Ngày 2/12, PV báo Người Đưa Tin nhận được phản ánh của người nhà chị Trần Thị Thảo Tâm (SN 1995), trú ở khóm Ngã Tư, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) về việc con chị đang nguy kịch và có nguy cơ bị tật nguyền suốt đời, do sự chủ quan của một số y bác sỹ ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị.
Theo đơn thư, sáng sớm ngày 14/11 vừa qua, gia đình đưa chị Tâm đến BVĐK tỉnh Quảng Trị để sinh con. Đến 8h cùng ngày, chị Tâm được đưa vào phòng khám Sản của Khoa Phụ sản và được bác sĩ Lê Thị Tú Linh (BS.CK1) khám. Tại đây, chị Tâm có trình bày với bác sĩ rằng trước đó đã khám tại cơ sở và kết quả thai nhi lớn, nặng khoảng 4 kg trở lên, được tư vấn nên sinh mổ, sinh thường sẽ nguy hiểm. Do vậy, gia đình xin được sinh mổ để tránh rủi ro.
Tuy nhiên, theo lời chị Tâm, sau khi nghe chị trình bày, bác sĩ Linh liền phản ứng: “Sao mà mổ, đẻ thường được thì cứ đẻ, chưa biết chi mà xin mổ”. Ngay sau đó, bác sĩ Linh làm bệnh án và hướng dẫn gia đình đến gặp bác sĩ Trần Đình Lực.
Người nhà sản phụ Trần Thị Thảo Tâm trình bày sự việc với PV. |
Cũng theo lời người nhà sản phụ Tâm, tiếp đó, bác sĩ hướng dẫn chị Tâm vào phòng siêu âm, kết quả thai nhi nặng 4,3 kg. Lúc này, gia đình tiếp tục xin bác sĩ cho sản phụ sinh mổ nhưng bác sĩ Lực nói: “Thai thuận đẻ được, gia đình yên tâm”.
Cũng theo lời của gia đình, khi lên bàn đẻ, chị Tâm nói: “Cho em được mổ, em yếu, đẻ thường không được”, nhưng bác sĩ không hề để ý. Đến 12h cùng ngày, chị Tâm đau bụng và được 4 cô nữ hộ sinh đỡ đẻ. Khoảng 15 phút sau, các hộ sinh lúng túng chạy đi gọi bác sĩ đến. Bác sĩ Lực và bác sĩ Linh lúc ấy mới chạy tới, tiến hành hô hấp, tiêm thuốc cho sản phụ rồi tiếp tục đỡ đẻ.
Lúc sau, bé gái được sinh ra nặng 4,8kg nhưng bị các biến chứng rất nghiêm trọng: gãy xương đòn, tràn dịch màng phổi (xẹp phổi), viêm phổi, liệt cơ hoành, gan đẩy lên cao, tổn thương thần kinh cánh tay phải và không cử động được. Cháu bé lập tức được chuyển đến phòng cấp cứu, phải thở bằng máy, được chăm sóc, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch.
“Trước khi nhập viện để sinh, tôi không có biểu hiện bất thường nào nhưng sinh xong thì hậu quả như vậy. Giờ nhìn cháu là không thể kìm lòng, không biết tương lai sau này của con tôi sẽ thế nào. Gia đình rất sợ hậu quả để lại di chứng, tàn tật, khi ấy ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự việc này?”, chị Tâm bức xúc nói.
Sự việc xảy ra, gia đình chị Tâm đã 2 lần gửi đơn kiến nghị lên Ban Giám đốc BVĐK tỉnh Quảng Trị, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của y bác sĩ trong việc trẻ sơ sinh bị nhiều biến chứng nghiêm trọng, đang rất nguy kịch nhưng mãi đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, nơi xảy ra sự việc. |
Theo trình bày của mẹ chồng chị Tâm, ngày 30/11, đại diện y bác sĩ Khoa Phụ sản đã đến hỗ trợ gia đình chị Tâm 30 triệu đồng để lo chi phí, ăn ở nếu phải chuyển cháu bé đến bệnh viện tuyến trên để điều trị.
Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, BS.CKII Trương Xuân Nhuận, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Quảng Trị cho biết: Ban Giám đốc bệnh viện đã nhận được đơn của người nhà sản phụ Trần Thị Thảo Tâm. Giám đốc bệnh viện đã cho thành lập hội đồng chuyên môn để tìm ra nguyên nhân.
“Tuy nhiên, hội đồng chưa họp được là vì trước mắt, chúng tôi đang dồn hết sức lực, tâm huyết tập trung cứu chữa cho cháu bé”, bác sĩ Nhuận cho hay.
Bác sĩ Trương Xuân Nhuận thông tin thêm: Theo báo cáo và xác minh ban đầu, sự việc có thể là do xảy ra tai biến sản khoa. Cụ thể là tai biến kẹp vai. Bình quân trên thế giới cứ 100 ca có 1 ca kẹp vai. Nếu xảy ra biến chứng này thì nguy cơ xảy ra biến chứng cho cả mẹ lẫn con và bác sĩ có thể xử lý bằng cách chỉ định cho sinh mổ hoặc sinh thường.
Trường hợp của sản phụ Tâm, thai to nhưng xương chậu không bất thường nên bác sĩ đã cho sinh thường. Lúc đẻ, thấy đầu thai nhi dễ dàng lọt nên bác sĩ nghĩ sẽ suôn sẻ nhưng sau đó bị kẹp vai dẫn đến hậu quả trên.
“Về việc y bác sĩ tham gia ca đỡ đẻ hôm đó đúng hay sai, sau khi hội đồng chuyên môn họp sẽ biết kết quả. Nếu có sai sót chuyên môn, nghiệp vụ, y đức, bệnh viện chúng tôi sẽ có hướng xử lý kỷ luật những người liên quan”, bác sĩ Nhuận khẳng định.
Lê Kông