Tiến sỹ Cao Thành Lê – Phó hiệu trưởng trường Đại học Hà Tĩnh cho biết: “ Để các em học sinh THPT hiểu hơn về Trường Đại học Hà Tĩnh, thời gian qua chúng tôi đã tăng cường công tác quảng bá hình ảnh của nhà trường. Hoạt động này đã được triển khai ngay từ những ngày cuối tháng 2 tại các trường PTTH trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với việc cung cấp những thông tin, hình ảnh qua tờ rơi, áp phích, hoạt động quảng bá năm nay còn được thực hiện thông qua việc đưa các sinh viên từng học ở những trường PTTH trực tiếp về chia sẻ thông tin với học sinh nhà trường. Ngoài ra hoạt động quảng bá cũng đã được tăng cường tại Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh năm 2011 của tỉnh nhà và tỉnh Nghệ An”.
Tiến sỹ Cao Thành Lê:: ” Chúng tôi đã và đang quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành công tác tuyển sinh năm nay”
Với tổng số 47 mã ngành, trong đó 15 mã ngành đại học, 22 mã ngành cao đẳng, 07 mã ngành trung cấp chuyên nghiệp và 03 mã ngành liên thông, năm nay ở nguyện vọng 1 hệ đại học, cao đẳng nhà trường tuyển sinh 1.660 chỉ tiêu (trong đó 900 chỉ tiêu đại học). Ngoài ra trường tuyển sinh hệ không chính quy 1.000 chỉ tiêu chủ yếu ở các chuyên ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Giáo dục Tiểu học, sư phạm Toán, Tiếng Anh, Công nghệ Thông tin… Trường còn có 160 chỉ tiêu đào tạo (theo nhu cầu) cho khu công nghiệp Vũng Áng, số sinh viên này chủ yếu theo học các chuyên ngành về kỹ thuật, công nghệ. Cũng như những năm trước, nhà trường không tổ chức thi tuyển mà chủ yếu là xét tuyển điểm thi đại học theo đề thi 3 chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm chuẩn xác định theo ngành đào tạo nhưng không dưới mức điểm sàn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên theo đánh giá của các nhà chuyên môn, công tác tuyển sinh của các trường đại học thuộc các tỉnh miền trung trở ra nói chung và Hà Tĩnh nói riêng năm nay gặp nhiều khó khăn hơn so với trước. Theo thống kê sơ bộ của Trường Đại học Hà Tĩnh, năm trước nguyện vọng 1 nhà trường có 2.858 hồ sơ, nhưng năm nay, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 2.000 hồ sơ.
Đối với vấn đề đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội, Trường Đại học Hà Tĩnh đang tích cực kết nối với các doanh nghiệp, các Sở, ban ngành để tham mưu cho UBND tỉnh về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Vì vậy, theo xu thế chung những năm gần đây trường không tuyển sinh những ngành dường như đã bảo hoà về nhu cầu sử dụng mà chú ý tuyển sinh các chuyên ngành kinh tế, kỉ thuật, công nghệ… Thế nhưng việc xác định đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu chung cho cả nước cũng đang đứng trước những khó khăn. Chủ yếu vẫn là do tâm lý của học sinh đối với xu hướng chuyển vùng. Vì thế, khác với sự tấp nập, với số lượng hồ sơ tăng đột biến của một số trường ở khu vực miền nam, các trường ở khu vực miền trung lại có phần trầm lắng.
Đối với tỉnh nhà, sự phát triển của các khu công nghiệp với nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao là rất lớn, điều đó cũng đã tạo tiền đề, cơ sở để Trường Đại học Hà Tĩnh có thể phát triển và vươn tầm. Theo số liệu thống kê ban đầu của Trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực cho khu công nghiệp Vũng Áng, thực tế nhu cầu của tỉnh từ nay đến năm 2015 cần hơn 74.000 lao động qua đào tạo. Tuy nhiên điều bất cập là nhà trường lại chưa đáp ứng được các ngành phục vụ cho KCN (chủ yếu là các ngành kỹ thuật, công nghệ).
Để giải quyết vấn đề này Trường cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tham mưu cho UBND tỉnh nhằm ký kết hợp tác với các trường đại học khác đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội. Kế họach đi đôi với hành động, thời gian qua BGH nhà trường cũng đã làm việc trực tiếp với một số dự án ở KCN Vũng Áng để rà soát lại số lao động có nhu cầu đạo tạo, đồng thời ký hợp tác với công ty Formosa bồi dưỡng cho 36 cán bộ theo nhu cầu của công ty. Trường cũng đã làm việc và hợp tác với 10 trường đại học để tổ chức đào tạo và tuyển dụng nhằm đáp ứng phần nào hoạt động đào tạo theo nhu cầu.
Thuý Ngọc
Baohatinh