Toàn huyện có 22 xã, thị trấn, trong đó các xã Phương Điền, Phương Mỹ, Hòa Hải và Hà Linh là những xã nằm ở “rốn lũ” của huyện và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong trận lũ lịch sử 2007 và 2010, hàng nghìn hộ dân của các xã này bị thiệt hại nặng nề, nhiều hộ mất nhà cửa, trôi tài sản, mất mùa, công tác ổn định đời sống sau bão lũ gặp nhiều rất khó khăn.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của Chính phủ, UBND tỉnh, các sở ngành cấp tỉnh và huyện đã tiến hành xây dựng 50 chòi chống lũ cho nhân dân tại hai xã Phương Mỹ và Hòa Hải và thực hiện dự án di dân tập trung lên vùng cao tránh lũ tại hai xã Hà Linh và Phương Điền. Sau hơn 2 năm thực hiện chủ trương di dân tập trung tránh lũ lên vùng cao, đời sống nhân dân dần ổn định, không còn nỗi lo mất nhà khi mùa mưa lũ đến, kết quả bước đầu đạt được rất đáng ghi nhậnXã Phương Điền đã di dời 35 hộ dân chuyển đến định cư nơi ở mới tại vùng xen dắm ở Đập Mưng trên diện tích được hơn 34 héc ta. Cơ sở hạ tầng thiết yếu đang dần được xây dựng. Đến tháng 01/2013, đã nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng 05 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 2.200m và xây dựng công trình thoát nước với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Các hộ thuộc diện di dời được ưu tiên cho chọn lô đất, cấp đất không thu tiền và nhận hỗ trợ 10 triệu đồng/1hộ theo quy định. Ở xã Hà Linh, đã có 60 hộ đã di dời lên khu tái định cư đồi Cơn Lá – xóm 12. Năm 2012, UBND xã đã thực hiện chi trả cho các hộ dân theo đúng quy định nguồn vốn UBND Tỉnh hỗ trợ. Bên cạnh đó, hệ thống đường dây dẫn điện, đường giao thông đã phần nào đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Hiện nay, UBND xã đang xây dựng hồ sơ trình UBND tỉnh xin hỗ trợ cho 19 hộ dân để tiếp tục thực hiện kế hoạch di dân tránh lũ.Nhìn chung nhân dân rất phấn khởi và đồng tình cao với chủ trương di dân lên lên vùng cao tránh lũ, bên cạnh những kết quả tích cực sau khi di dân vẫn còn những khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân cần có sự quan tâm của các cấp. Do địa hình vùng đất mới chuyển lên là địa hình đồi núi có độ dốc lớn, khe suối nhiều, nguy cơ xói lở cao; điều kiện canh tác khó khăn. Tuy được chuyển nhà lên vùng cao tránh lũ, nhưng người dân vẫn phải quay về vùng đất cũ để canh tác, sản xuất. Hơn nữa, diện tích đất ở hẹp, diện tích đất vườn không đáng kể, nên ảnh hướng đến việc tăng gia sản xuất. Hiện nay ở khu vực Đập Mưng (xã Phương Điền) chưa có hệ thống trạm biến áp và đường dây 04, chưa có hệ thống nước sạch, chỉ vài hộ có giếng, các công trình vệ sinh còn tạm bợ, rất dễ xảy ra dịch bệnh. Tại khu vực đồi Cơn Lá (xã Hà Linh) hệ thống giao thông chưa được bê tông hóa, chỉ là đường đất, điều kiện đi lại không thuận lợi, nước sinh hoạt cũng rất thiếu thốn.Chủ trương di dân lên vùng cao tránh lũ thật sự đã mang lại cho người dân niềm tin và hi vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn. Thời gian tới rất cần sự quan tâm hơn nữa từ các cấp ủy, chính quyền và các cấp ngành liên quan, sự hỗ trợ từ xã hội để “rốn lũ” ngày nào sẽ bừng lên sức sống mới, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Tin bài: Hà Sinh viên Học viện báo chí và tuyên truyền Hà NộiẢnh: Phúc Anh, Ban Tuyên giáo Huyện ủy
Hương Khê