Cũng do có điều kiện đi lại nên ngay từ thời gian này ông đã tham gia làm liên lạc cho cách mạng hoạt động từ Thanh Hóa vào đến Quảng Bình. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông gia nhập lực lượng Công an và công tác tại Phòng Bảo vệ Chính trị, Công an Hà Tĩnh.

Từ năm 1946, khi quân Pháp gây hấn quay lại xâm lược nước ta, ở miền Bắc, chúng tăng cường lực lượng, đóng đồn bốt khắp nơi, không ngừng mở rộng càn quét vào các vùng tự do, vùng kháng chiến của ta, cùng lúc chúng tập trung xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với âm mưu chiếm đóng lâu dài đất nước ta.

Từ các năm 1950 đến năm 1953, quân ta mở hàng loạt chiến dịch từ miền núi Việt Bắc đến đồng bằng Bắc bộ. Năm 1953, quân Pháp câu kết móc nối với một số tên phản động khu vực ven biển Nghệ Tĩnh, tổ chức ba tàu chiến định đổ bộ vào vùng biển Cửa Sót (Hà Tĩnh). Tổ công tác của ông Nguyễn Xuân Vinh được giao nhiệm vụ tìm hiểu kỹ ý đồ của địch để chủ động đối phó.

Ông Nguyễn Xuân Vinh (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng bố mẹ, vợ và các con trước khi vào Nam chiến đấu.

Khi địch liên lạc được với số đối tượng bất mãn trong bờ ra gặp tàu chúng, Nguyễn Xuân Vinh đã hóa trang trà trộn vào. Khi ông lên tàu, chúng nghi ngờ ông là người ta cài vào nên ra đòn phủ đầu, đánh ông dã man gẫy cả răng, nhưng ông không mảy may dao động, đã đánh tan sự hoài nghi của chúng. Từ đây ta biết được thời gian , ý đồ của địch sẽ đổ bộ vào Cửa Sót.

Khi địch cho số đối tượng trên trở lại đất liền với nhiệm vụ tổ chức lực lượng nội ứng, ta đã vô hiệu chúng, rồi bí mật bố trí lực lượng mai phục tại khu vực Cửa Sót. Khi chúng đổ bộ vào, toàn bộ quân địch đã bị ta bắt gọn. Cuối năm 1956, ông được điều ra Bộ, công tác ở Cục Bảo vệ Chính trị nội bộ, làm việc ở bộ phận chuyên đề. Thời gian này ông được phân công phụ trách việc đón tiếp kiều bào ta hồi hương. Năm 1962, ông được cử đi tập huấn ở Liên Xô, đến năm 1964 về nước.

Trước tình hình chiến trường miền Nam ngày càng khó khăn, ác liệt, thực hiện chủ trương của Bộ tăng cường lực lượng an ninh cho các mặt trận, tháng 10- 1965, một đoàn cán bộ trên 100 người gồm ở cơ quan Bộ và các địa phương chia làm 3 tổ lên đường vào Nam. Tổ vào khu V gọi mật hiệu là đi “Bắc Ấn”, tổ vào khu VI là đi “Bắc Kế”, còn tổ vào Trung ương Cục gọi là đi “Ông Cụ”. Mỗi đoàn đi lập một chi bộ riêng. Tổ đi “Bắc Kế” do ông Nguyễn Xuân Vinh làm Bí thư chi bộ, ông Nguyễn Đức Minh làm ủy viên.

Sau bốn tháng đi bộ vượt Trường Sơn, đoàn “Bắc Kế” mới vào được đến đất khu VI. Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục XDLL Công an nhân dân (nay là Tổng cục Chính trị CAND) nhớ lại: “Khu VI gồm địa bàn cực Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên, cực kỳ khó khăn thiếu thốn. Anh em vẫn gọi đùa là “khu sắn”, bởi lương thực chủ yếu là sắn, kể cả ngày tết cũng chỉ có sắn.

Ông Nguyễn Xuân Vinh vào đây có tên gọi mới là Nguyễn Tử Kinh và được an ninh khu điều lên hoạt động ở địa bàn tỉnh Tuyên Đức, làm Ủy viên thường trực Ban An ninh tỉnh, kiêm phụ trách điệp báo. Thời gian này ông Vinh lăn lộn hoạt động ở vùng Tuyên Đức, chủ yếu sống ở vùng núi Voi, chân đèo Pren.

Địa hình này thuận lợi là buổi tối có thể dễ dàng đột nhập xuống các ấp chiến lược để nắm tình hình địch và vận động nhân dân, gây dựng cơ sở. Ngay cả thời điểm địch thực hiện kế hoạch “bình định đặc biệt”, lấy ấp chiến lược làm trọng điểm, chúng tăng cường tới 30 tên lính bảo vệ 1 ấp, thì ông Vinh vẫn bất chấp hiểm nguy, ra vào các ấp để gây dựng cơ sở cách mạng…”.

Ông Nguyễn Xuân Vinh (giữa) cùng đồng đội tập huấn ở Liên Xô năm 1962.

Có một chi tiết ông Vinh viết thư về gia đình kể, là khi mới đến hoạt động ở vùng Tuyên Đức, một lần xuống địa bàn ông có gặp một người cùng làng. Người này đã vào Nam từ trước 1954, hiện sống ở Buôn Mê Thuột. Khi gặp, hai người cùng nhận ra nhau, ông để ý thấy ánh mắt người này không được tự nhiên, sợ bị lộ, ông đã khôn khéo rút ngay.

Hoạt động ở địa bàn Tuyên Đức đến sau Tết Mậu Thân 1968, ông được rút về an ninh khu (đóng ở Bình Thuận), được phân công làm Trưởng tiểu ban Bảo vệ chính trị, với nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng cơ sở, diệt ác, phá kềm…

Tháng 12-1970, An ninh khu cử ông xuống huyện Hàm Thuận, bấy giờ đang là trọng điểm bình định của địch. Đây là địa bàn có đông người dân theo cách mạng, lại ở phân tán, địch nhiều lần vào nhưng ý chí người dân đấu tranh không cho chúng lập ấp, dồn dân. Khi tổ công tác đang triển khai nhiệm vụ ở cơ sở thì nhận được lệnh rút, để tránh một trận càn của địch. Không ngờ, tổ công tác do ông dẫn đầu đang trên đường rút đã sa vào ổ phục kích của địch, khiến ông cùng 6 đồng chí hy sinh.

Tinh thần hy sinh anh dũng của người chiến sỹ an ninh Nguyễn Xuân Vinh đã khiến đồng đội và đồng bào cảm phục. Bởi sau khi bị phục kích, bọn địch lục lọi lấy được giấy tờ ông mang theo người nên chúng biết được tên tuổi, quê quán của ông, chúng lên Đài phát thanh Sài Gòn ra rả khoe chiến tích là “đã hạ gục một cộng sản bự nằm vùng”.

Nhớ lại năm 1965, trước khi ông vào Nam, hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn, vợ chồng ông có cả thảy 8 đứa con, người con lớn nhất bấy giờ 20 tuổi, đứa nhỏ nhất còn đang bế trên tay. Hoàn cảnh như vậy nhưng không làm ông nhụt ý chí. Đại tá an ninh nhân dân Nguyễn Xuân Quỳnh, người con trai thứ của liệt sỹ Nguyễn Xuân Vinh, người mà từ lúc sinh ra cộng tất cả thời gian được sống bên ông chưa được một năm, cho biết: “Trường hợp bố tôi đi Nam, sau này về công tác ở Bộ Công an được các chú, các bác kể lại mới biết là bố tôi xung phong đi. Ngày ấy Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn có nói với bố tôi: Tinh thần xung phong của đồng chí là rất tốt, nhưng lãnh đạo Bộ có ý định để đồng chí ở lại, vì đồng chí còn có 8 cháu nhỏ đang ăn học, rất cần phải có trách nhiệm với các cháu.

Bố tôi cười nói rằng: “Tôi ra tiền tuyến, để lại gia đình ở hậu phương, có gì nhờ hậu phương giúp đỡ. Tôi nhờ anh em trong đơn vị và lãnh đạo Bộ đấy”. Bà Nguyễn Thị Tự, vợ liệt sỹ Nguyễn Xuân Vinh, lúc sinh thời, tôi may mắn được gặp, được nghe bà kể về cái ngày ông Vinh đi B: “Trước khi vào Nam, ông có nói là chiến tranh ác liệt, đường sá xa xôi, ông vào trong ấy không biết khi nào về, chỉ mong muốn các con sau này lớn lên phải được học hành đến nơi đến chốn đã, rồi làm gì thì làm. Ông đi giữa lúc hoàn cảnh gia đình đông con, khó khăn nên thấy ông bịn rịn và rất lo lắng, tôi nói với ông rằng: Ông cứ yên tâm đi làm việc nước. Ở nhà tôi sẽ thay ông nuôi các con ăn học”.

Ông đi rồi, ở nhà vợ con ông phải trải qua những năm tháng rất vất vả. Bà khi ấy làm nhân viên cửa hàng bách hóa của thị trấn, thu nhập không đủ nuôi con. Các con của bà tuy còn nhỏ nhưng rất thương mẹ, ngoài giờ học đã biết đi cất tôm, bắt cua, mót khoai. Vốn là dân thị trấn không có ruộng, cứ đến ngày mùa, mấy anh em lại rủ nhau ra đồng mót lúa, người dân xung quanh thương tình có khi đem cho cả bó lúa gồi.

Khó khăn là vậy, nhưng cả 8 người con của ông bà đều chăm chỉ, học hành sáng dạ, mỗi năm một lớp và đều tốt nghiệp đại học. Noi theo gương ông, kể cả những người con của ông bà dù học tập ở ngành ngoài, rồi cũng trở về phục vụ trong ngành Công an. Sinh thời bà mãn nguyện vì gia đình bà có tới mười mấy người gồm con đẻ và các dâu, rể được rèn luyện, trưởng thành trong lực lượng Công an, trong đó nhiều người là cán bộ cao cấp của ngành. Bà rất vui vì đã giữ trọn lời hứa với ông năm xưa.

Hà Văn Thể