Ba ngày sau sự cố với YouTube, trái ngược với diễn biến tăng mạnh của thị trường chứng khoán, đến chiều 6/3, cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 tiếp tục giảm kịch sàn (7%/phiên) về mức 197.200 đồng/CP. Chưa dừng lại ở đó, nhà đầu tư liên tục bán tháo, tình trạng trắng bên mua tiếp diễn, bên bán còn dư bán giá ATC gần 200.000 đơn vị.
YEG của Yeah1 từng giữ vững ngôi vị cổ phiếu có giá đắt nhất thị trường, giao dịch ổn định ở tầm giá 240.000 đồng/CP. Tuy nhiên, sau 3 phiên giảm mạnh liên tục, YEG đã phải nhường vị trí này cho SAB của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Với hơn 31,2 triệu cổ phiếu đang niêm yết, vốn hóa thị trường của Yeah1 cũng "bốc hơi" khoảng 1.500 tỷ đồng, chỉ còn hơn 6.100 tỷ đồng.
3 ngày sau thông báo của YouTube, Chủ tịch Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã mất hơn 500 tỷ . |
Không nằm ngoài vòng xoáy đó, thông tin không vui từ YouTube cũng đã thổi bay hơn 500 tỷ đồng giá trị tài sản của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống – Chủ tịch Yeah1 chỉ trong vài giờ.
Hiện tại, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT của Yeah1 Group đang là cổ đông lớn nhất tại Yeah1 với 11,33 triệu cổ phiếu nắm giữ (37,08%). Giá trị tài sản của doanh nhân xuất thân từ diễn viên này (tính đến 15h ngày 6/3) còn khoảng 2.200 tỷ đồng.
Trước đó, Yeah1 cho biết đã nhận được thông tin về việc YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA - Content Hosting Agreement) từ 31/3 đối với các công ty con/công ty đầu tư tài chính có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của tập đoàn này.
CHSA là giấy phép để các công ty nêu trên được phép tuyển chọn và quản lý doanh thu quảng cáo trên YouTube AdSense từ các kênh YouTube của bên thứ ba.
Trong đó, các công ty có liên quan trong sự việc lần này bao gồm SpringMe Pte. Ltd; Yeah1 Network Pte Ltd; và ScaleLab LLC.
Sự cố lần này của Yeah1 xuất phát từ việc YouTube cho rằng SpringMe Pte. Ltd. (công ty có trụ sở tại Thái Lan, do Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93%) đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube.
Điều này dẫn tới việc YouTube áp dụng chính sách tương tự với tất cả các công ty khác liên quan tới YouTube Adsense trực thuộc Yeah1.
Phía Tập đoàn Yeah1 cho biết đã có những hành động làm rõ thêm với YouTube về bản chất hoạt động Tập đoàn.
Yeah1 cũng cho biết ban lãnh đạo cấp cao của tập đoàn đang làm việc trực tiếp với các quản lý cấp cao của YouTube để hiểu rõ sự việc và để tiếp tục các thỏa thuận với YouTube sau ngày 31/3.
Yeah1 kiếm lời bao nhiêu nhờ YouTube?
Báo cáo tài chính năm 2018 của Yeah1 công bố mới đây cho biết kết quả kinh doanh của tập đoàn này năm qua đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2017. Tuy nhiên, gần 90% lợi nhuận thu về đang đến từ mảng kinh doanh kỹ thuật số trên nền tảng YouTube, trong đó có YouTube AdSense.
Nhìn vào bảng cơ cấu kinh doanh và lợi nhuận sau thuế của Yeah1 thấy rõ mảng kinh doanh kỹ thuật số trên nền tảng YouTube cho doanh thu vô cùng lớn. |
Cụ thể, năm vừa qua Yeah1 đạt doanh thu 1.658 tỷ, tăng 97% so với cùng kỳ và thu về khoản lợi nhuận sau thuế cả năm 180 tỷ, tăng 119% .
Do hoạt động kinh doanh năm qua tập trung vào lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số nên mảng kinh doanh kỹ thuật số trên nền tảng YouTube và xuất bản nội dung số năm qua của Yeah1 đã tăng hơn 93%. Riêng mảng kinh doanh YouTube AdSense đóng góp khoảng 1 triệu USD cho Yeah 1, tương ứng khoảng 13% lợi nhuận sau thuế năm ngoái.
Mảng kinh doanh trên nền tảng YouTube đã chiếm lần lượt tới 56% và 89% doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn năm 2018. Trong khi năm 2015, kinh doanh trên nền tảng này chỉ chiếm chưa tới 10% doanh thu và chưa tới 50% lợi nhuận của công ty.
Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển nội dung trên nền tảng YouTube mang lại cho Yeah1 rất nhiều lợi nhuận, nhưng đi kèm với đó cũng là những rủi ro khi phụ thuộc vào một nền tảng.
Đặc biệt, việc thay đổi cơ chế với các nhà phát triển nội dung trên nền tảng của mình không phải việc quá xa lạ với YouTube hay các mạng xã hội nói chung trên thế giới.
Trao đổi với báo giới, lãnh đạo Yeah1 cho biết chưa nắm rõ doanh nghiệp sẽ thiệt hại bao nhiêu từ sự cố này. Tuy nhiên, dựa vào kế hoạch kinh doanh trong vòng bốn năm tới và giả định trường hợp xấu nhất là đàm phán tiếp tục hợp tác với Youtube thất bại, công ty có thể mất khoảng 3.500 tỷ đồng - chưa bao gồm những tác động lên giá cổ phiếu nếu đóng cửa mảng kinh doanh chủ lực.
Ngày 5/3, trước diễn biến bất lợi của giá cổ phiếu YEG, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị Yeah1 đăng ký mua 100.000 cổ phiếu YEG nhằm mục đích tăng tỷ lệ nắm giữ. Phương thức giao dịch qua sàn, thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 8/3 đến ngày 7/4/2019. Cũng trong khoảng thời gian trên và cùng mục đích tăng tỷ lệ nắm giữ, ông Võ Thái Phong, Phó tổng giám đốc tài chính Yeah1 cũng đăng ký mua vào 50.00 cổ phiếu. |
Tác giả: Sơn Ca
Nguồn tin: Báo Người đưa tin