(1720 – 1791) quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay là huyện Mỹ Văn, Hưng Yên) nhưng ông về quê mẹ là làng Tình Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh sinh sống bằng nghề bốc thuốc ngay từ khi còn trẻ. Ông lấy hiệu là Lãn Ông tức ông già lười.
Tuy nhiên, ông chỉ lười công danh, lười đua chen ở chốn quan trường còn sự nghiệp y học thì ông rất chăm chỉ nghiên cứu và trở thành danh y bậc nhất thời bấy giờ. Ông có bộ sách y học đồ sộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 65 quyển đúc kết kinh nghiệm 40 năm bốc thuốc chữa bệnh cứu người, một bộ sách y học lớn nhất từ trước tới nay.
Cũng vì tiếng tăm của ông vang dội đến tận Kinh đô mà năm 1781 chúa Trịnh Sâm triệu ông ra Thăng Long để chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán. Ông đã ghi chép lại toàn bộ chuyến đi này trong tác phẩm Thượng Kinh ký sự (Ký sự lên Kinh). Đây là một tác phẩm văn chương đặc sắc, đề cập đến đời sống sinh hoạt của tầng lớp vua chúa, quan lại và thị dân ở chốn Kinh thành vào cuối thế kỷ XVIII.
Trong chuyến lên Kinh lần này, Lê Hữu Trác tình cờ gặp lại người tình xưa, trong một trường hợp rất đặc biệt. Nguyên do là, khi còn nhỏ ở nhà, Lê Hữu Trác đã được bố mẹ hỏi cho một cô gái con nhà quan làm vợ. Các thủ tục dạm hỏi đã hoàn tất, chỉ chờ ngày cưới.
Nhưng sau đó do gặp trắc trở, ông từ hôn rồi vào quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) sinh sống. Cô gái đó sau này không lấy ai nữa, vì cho rằng mình đã có nơi gá nghĩa rồi. Cô ở nhà chăm sóc cha mẹ. Khi cha mẹ mất, cô gửi thân vào chốn cửa thiền. Hơn 40 năm sau, bây giờ cô gái năm xưa đã trở thành một nhà sư già. Bà đi khuyến giáo thập phương để về đúc chuông chùa làng và tình cờ gặp ông trong một nhà trọ ở Kinh thành.
Biết được cuộc đời riêng tư trắc trở của bà mà nguyên nhân do mình tạo ra, Lê Hữu Trác rất hối hận. Ông định mời bà về Hương Sơn, lập chùa và chu cấp cho bà để bà yên tâm tu nốt quãng đời còn lại, để tuổi già còn có chỗ cậy dựa. Nhưng bà không chịu vì còn phải ở quê để chăm lo hương khói phần mộ của cha mẹ. Lê Hữu Trác có làm một bài thơ để tỏ lòng mình (nguyên văn chữ Hán, bản dịch của Bùi Hạnh Cẩn): “Vô tâm nên nỗi lỡ người ta/Nay lại nhìn nhau luống thẫn thờ/Một nụ cười tình, châu lệ lạnh/Đôi tròng xuân cạn nét tài hoa/Đời nay xin kết anh em ngãi/Kiếp tới nên tròn phận thất gia/Ta chẳng phụ người, người nỡ phụ/Đành thôi như thế, biết sao mà!”.
Ông có ý bù đắp cho bà nhưng không có cách nào. Khi bà ngỏ ý: “Nghe nói ở Nghệ An áo quan tốt, muốn mua một cỗ”, Lê Hữu Trác đã cho người đi tìm ngay, nhưng chưa mua được. Kịp đến khi chuẩn bị về quê, ông đã gửi lại 5 quan tiền để nhờ người mua một cỗ áo quan tặng bà.
Phan Duy Kha
Bee