Ngày 20-6, báo chí đã thông tin về việc cơ quan chức năng TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai phát hiện và lập biên bản xử lý quán karaoke Thu Hằng tổ chức cho 20 người tụ tập hát karaoke, có tiếp viên khỏa thân. Điều đáng nói là việc quán này mở cửa kinh doanh và cho tụ tập đông người vào đúng cao điểm phòng chống dịch Covid-19.
Trong lúc cả nước nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng đang căng mình chống dịch Covid-19 thì hành vi của chủ quán cùng nhóm khách này phải bị xử lý nghiêm khắc.
Hành vi của nhóm người này quả thật là xem thường pháp luật, xem thường lợi ích cộng đồng và xã hội. Việc tụ tập sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và nếu không may, trong nhóm này có người mắc Covid-19 thì hậu quả sẽ khó lường.
Chủ cơ sở karaoke Thu Hằng cho tắt đèn, khoá cửa sau khi đón khách vào bên trong và bố trí người canh gác |
1 trong 2 nữ nhân viên khỏa thân phục vụ khách bị bắt quả tang |
Bài học nhãn tiền vừa xảy ra ở quận 12, TP HCM. Đó là trường hợp một người đàn ông mời 5 người bạn đến nhà nhậu ngay trong thời gian TP HCM thực hiện giãn cách xã hội. Hậu quả, cả 6 người đều mắc Covid-19. Cơ quan chức năng đã phải vất vả truy vết những F1 của nhóm người này.
Mới đây nhất, một người ở Gò Vấp, TP HCM khi về quê ở Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã tụ tập một số người trong gia đình và hàng xóm nhậu nhẹt. Sau đó, người này được phát hiện mắc Covid-19 và 13 người khác phải đi cách ly khẩn cấp.
Việc làm vô trách nhiêm của những cá nhân trên không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân họ mà còn gây thiệt hại đến xã hội. Khi cơ quan chức năng đang phải "dọn dẹp" hậu quả của những nhóm người trên thì xảy ra vụ việc ở Biên Hòa.
Trước đó, để phòng chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành các văn bản như cấm tụ tập đông người, cấm các cơ sở kinh doanh karaoke mở cửa hoạt động. Thế nhưng, bất chấp nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, quán karaoke Thu Hằng vẫn lén lút mở cửa kinh doanh để thu lợi bất chính. Không chỉ vậy, hành vi cho tiếp viên khỏa thân khiêu vũ mua vui cho khách đến quán còn có dấu hiệu vi phạm quy định về phòng chống mại dâm, phòng chống dịch được quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Pháp lệnh Phòng chống mại dâm và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cụ thể, hành vi cho tiếp viên nhảy múa thoát y tại quán karaoke đã vi phạm khoản 5 điều 19 Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, với mức phạt tiền đến 25 triệu đồng đồng đối với cá nhân và 50 triệu đồng đồng đối với tổ chức; đồng thời xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh 12-24 tháng.
Về hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch, quán này đã vi phạm Nghị định 117/2020/CP-CP của Chính phủ trong lĩnh vực y tế được quy định tại điểm a, c, khoản 3 điều 12, với mức phạt tiền lên đến 20 triệu đồng đối với cá nhân và 40 triệu đồng đối với tổ chức. Như vậy, với vi phạm chồng vi phạm, cơ quan có thẩm quyền cần xử phạt tiền và tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh karaoke của quán Thu Hằng từ 12-24 tháng.
Đối với các cá nhân tụ tập hát karaoke trong mùa dịch và có tiếp viên nhảy thoát y, ngoài việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về phòng chống mại dâm thì còn vi phạm nghiêm trọng Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Nghị định 117 như trên. Cơ quan chức năng cần xử phạt tiền với mức cao nhất của điều khoản vi phạm nhằm răn đe chung cho toàn xã hội.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần làm rõ nhóm người này, nếu là cán bộ, công chức thì cần thông báo đến cơ quan nơi làm việc, nếu người làm ngoài cơ quan nhà nước thì thông báo về địa phương nơi cư trú.
Trường hợp tụ tập này dẫn đến việc lây lan dịch bệnh thì cần khởi tố về các hành vi liên quan đến dịch bệnh theo quy định của Bộ Luật Hình sự và Công văn 45 của TAND Tối cao hướng dẫn nghiệp vụ về việc xử lý các tội danh liên quan đến phòng chống dịch bệnh.
Tác giả: Lâm Hoàng
Nguồn tin: Báo Người Lao Động