Chuyện khó tin

Chuyện kỳ lạ ở Bệnh viện 115 Nghệ An: Bác sĩ mổ tay trái để rút đinh ở…tay phải

“Định không nói ra nhưng em xót con em quá mọi người ạ, em nghi là con em đã bị bác sĩ mổ nhầm tay”. Đó là câu mở đầu một status được đăng tải trên Facebook ngày 16.6.2016. Liên lạc với chủ nhân, PV gặp chị Lê Thị Th, mẹ của cháu Phạm Thành L, bệnh nhân bị bác sĩ…mổ nhầm tay tại Bệnh viện 115 Nghệ An.

Theo đó, ngày 17.02.2016, cháu Phạm Thành L, 6 tuổi, quê ở xóm 6, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh bị ngã gãy tay (cổ tay phải), được đóng đinh cố định tại Bệnh viện 115 Nghệ An. Bác sĩ hẹn sau 3 tháng phải quay lại mổ để lấy đinh ra.

hatinh24h
Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An, nơi xảy ra sự việc.

Phẩu thuật tay trái để lấy xốp xương đắp sang tay phải?!

Đến hẹn, ngày 15.6.2016, chị Lê Thị Th, mẹ cháu L đã đưa con đến Bệnh viên 115 Nghệ An để khám lại. Tại đây, sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết nếu cháu ngoan, có thể gây tê thì làm tiểu phẫu xong rồi cho về. Tuy nhiên, khi tiến hành gây tê, cháu L sợ quá nên gia đình buộc phải cho cháu nhập viện để phẫu thuật.

Về thời gian phẫu thuật cho cháu L, chị Th cho biết: “Phải mất tới hai giờ đồng hồ, cháu L mới được ra khỏi phòng mổ và ở trong trạng thái cả hai tay đều băng bó giống nhau. Chờ con từ phòng mổ mà lòng dạ bồn chồn, đứng ngồi không yên. Linh tính của người mẹ mách bảo có điều gì đó bất thường bởi vì thời gian mổ rút đinh lần này còn lâu hơn cả thời gian đóng đinh lần trước”.

Cũng theo chị Th, sau khi sự việc xảy ra, chị đã đi tìm bác sĩ để hỏi nhưng không gặp được ai cả. Hỏi y tá thì họ bảo chờ bác sĩ trực tiếp phẫu thuật. Gọi 03 số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện thì 02 số không liên lạc được, 01 số đổ chuông nhưng không ai trả lời.

Được biết, sau hơn một giờ đồng hồ, bác sĩ mới tới gặp gia đình bệnh nhân và giải thích rằng do trong quá trình phẩu thuật, đinh bị lún sâu vào bên trong nên phải đục mới lấy được đinh ra, thế nên bị hổng xốp xương, phải phẩu thuật tay trái để lấy xốp xương đắp sang tay phải.

 Cháu Phạm Thành L, người bị bác sĩ mổ nhầm tay

Tham khảo từ một số bác sĩ ở các bệnh viện có uy tín ở Trung Ương và địa phương về việc phải phẩu thuật tay trái để lấy xốp xương đắp sang tay phải thì tất cả đều khẳng định rằng đó là điều dối trá, bịp bợm mà từ cổ chí kim chưa từng có. Đặc biệt là khi muốn can thiệp y tế lên cơ thể bệnh nhân những nội dung khác với yêu cầu ban đầu thì phải thông báo và cam kết với người nhà của họ.

Điều đáng nói là ca phẩu thuật này quá đơn giản, các trạm y tế tuyến xã vẫn có thể xử lý một cách nhẹ nhàng, êm đẹp, vậy mà  bác sĩ Trần Văn Tuấn ở Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An lại để xảy ra sai sót nghiêm trọng về chuyên môn và quy trình kỷ thuật như vậy.

Không những thế, bác sĩ Tuấn còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Trước việc làm sai trái của mình vẫn dối trá, bịp bợm, kiểu “Cả vú lấp miệng em”, hòng che đậy hành vi thiếu trách nhiệm. Trước việc làm thiếu y đức đó, chị Th bức xúc: “Bác sĩ còn chốt một câu: bây giờ hai tay của cháu đã ổn định bình thường rồi, chị còn gì mà phải thắc mắc nữa”.

Xót xa trước việc đứa con nhỏ bé của mình bị bác sĩ đưa ra làm “vật thí nghiệm”, cùng với thái độ hống hách, trịch thượng, vô trách nhiệm, dối trá, bịp bợm, chị Th cầu cứu: “Mình không quen biết nhà báo nào, mình chia sẻ lên đây, ai có lòng xin hãy can thiệp giúp mình với. Xin cảm ơn cả nhà”.

“Không đồng ý cách giải thích như thế”

Theo thông tin từ chuyên môn thì việc phẫu thuật để lấy đinh ở tay là việc làm đơn giản nhất khi phải đụng đến dao kéo. Bình thường, thời gian để thực hiện chỉ khoảng 15 phút là xong. Tuy nhiên trong trường hợp của cháu L, bác sĩ Tuấn cùng ê kíp đã tiến hành mất 2 tiếng đồng hồ.

Lý giải về vấn đề này Bác sĩ Phạm Văn Dũng, PGĐ bệnh viện 115 Nghệ An cho biết: “Trường hợp cháu L không thể gây tê tại chỗ được mà phải gây mê, phải chờ thời gian đào thải của thuốc. Tùy theo từng trường hợp gây mê và tùy theo bác sĩ gây mê mà có thời gian hoàn thành ca mổ khác nhau”.

Nói về nguyên nhân diễn ra sự nhầm lẫn đáng tiếc này, vị lãnh đạo bệnh viện, chia sẻ: “Trên tay cháu L, dấu vết phẫu thuật cũ không còn. Hơn nữa ê kíp thực hiện lại lấy ven truyền dịch ở tay phải, vì thế phẫu thuật viên mặc định tay trái là tay đóng đinh nên đã tiến hành mổ”.

Phiếu chăm sóc bệnh nhân

Cũng theo ông Dũng thì sau khi mổ tay trái, tìm mãi không thấy đinh mới biết là mổ nhầm nên tiếp tục chuyển sang mổ để lấy đinh ở tay phải.

Về cách giải thích của Bác sĩ Tuấn đối với người nhà bệnh nhân, ông Dũng trải lòng: “Tôi không trực tiếp giải quyết ca mổ đó nhưng nghe các bác sĩ trên khoa giải thích như thế nên tôi giải thích lại với các anh vậy thôi. Tuy nhiên, với cách giải thích này, tôi cũng không đồng ý lắm”.

Bàn về giải pháp sắp tới đối với bệnh nhân và ê kíp mổ, ông Dũng cho biết: “Chúng tôi sẽ chịu mọi phí tổn điều trị cho cháu đến khi khỏe mạnh và xuất viện, đồng thời hỗ trợ để đưa cháu ra Hà Nội khám theo nguyện vọng của gia đình”.
“Còn về ê kíp mổ, chúng tôi sẽ họp để xác định nguyên nhân, quy trách nhiệm và mức độ vi phạm để xử lý. Tôi sẽ có hình thức kỷ luật đối với lãnh đạo khoa và cán bộ đó”, ông Dũng nói thêm.

Có thể nói rằng, để xẩy ra sự “nhầm lẫn” hết sức sơ đẳng này là điều không thể chấp nhận được ở một bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An.

Việc làm tất trách đó là do thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, coi thường thân xác của người bệnh hay do trình độ chuyên môn của phẫu thuật viên chưa ngang tầm. Dù thế nào đi chăng nữa thì cả hai điều đó đều không thể tồn tại được trong môi trường y học hiện nay.

Theo Trần Hoàn, Việt Hà/Tamnhin.net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP