa

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP