Lương y Trần Minh Đồng (Hội Đông y Việt Nam) cho biết vào những ngày cuối năm Âm lịch (thường 29 hoặc 30 Tết), người dân Việt Nam nhất là vùng nông thôn, nhà nào cũng đốt than hoặc nhóm củi để đun nồi nước tắm tất niên với mong muốn sang năm mới được sạch sẽ thơm tho, may mắn.
Nồi nước tắm thường gồm những thứ cây lá có mùi thơm như rễ cây hương bài, nắm lá hương nhu, ít lá sả và không thể thiếu cây và quả mùi (ngò). Không chỉ có mùi thơm dễ chịu, những loại cây này còn có nhiều tác dụng đối với sức khỏe.
Cây mùi già ngày Tết. Ảnh: Anh Thư. |
Sả
Cây và củ sả được dùng nhiều trong món ăn quen thuộc hàng ngày của người dân. Lá sả được chị em dùng nấu nước gội đầu giúp tóc bóng mượt.
Trong ngành dược liệu, lá sả được dùng làm nguyên liệu chưng cất tinh dầu, dùng trong công nghiệp làm thơm như xà phòng, nước hoa.
Rễ hương bài
Từ rất lâu và gần như quanh năm, rễ hương bài được dùng để nấu nước gội đầu hoặc đặt vào ngăn tủ cho thơm quần áo, trừ gián.
Hương bài nấu với lá sả và bồ kết làm cho nước gội đầu có mùi thơm lâu bền và thoảng nhẹ. Vì vậy, rễ hương bài cũng đã được nhân dân ta chú ý khai thác để cất thành tinh dầu, rất thơm mà không độc hại.
Rau mùi
Đây vừa là gia vị được sử dụng trong các món ăn vừa là vị thuốc Nam có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Trong mâm cơm có nhiều thịt, nhiều món ngấy, béo, người ta thường ăn kèm với rau mùi để chống ngấy và tăng hương vị. Ngoài ra, hạt mùi còn được dùng để đun nước tắm thúc sởi mọc.
Hương nhu
Cành lá hương nhu là một trong những vị thuốc Nam dùng trong nồi nước xông để giải cảm. Tinh dầu hương nhu dùng trong y dược và công nghiệp nước hoa. Cành, lá hương nhu dùng cùng với rễ hương bài làm cho nước tắm thêm thơm và bền mùi.
Nồi nước tắm tất niên hội tụ đầy đủ những loại cây cỏ này vừa thơm vừa có tác dụng xông hơi, giúp chúng ta cảm thấy sảng khoái hơn để bắt đầu một năm mới.