Trong nước

“Có những cách hành dân rất tinh vi mà dân không biết”

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, có những cách ‘hành dân” rất tinh vi mà người dân không đủ thông tin để hiểu rằng cán bộ đang “hành” mình.

Ông Ngọ Duy Hiểu, thành ủy viên, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn của VOV.

co nhung cach hanh dan rat tinh vi ma dan khong biet hinh 1
Ông Ngọ Duy Hiểu trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.

Ý thức không đúng về quyền lực được trao

PV: Hai công an và 3 dân phòng xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai chặn xe của người dân mà không nêu lý do nên người điều khiển phương tiện giao thông đã không chấp hành việc xuất trình giấy tờ. Một trong những người chặn xe đã rút chìa khóa khiến người dân đẩy xe đi bộ về nhà gần 10km trong đêm khuya. Ông nhìn nhận thế nào về vụ việc này?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Bên cạnh những hình ảnh đẹp, những công việc vất vả, thầm lặng của công an xã, phường và lực lượng dân phòng, tôi thấy đáng tiếc, rất buồn và bức xúc về 2 công an và 3 dân phòng ở xã Lộ 25. Họ đã làm một việc rất tùy tiện, coi thường dân, coi thường pháp luật. Dù hậu quả gây ra không lớn, nhưng tính chất của hành vi và ảnh hưởng của nó thì rất đáng bàn.

Điều đáng bàn ở đây là người được chính quyền xây dựng, bố trí vào lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ pháp luật nhưng chính họ ngang nhiên vi phạm pháp luật. Họ đã quá vô cảm, nhẫn tâm, bỏ mặc người dân với chiếc xe máy không chìa khóa một mình giữa ban đêm. Họ đã không đặt mình vào vị trí người dân. Ở đây chưa nói đến phẩm chất của người công bộc và tình người tối thiểu hình như cũng không tìm thấy ở họ.

PV: Ở vị trí gần dân, phục vụ nhân dân nhưng thực tế những người này lại có hành động hành dân. Theo ông, vì sao lại có thực trạng này?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Trước hết, ý thức của lực lượng này về quyền lực mà họ đang có là không đúng, không đầy đủ. Họ có quyền này là để phục vụ nhân dân nhưng có nhiều người cho rằng đó là quyền tự nhiên mình có và dùng quyền đó một cách bừa bãi.

Việc tuyển chọn, xác định tiêu chuẩn đối với lực lượng này hiện nay còn đơn giản, nguyên tắc, yêu cầu chưa đầy đủ. Khi vào lực lượng, họ không được tập huấn, không được hướng dẫn một cách nghiêm túc, đầy đủ. Việc tự rèn luyện, phấn đấu của họ cũng kém; việc kiểm tra, giám sát cũng chưa thường xuyên và chưa đạt được kết quả.

PV: Vụ việc ở Đồng Nai, sau này Công an xã đã đến xin lỗi người dân. Ông nghĩ việc xin lỗi như vậy đã thỏa đáng chưa? Theo ông, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về hoạt động của lực lượng dân phòng?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Trước hết, phải ghi nhận họ đã đến xin lỗi dân nhưng tôi nghĩ không chỉ dừng lại ở đó. Cần phải kỷ luật, xác định trách nhiệm để rút ra bài học vì vấn đề ở đây ảnh hưởng đến uy tín và tạo nên tiền lệ không tốt, cần phải răn đe, phòng ngừa. Thậm chí họ cần phải bồi thường nếu người dân yêu cầu và phải xử lý kỷ luật.

Đối với lực lượng dân phòng, trước hết họ phải tự chịu trách nhiệm. Cơ quan công an, chính quyền xã cũng phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm đến đâu cần xác định cụ thể.

Có những cách hành dân rất tinh vi

PV: Không khó để tìm thấy thông tin hoặc trực tiếp nhìn thấy những hành xử không đúng, thậm chí là những sai phạm của cán bộ nhân danh đại diện cơ quan công quyền cấp cơ sở. Nhưng hành động của họ dường như ít bị kiểm tra, giám sát. Người dân dù rất bất bình nhưng đành chấp nhận. Theo ông, vì sao lại có hiện tượng như vậy?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Hệ thống chính trị quy định về việc giám sát các cơ quan rất đầy đủ từ Quốc hội, HĐND các cấp, MTTQ, các tổ chức thành viên… nhưng hiệu quả của việc giám sát, kiểm tra còn mức độ. Sở dĩ có việc người dân đôi khi đành lòng chấp nhận vì những vi phạm này không còn là cá biệt, là “chuyện thường ngày” ở huyện, ở nơi này, nơi kia. Mức độ “hành dân” khác nhau, thậm chí có cách “hành” rất tinh vi mà người dân không đầy đủ thông tin để hiểu rằng họ đang “hành” mình.

Việc người dân có kiến nghị, đề nghị xử lý thì nơi này, nơi khác có biểu hiện bao che. Nên người dân nói rằng, mình đã khổ vì một thủ tục trước đó, bây giờ lại tiếp tục kiến nghị về việc họ làm khổ mình nữa thì lại thêm một hành trình khổ mới. Vì vậy, có lúc người dân nghĩ thôi thà cho xong việc đi.

PV: Ông từng là Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ -Hà Nội, khi ở địa phương, ông có nhận được phản ánh cán bộ xã hành dân? Theo ông, cần có những giải pháp tổng thể nào để xử lý vấn đề này?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Khi về địa phương, tôi thường xuyên nhận được những lá đơn, kiến nghị, thư điện tử về nơi này, nơi kia cán bộ có biểu hiện hành dân. Công việc đầu tiên của tôi là xác minh nguồn tin đó, giao các cơ quan chức năng để xác minh. Khi những biểu hiện cụ thể được xác định, dứt khoát phải giáo dục, nhắc nhở cán bộ về mức độ vi phạm. Cũng có những cán bộ tôi nhắc nhở, cũng có những người tôi mời trực tiếp lên phòng làm việc của tôi khi có dư luận. Tuy hành vi không nghiêm trọng, nhưng khi nhắc nhở cán bộ đó cũng rút kinh nghiệm.

Những giải pháp cần thực hiện là thường xuyên chỉ đạo, nâng cao hiệu quả của cải cách hành chính, đặc biệt là các thủ tục trình tự công khai minh bạch để người dân biết; chỉ đạo việc nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đặc biệt là tinh thần phục vụ nhân dân. Khi cầm trên tay hồ sơ của dân, cán bộ có thấy trân trọng không, có thấy đó là trách nhiệm của mình không hay coi đó là đống giấy vô tri? Cán bộ phải thấy rằng đó là việc mình phải phục vụ, phải làm để cho người dân được hưởng quyền đó vì mình ăn lương của dân.

Tổ chức thường xuyên đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy chính quyền với nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là sự gương mẫu của người đứng đầu. Chính việc nghiêm túc của mình trở thành tấm gương để cấp dưới làm tốt hơn công việc.

PV: Theo ông, làm thế nào tuyển dụng được cán bộ cơ sở có trình độ thực sự gần dân, lo cho dân?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Trước hết, cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn sát hợp so với yêu cầu tiêu chuẩn của cán bộ cơ sở, trong đó đặc biệt đề cao trách nhiệm phục vụ. Cần quy định thời gian thử thách. Trong thời gian thử thách đó, nếu cán bộ có những hành vi, dấu hiệu, biểu hiện không có tinh thần trách nhiệm cao phục vụ nhân dân thì nên cho họ kết thúc nhiệm vụ và không tuyển dụng.

Việc tuyển dụng phải công bằng, khách quan với mục tiêu chọn người tài, đức, tránh việc “con ông, cháu cha”. Chế độ lương, chính sách đối với cán bộ cơ sở cũng cần được đảm bảo để họ tận tâm với công việc được giao. Có chế độ tập sự, học việc, đặc biệt là tập huấn bồi dưỡng, hướng dẫn họ cách làm thế nào phục vụ công dân tốt nhất, tránh việc vi phạm nguyên tắc, quy định.

Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ cần làm nghiêm túc hơn, khách quan, không đợi đến mức vi phạm nhiều lần mới đưa họ ra khỏi bộ máy mà cần quy định thang bậc để buộc họ nghỉ việc vì những lý do cụ thể./.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Ngọc Chi-K.Anh/VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP