Du lịch

Có một “thung lũng vàng Tú Lệ” ở miền Tây xứ Nghệ

Vào mùa lúa chín, bức tranh phong cảnh đa sắc màu trên cánh đồng của người dân xã Hạnh Dịch, huyện miền núi Quế Phong níu giữ bước chân của những du khách khi đến với mảnh đất này. Có nhiều người ví rằng, cánh đồng Hạnh Dịch như một thung lũng Tú Lệ (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) ở miền Tây Nghệ An.

Xã Hạnh Dịch (Quế Phong) hiện có hơn 2.000 đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Người Thái ở xã Hạnh Dịch thuộc hai dòng chính là Tày Thanh (một số nơi phát âm là Táy) và Tày Mường. Ảnh: Thành Cường

Cánh đồng lúa xã Hạnh Dịch cách trung tâm huyện Quế Phong chừng 15km. Vào mùa thu, lúa trĩu vàng trên những thửa ruộng bậc thang như những dải lụa, khiến cảnh sắc của xã biên giới này trở nên mơ màng, đẹp nhất trong năm. Ảnh: Thành Cường

Một số người già trong xã cho biết, lúa nước được người dân trồng từ khá lâu. Diện tích này được nâng lên nhanh chóng trong những năm 90 của thế kỷ XX. Hiện, toàn xã có hơn 40 ha lúa ruộng, tập trung nhiều ở các bản như: bản Chiếng, Pỏm Om, bản Khốm… Ảnh: Thành Cường

Hạnh Dịch còn được xem là "chiếc nôi" của Mường Đán và Mường Việc trong sử sách "9 bản 10 mường" mà người Thái ở miền Tây Nghệ An truyền kỳ cho đến nay. Ảnh: Thành Cường

Hiện nay, việc làm ruộng, gieo cấy, gặt lúa đã có nhiều đổi mới. Người dân xã Hạnh Dịch đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ thế năng suất lúa của người dân đã được cải thiện đáng kể. Ảnh: Thành Cường

Người dân đồng bào Thái ở xã Hạnh Dịch vẫn lưu giữ nhiều phong tục tập quán trong việc thờ cúng, các món ăn ngày lễ, tết… Ảnh: Thành Cường

Khác với những cánh đồng bằng phẳng ở các huyện đồng bằng, những thửa bậc thang thường nhỏ và uốn lượn trên các triền núi, việc làm ruộng và gặt lúa sẽ khó khăn hơn. Ảnh: Hồ Phương

Trong khi gặt, người Thái ở Quế Phong thường bó thành từng bó nhỏ, sau đó dùng gánh hoặc gùi để chuyển đến chỗ tập kết sau đó mới tuốt. Ảnh: Hồ Phương

Do các ruộng bậc thang nhỏ nên không thể dùng những chiếc máy gặt đa chức năng vào sử dụng. Ảnh: Hồ Phương

Người dân sản xuất bên dòng Nậm Việc trong xanh và hiền hòa. Đây còn là nơi những người dân xã Hạnh Dịch có nguồn thức ăn dồi dào từ việc đánh bắt cá, tôm, cua… Những thửa ruộng bậc thang ở xã Hạnh Dịch không chỉ là bức tranh cuộc sống ấm no của người dân, mà còn là địa điểm trải nghiệm, tham quan, check-in thú vị cho những người đam mê xê dịch. Ảnh: Hồ Phương

Tác giả: Hồ Phương - Thành Cường

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP