Năm nay, kì nghỉ lễ kéo dài 5 ngày nên rất nhiều người tranh thủ về quê khiến lúc trở lại nơi học tập, làm việc nhiều người phải “vật vã” mới đón được xe.
Phản ánh tới VTC News, độc giả Thu Huyền ở Hương Khê, Hà Tĩnh cho biết, chị vừa trải qua một chuyến xe “bão táp” từ Hà Nội về Hà Tĩnh vào ngày 30/4. Chuyến xe nhồi nhét thêm hàng chục hành khách, sang xe nhiều lần để qua mặt lực lượng công an và phải mất 16 tiếng mới kết thúc cuộc hành trình.
Độc giả này cho hay, để chuẩn bị vé xe về quê nghỉ lễ dịp 30/4, chị đã chủ động liên hệ với một nhà xe đã nhiều năm hoạt động ở Hương Khê (Hà Tĩnh) để đặt vé, nhà xe này cho biết đến ngày về cứ ra bến xe sẽ có nhân viên nhà xe bán xe tại bến xe Nước Ngầm.
|
Hành khách đứng xếp hàng đợi nhà xe xếp chỗ để nhồi nhét |
|
Sau khoảng 15 phút xếp chỗ, hành khách bị nhồi nhét, không còn một lối đi |
Yên tâm rằng mình sẽ có được một chiếc vé xe về quê đúng chất lượng, sáng 30/4, chị Huyền ra bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) mua vé tuyến Hà Nội – Hương Khê (Hà Tĩnh) với giá 300.000 nghìn đồng của xe mang BKS 38B – 006.63. Trong khi đó giá vé ngày thường chỉ 250.000 đồng.
Trên chuyến xe, nhiều hành khách mua vé về Diễn Châu (Nghệ An) hay TP Vinh (Nghệ An) đều chịu mức giá đồng hạng 300.000 đồng.
Bị thu vé giá cao hơn ngày bình thường, nhiều hành khách đã tỏ ra vô cùng bức xúc và liên tục chất vấn nhà xe, nhưng chỉ nhận được một lời giải thích “các anh chị thông cảm, vì đây là ngày nghỉ hành khách nhiều nên giá có thay đổi. Bác nào không đi được thì có thể chuyển xe khác”.
Sau khi mua được vé và vào bến, chị Huyền choáng váng vì số hành khách đang xếp hàng đợi nhà xe xếp chỗ quá đông. Hàng chục hành khách nóng ruột cố gắng chen chúc lên xe để dành một chỗ ngồi trong khi các giường nằm đều đã kín chỗ.
“Phụ xe nói với chúng tôi rằng giường nằm đã kín chỗ, hành khách chịu khó ngồi dồn vào lối đi giữa các hàng ghế. Lúc này có đến khoảng hơn 20 người đang đứng đợi bên dưới để chờ phụ xe xếp chỗ, ngồi nhồi nhét”, chị Huyền phản ánh.
|
Mỗi giường nằm ở tầng 2 cũng được tận dụng cho 2 hành khách |
|
Ở giữa các lối đi, chật kín hành khách |
Sau chừng nửa tiếng xếp chỗ trong bến, chiếc xe giường nằm cao cấp 40 giường đã được nhà xe ”nêm” tăng lên gần 80 người. Khoảng 10h chiếc xe lăn bánh rời Hà Nội sau khi mất khoảng gần 1 tiếng đồng hồ để sửa chữa tại một Gara gần bến xe, hành khách phải chịu cảnh nhồi nhét, chờ đợi trên xe.
Nhiều hành khách trên xe bức xúc vì giá vé tăng nhưng không có giường nằm, thậm chí ngồi cũng không thể duỗi thẳng chân. Theo quy định, mỗi giường nằm trên xe chỉ dành cho một hành khách, nhưng trên tuyến xe khách Hà Nội – Hà Tĩnh chị Huyền đi, nhiều giường nằm bị nhồi nhét 2 hành khách.
Điều đáng nói, hai lối đi mà dân phụ xe gọi là “luồng” cũng kín chỗ, người ngồi chen chúc, san sát vào nhau. Một số trẻ em đi trên xe cũng không được bố trí giường nằm.
“Muốn đi vệ sinh trong xe, hành khách phải leo qua đầu nhau. Những người ngồi giữa lối đi đều rất mệt mỏi vì không đủ diện tích để ngồi, chen chúc nhau trong một khoảng không gian chật hẹp. Nhiều người di chuyển cả trăm cây số không thể duỗi được chân” chị Huyền cho biết.
|
Hành khách được cho lên một chiếc xe 24 chỗ để đi qua địa phận thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) |
|
Số hành khách đi xe 24 chỗ tiếp tục lên xe khách để ‘hành xác’ |
“Chúng tôi ra bến xe mua vé theo quy định, không những thế giá vé còn tăng, mong muốn sẽ có được chỗ ngồi chất lượng nhưng lại bị nhồi nhét khủng khiếp. Tôi ngồi hàng tiếng đồng hồ ở lối đi trên xe mà không thể duỗi thẳng chân”, chị Huyền cho biết.
Chiếc xe “bão táp” vượt qua cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, đến địa phận Ninh Bình và lưu thông trong tuyến đường nội đô để đi qua thành phố. Tuy nhiên đi được một đoạn, tài xế lại quay đầu xe và chuyển hướng đi theo đường khác với lý do “né” công an.
Sau khi dừng xe cho khách ăn trưa ở Ninh Bình, nhà xe đã “điều” một chiếc xe 24 chỗ khác đến chở số khách vượt quá trên xe để qua mắt lực lượng công an. Gần 30 hành khách bị nhồi nhét được chuyển lên chiếc xe cơ động vượt qua tuyến thị xã Tam Điệp đến Bỉm Sơn (Thanh Hóa).
Gần 30 hành khách lên chuyến xe cơ động, khi đến địa phận Bỉm Sơn, hành khách xuống xe và lại ngồi chờ đợi nhà xe đến để tiếp tục lên xe và chịu cảnh nhồi nhét. Đợi ở địa phận Bỉm Sơn khoảng 30 phút, chiếc xe khách đã đến điểm hẹn và đón 30 người trên. Cảnh nhồi nhét lại tiếp tục tái diễn sau khi đã qua mặt được lực lượng công an trên đoạn đường mà cánh lái xe đã biết trước.
Đến khoảng 16h30 phút, chiếc xe bắt đầu vào địa phận tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên thời điểm này, Quốc lộ 1A đang ùn tắc nghiêm trọng nên phải mất khoảng 5 tiếng đồng hồ, chiếc xe mới lưu thông qua địa phận tỉnh Nghệ An.
|
Chuyến xe kinh hoàng của nhiều hành khách trong ngày 30/4 |
Khi đến địa phận Can Lộc (Hà Tĩnh) khoảng 10h30 phút, hành khách lại vô cùng bức xúc khi nhà xe tiếp tục yêu cầu hành khách xuống xe để sang một chiếc xe khác. Nhà xe lý giải rằng hành khách lên chiếc xe mà nhà xe vừa “điều” đến, để chiếc xe mang BKS 38B – 006.63 quay đầu tiếp tục chở khách ra Hà Nội.
Phụ xe nói rằng, chiếc xe cơ động này sẽ đưa hành khách về đến trung tâm TP Hà Tĩnh và điểm cuối của cuộc hành trình là Hương Khê (Hà Tĩnh). Nhiều hành khách tỏ ra bức xúc vì bị nhồi nhét hơn 12 tiếng đồng hồ, đổi xe đến 2 lần. Tuy nhiên nhà xe chị lý giải: “Ngày lễ khách đông, bà con thông cảm”.
Bước xuống để đợi sang xe, hành khách ai cũng rất mệt mỏi sau một cuộc hành trình khủng khiếp. Thông thường, một chuyến xe chạy tuyến Hà Nội – Hương Khê chỉ mất từ 8 đến 9 tiếng đế kết thúc cuộc hành trình. Tuy nhiên, chuyến xe “bão táp” ngày 30/4, chở theo gần 100 hành khách, kéo dài khoảng 16 tiếng khiến hành khách đều lắc đầu ngán ngẩm, bức xúc trước việc nhồi nhét của nhà xe và bị tăng giá.
Sau khi sang một chuyến xe khác để tiếp tục di chuyển về trung tâm thành phố Hà Tĩnh, phải đến 1h sáng 1/5, hành khách mới về được điểm cuối của cuộc hành trình là thị trấn Hương Khê – Hà Tĩnh.
“8h sáng 30/4 ra bến mua vé về quê nghỉ lễ, đến 1h rạng sáng 1/5 xe mới về đến Hương Khê, Hà Tĩnh. Đúng là một chuyến xe “bão táp” trong ngày nghỉ lễ”, chị Huyền nhớ lại.
Video hành khách vật vã đợi sang xe, sau đó được cho lên 1 chiếc xe 24 chỗ để đi qua địa phận thị xã Tam Điệp (Ninh Bình):