VietNamNet giới thiệu phần 2 bàn tròn với ông Mai Liêm Trực và PGS,TS Vũ Minh Khương (ĐHQG Singapore) về hiện tượng trẻ hóa lãnh đạo.
Cảnh giác với hiện tượng đưa con cái vào bộ máy vì lợi ích cá nhânViệt Lâm: Ông Mai Liêm Trực có nhắc đến hiện tượng chính trị con nhà nòi khá phổ biến trên chính trường thế giới. Vậy xét trong bối cảnh của VN thì hiện tượng này có gì đáng lưu tâm?
Ông Mai Liêm Trực: Phải nói thẳng ở VN đến nay chưa có gia đình nào được gọi là “con nhà nòi” về làm chính trị. Các nhà chính trị VN cũng chưa có kinh nghiệm trong vấn đề đào tạo con cái theo nghiệp chính trị.
Tất nhiên, làm chính trị ở Việt Nam có những đặc thù riêng. Ba anh em tôi, người làm bộ trưởng, người làm thứ trưởng, rồi uỷ viên TƯ Đảng nhưng tôi cho rằng chúng tôi chỉ là người làm chính sách chứ không phải là người làm chính trị. Bởi chính trị là vận động tranh cử, một nghề mạo hiểm, hay nhưng nhiều khi phải dùng đến thủ đoạn. Do đặc thù chính trị ở mình khác, nên làm chính trị chủ yếu là làm chính sách và triển khai chính sách. Bởi thế, VN chưa có những gia đình, dòng họ nhà nòi làm chính trị như các nước khác.
Ngay cả một gia đình cán bộ cao cấp nổi tiếng trong lịch sử VN, gia đình ông Lê Đức Thọ với 2 anh em là uỷ viên Bộ Chính trị, một người em là bộ trưởng, uỷ viên TƯ Đảng, nhưng người con út của nhân vật từng nắm quyền lực số hai trong Đảng, anh Lê Nam Thắng lại không muốn làm chính trị, thậm chí từ chối các chức vụ lãnh đạo. Anh Thắng là người tôi nhận về từ Bộ Tư lệnh Thông tin Quân đội, là một cán bộ kỹ thuật giỏi chuyên môn, tư cách đạo đức tốt. Khi các ban chủ chốt đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm làm phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, anh Thắng đứng đầu thì anh ấy lên gặp tôi xin từ chối, lấy lý do sức khoẻ không đảm bảo. Tôi không đồng ý thì sau đó bà Sáu mẹ anh mới viết thư cho Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Phan Văn Khải, nhờ Thủ tướng can thiệp không để tôi trình lên nữa. Mãi 2 năm sau anh ấy mới chịu lên làm Phó Tổng cục trưởng, rồi Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông nhưng không nhận làm bộ trưởng dù đủ khả năng và được mọi người giới thiệu. Con người giản dị là vậy, không bao giờ nhắc đến gia đình mình.
Trở lại câu chuyện gia đình tôi. Hồi ấy các cụ vô tư lắm, không có ý định bồi dưỡng con cháu gì đâu. Suốt thời kì các cụ Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ có ông nào có con theo nghiệp chính trị mà nổi bật đâu.
Thực ra bây giờ, chuyện cho con cái nối nghiệp chính trị cũng có mặt tốt. Nếu những vị lãnh đạo ấy là người sáng suốt, phẩm chất năng lực tốt, có uy tín, có tầm nhìn thì có thể hướng dẫn cho con, làm gương cho con và nhất là có điều kiện đào tạo con cái ăn học cẩn thận. Vì thế, khi giới thiệu bầu cử, người ta có thể tin rằng chắc ổng dạy con cái tử tế, mặc dù những người con này chưa trải qua thử thách. Tôi hi vọng đây sẽ là những tín hiệu để từ nay về sau, VN có được những gia đình chính trị chuyên nghiệp và đứng đắn.
Nói gì thì nói, chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào thực tế là không ít những vị lãnh đạo cả cấp TƯ và địa phương còn lạm dụng quyền lực để xếp cho con chỗ an nhàn. Thực chất, đấy cũng là một hình thức tham nhũng chính trị. Tại sao chuyện “con ông cháu cha” chúng ta nói mãi mà không xử lý được? Có phải vì nó đã thành phong trào, ông này thấy ông kia làm được thì cũng tìm cách làm theo? Bởi vậy dư luận mới ì xèo trên báo chí về hiện tượng quan chức cả huyện, cả tỉnh là họ hàng.
Trong tình hình, điều kiện ở ta như vậy thì dư luận xã hội tâm tư trước hiện tượng con cái lãnh đạo được bầu giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy cũng là điều dễ hiểu. Tôi nghĩ không có gì phải sợ những dư luận ấy làm mình mất uy tín đâu. Bởi vì người ta có quyền nghi ngại khi chưa được thực tế kiểm chứng. Nếu tôi ở vào cương vị của các bạn trẻ được bầu, tôi lại thấy dư luận như thế là tích cực bởi nó luôn tạo áp lực buộc tôi phải nỗ lực hoàn thiện và chứng minh năng lực bản thân.
Ông Mai Liêm Trực là người mở đường đưa Internet vào VN và mở cửa thị trường viễn thông cho cạnh tranh. Ảnh: Lê Anh Dũng |
TS Vũ Minh Khương: Khi phân tích về mặt chính sách, người ta thấy một hiện tượng nào đó phổ biến, nói cách khác là nó ở điểm cân bằng bởi vì nó mang lại lợi ích cao mà tốn phí thấp, thang giá trị lại phù hợp với suy nghĩ của người ta.
Tôi nghĩ trước hiện tượng đưa con cái vào bộ máy, chúng ta cần cảnh báo sớm nguy cơ người ta vào bộ máy vì những lợi ích có thể là quá lớn, chẳng hạn từ việc bồi thường đất đai, trong khi tính chịu trách nhiệm thấp. Điều nguy hiểm nhất là khi điều đó trở thành một thang giá trị, ai không làm thì thiệt và có khi gia đình lại thắc mắc.
Đây là hiện tượng mà Đảng cần phải rất cảnh giác. Thế giới gọi đó là hiện tượng con gián. Khi có một con gián chạy đâu đó thì phải biết chắc có rất nhiều con gián khác chạy xung quanh, chứ không phải chỉ có một con cá biệt.
Rõ ràng, sớm muộn chúng ta phải thực thi dân chủ nhất định để người dân có điều kiện giám sát năng lực cán bộ. Chẳng hạn, Đà Nẵng và Kiên Giang cho nhân dân đánh giá theo định kỳ chất lượng lãnh đạo của bộ máy thì đây chắc chắn là một bước đột phá. Nếu anh Nguyễn Thanh Nghị, anh Nguyễn Xuân Anh làm được việc này thì chúng tôi sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật một cách hoàn toàn trung thực với Viettel hay FPT. Khi đó, Đảng sẽ tự hào vì đã đưa được những người xuất sắc vào đúng cương vị.
Quay trở lại vấn đề con nhà nòi, tức là vốn di sản. Trong một hệ thống chính trị càng dân chủ thì vốn di sản càng quan trọng. Rõ ràng, con cái của Thủ tướng Nehru (Ấn Độ), Park Chung-hee (Hàn Quốc) hay Lý Quang Diệu (Singapore) được nhân dân tin cậy hơn nhiều. Nên con cái những người này mới 18-20 đã được đưa vào chức vụ cao để giành giật lòng dân, lấy được phiếu bầu. Hơn nữa, khi anh là con nhà nòi thì trong Đảng cũng tin cậy hơn.
Trong tương lai nếu thế hệ này để lại những thành quả vẻ vang thì về sau khi đất nước mình thực thi nền dân chủ hoàn hảo, di sản ấy sẽ thực sự sẽ đi vào cuộc sống và mọi người sẽ được chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ ở VN trong thời gian tới.
Cái giỏi của người lãnh đạo là biết khi nào bước vào, khi nào nên lui
Việt Lâm: Ông Khương vừa nhắc tới câu chuyện Singapore. Ông có thể chia sẻ thêm những quan sát của ông, một giáo sư trường Chính sách công Lý Quang Diệu rằng Lý Quang Diệu đã chuẩn bị như thế nào để con trai mình lên nắm quyền một cách chính danh?
TS Vũ Minh Khương: Singapore đào tạo các thế hệ lãnh đạo rất bài bản. Ví dụ như cuộc bầu cử 2015 vừa rồi, ông Lý Hiển Long đưa toàn những nhân vật 40-50 tuổi vào làm bộ trưởng để thử thách, tìm ra gương mặt thay thế ông trong 5 năm tới khi ông nghỉ hưu.
Trước đây, Lý Quang Diệu chọn Lý Hiển Long là kế cận sau một thế hệ (Thủ tướng Goh Chok Tong). Ông giải thích rằng vì việc nước là việc lớn lao, mà ông tin con mình có tài, có khát khao và xứng đáng để kế tục mình. Nhưng đến đời con của ông Lý Hiển Long, tức cháu ông Lý Quang Diệu thì không đưa vào làm chính trị nữa, tức là đến đời Lý Hiển Long là hết.
Cái giỏi của người làm chính trị là khi nào thì bước vào, khi nào rút ra và giỏi hơn nữa là biết sự khác biệt giữa hai tình huống đó nên bước vào hay rút ra. Ông Lý Quang Diệu có những mẫn cảm xuất sắc như thế nên được người dân thán phục dù chế độ nhiều khi hà khắc. Người dân chưa hẳn hài lòng nhưng họ hiểu lãnh đạo cố gắng tích góp tiền bạc cho đất nước chứ không phải mưu lợi cá nhân. Họ không muốn xây dựng một nhà nước phúc lợi, sướng thế hệ này nhưng thế hệ sau khổ hơn. Họ muốn thế hệ sau càng vững vàng hơn cho nên 400-500 tỷ USD cứ dự trữ đầu tư, phát triển tiếp thêm bởi đất nước họ không có tài nguyên và không có điều kiện gì khác mà mà cạnh tranh thế giới ngày càng khốc liệt. Nếu kênh đào Kra làm ở Thái Lan, hay Việt Nam, Trung Quốc mà trỗi dậy mạnh mẽ thì Singapore sẽ mất dần ưu thế nên mọi đầu tư đều chú trọng tương lai, biết một ngày nào đó trời mưa sẽ khó khăn. Tức là sức mạnh của Singapore đến từ sự lo lắng cho tương lai bị tụt hậu. Khi anh đã bị khắc khoải lo lắng về vấn đề đó thì bao giờ lựa chọn nhân sự cũng sáng suốt, cũng hay hơn.
Tạm ứng một niềm tin
Việt Lâm: Ông Mai Liêm Trực cũng sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, bố, anh trai, em trai và cả ông đều nắm giữ chức vụ khá quan trọng trong bộ máy chính quyền. Anh trai và ông Mai Liêm Trực là Thứ trưởng, em trai là Bộ trưởng. Ông cảm thấy gia đình mang lại cho mình lợi thế gì? Ông có cảm thấy gánh nặng nào không?
Ông Mai Liêm Trực: Thực ra, gia đình tôi ông bà cha mẹ thì cũng là người bình thường, cũng lao động vất vả. Ba tôi tham gia kháng chiến từ đầu cách mạng tháng 8 nhưng làm chuyên môn. Song truyền thống gia đình là tài sản rất quý, là bệ đỡ cho mấy anh em chúng tôi trưởng thành.
Ông bà cha mẹ luôn dạy dỗ, rèn luyện chúng tôi phải ham học và sống ngay thẳng. Anh trai cả Mai Kỷ do ông nội đặt, tức là phải sống có kỷ cương. Còn mấy anh em trai sau này tên là Trực hết, tức là sống ngay thẳng, Liêm Trực, Ái Trực. Đấy là vốn rất quý mà chúng tôi gọi đó là báu vật của gia đình.
Điều may mắn thứ hai là mỗi người đều có tự tin và rất tin tưởng lẫn nhau, cho nên không ai tác động bất cứ một câu nói nào cái gọi là nâng đỡ cho con, anh em của mình. Bản thân từng người đã không mở miệng bao giờ nói là ủng hộ tôi để làm chức vụ này vụ kia. Thế hệ chúng tôi và thế hệ các cụ ngày xưa là như vậy. Chứ nếu cái kiểu nâng đỡ, vận động như bây giờ, có khi mình ỷ lại và không khéo lại hư người.
Có lẽ nhờ hai may mắn ấy nên mấy anh em luôn có áp lực phải giữ cho nhau. Một người làm mất uy tín là mất uy tín cả nhà. Đấy cũng là cái tốt để mình giữ gìn.
Còn đối với con của các vị lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương được bầu vào những cương vị quan trọng khi còn trẻ thì tôi mong các vị ấy hãy hiểu rằng các bạn ấy đang tạm ứng một niềm tin của xã hội, của người dân, của tổ chức Đảng. Vậy thì các bạn hãy nỗ lực, hãy dấn thân. Dù muốn hay không, khi làm được cái gì cho dân, cho xã hội thì bao giờ nhân dân và xã hội cũng rất công bằng, sẽ có những phần thưởng xứng đáng. Đừng ham hố quá mà hỏng người đi, làm danh dự mình mất đi mà rồi uy tín gia đình, cha ông cũng mất đi. Điều đó sẽ là nỗi xấu hổ của gia đình và thiệt thòi cho xã hội.
TS Vũ Minh Khương: Tôi cũng muốn chia sẻ thêm về ảnh hưởng của gia đình đến thế hệ sau. Ông tôi sinh ra bố và các chú tôi đặt tên là Chính Liêm Khiết. Thời xưa rất chú trọng nền tảng văn hóa. Bố tôi thời làm Bí thư nhà máy cơ khí duyên hải Hải Phòng, Tổng bí thư Lê Duẩn đến thăm, bố tôi có nói: các anh ở trên xem lại chính sách như thế nào cho tốt hơn, chứ dân ca thán quá! Ông Lê Duẩn gọi bố tôi vào phê bình, nói: Anh nói thế nào chứ tôi đi đâu người ta cũng vỗ tay nhiệt liệt.
Hôm đấy về, bố tôi rất buồn. Tôi không bao giờ quên lời bố tôi nói khi ấy: “Người VN rất nhiều người giỏi, người tài nhưng nói những điều nghĩa khí tới tận tai lãnh đạo thì không có ai nên nước mình mới khó khăn như thế này. Nếu có những người dám nói bộc trực thẳng lòng thì sẽ không đến nỗi như thế đâu. Con cố gắng lớn lên nói những điều thẳng thắn là tốt nhất chứ tài giỏi chưa là cái gì cả.”
Tôi cứ đinh ninh những điều như thế trong lòng. Về sau sự nghiệp chính trị của tôi không thuận lợi nên tôi quyết định sang làm khoa học để có những lời ngay thẳng. Nhiều khi cũng thấy mừng vì mình đã có cơ hội được nói thẳng sau này.
Về lãnh đạo trẻ, tôi muốn giới thiệu mô hình đơn giản của Singapore để test những người nên khuyến khích là đầu tiên là chữ H, tức là anh nhận diện trách nhiệm, có tầm nhìn toàn cục, biết được vấn đề làm thế nào. Hai là A (Archivement orientied) phải có chiến công chứ không ngồi đấy để chờ cơ cấu để lên tiếp. Ba là I (imagination), tức là phải có tưởng tượng để sáng tạo, sáng kiến để làm hay hơn chứ không chỉ làm theo nghị quyết thông thường. Thứ tư là Reality không được mơ tưởng, mơ mộng, biết thực tế khó khăn ra sao, những cái đó anh tự kiểm định lại bản thân và bàn lại trong thường vụ, tỉnh ủy để đi đến nghị quyết mà được lòng dân mới là đáng quý.
- VietNamNet
(còn tiếp)