Tập 2: Đi tìm dấu ấn lửa thiên.
Nếu biết chỗ thì việc quy đổi từ tiền Việt ra tiền bản địa ở đây khá rẻ.
Video clip “Người truyền lửa – tập 2: Dấu ấn lửa thiêng” – Nguồn: TVO
Sông Mekong huyền thoại mà chúng tôi từng biết đến qua phim ảnh giờ xuất hiện ngay trước mặt. Sông hiền hòa như tên gọi sông Mẹ mà ngày xưa người dân bản xứ đã gọi. Chúng tôi là những vị khách cuối cùng của chuyến đò qua sông hôm đó. Làm thủ tục xong ở phía Thái Lan cũng là lúc họ đóng cửa nghỉ đêm.
Anh Nguyễn Văn Vân, một người họ hàng xa với gia đình nhà anh Lý Tự Trọng, đã vui vẻ đón chúng tôi lên chiếc xe của một người Việt cùng làng. Gặp những người xa lạ từ Việt Nam sang họ mừng như gặp người thân khiến chúng tôi cũng thấy thân thiện ngay. Chiếc xe có tay lái bên phải và chạy đường bên trái là đặc thù giao thông ở đất Thái.
Đến trước bất kỳ một ngã rẽ nào xe cũng dừng lại quan sát hai bên đường rồi mới rẽ hoặc băng qua đường. Cư dân ở đây tuân thủ luật giao thông cực kỳ nghiêm. Bởi thế, tỉnh mà chúng tôi đến là một tỉnh biên giới cách xa thủ đô Bangkok những 800km nhưng người dân vẫn tỏ ra là những người rất văn minh trong ứng xử trên đường.
Tập 2: Dấu ấn lửa thiêng
Bản Mạy, nơi ngày xưa anh hùng Lý Tự Trọng được sinh ra và lớn lên cách cửa khẩu Tà Khẹt chỉ khoảng 5 cây số. Ngôi làng nằm êm đềm dọc theo hồ Nỏng Nhạt. Cho đến bây giờ ngôi làng này vẫn chỉ có hầu hết là người Việt sinh sống. Họ là con cháu của những người Việt đi lánh nạn từ cách đây cả thế kỷ. Chúng tôi tá túc trong nhà của anh Vân để đi làm cho tiện.
Trong khi mọi người chuyển đồ đạc xuống và nghỉ ngơi thì tôi theo anh Vân đi tìm mảnh đất mà ngày xưa gia đình anh Lý Tự Trọng đã ở. Mảnh đất đó không cách xa nhà anh Vân là mấy, nhưng bây giờ chỉ còn là một bãi cỏ hoang không có đường vào.
“Trong đó không còn gì nữa đâu, nhà đã bị dỡ đi cách đây 3 năm rồi. Vào đó toàn gai thôi”, “Dù vậy thì em cũng muốn vào. Trong đó có còn gì không nhỉ? Nền nhà? Hay cái gì đó của ngày xưa?”. “Trong đó chỉ còn cái giếng là cũ từ hồi nhà ông Trọng ở, tất cả những thứ khác đều bị phá rồi”. “Ôi, thế tốt quá. Ngày mai chúng ta sẽ quay tại bờ giếng đó”. “Nhưng làm sao mà vào được, gai lắm đó!”. “Không sao đâu ạ. Bây giờ anh đưa em đi đến nhà chủ mảnh đất này để xin phép họ vào quay”. “Không phải xin phép đâu”. “Thôi, anh cứ đưa em đi tìm họ đi, biết đâu em sẽ tìm ra được điều gì?”. Có lẽ anh Vân thấy ngăn tôi không có tác dụng gì nên đưa tôi đi tìm nhà chủ miếng đất ấy. Và dự cảm “biết đâu” đã giúp đoàn phim có thêm nhiều hiện vật của gia đình từ thời anh Lý Tự Trọng còn là một cậu bé.
Vậy là trong khoảnh khắc lúc chiều tà của ngày đầu tiên đặt chân đến đất Thái, chúng tôi đã tìm được mảnh đất nhà anh Lý Tự Trọng, xác định được hồ Nỏng Nhạt, trại cày, ngôi nhà của Bác Hồ ở do cha mẹ anh Lý Tự Trọng cho đất, trường sơ học Bản Mạy – ngôi trường mà anh Trọng đã học những con chữ đầu tiên. Kế hoạch cho buổi ghi hình đầu tiên được chốt lúc 12 giờ đêm, khi thời tiết ban đêm ở Thái Lan rét buốt.
Người ở đây làm nhà thì chỉ làm cửa để… ngăn không cho chó lên nhà thôi, còn xe cộ cứ việc bỏ dưới vườn, thậm chí không cần cất chìa khóa, đồ đạc cứ để thoải mái trên sàn, tuyệt đối không ai bị mất đồ bao giờ.
Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được đường vào ngôi nhà cậu bé Lê Hữu Trọng – tên cha mẹ đặt cho anh Lý Tự Trọng – cất tiếng khóc chào đời. Thế nhưng, quyết tâm phải vào vườn để quay của chúng tôi không hề uổng phí. Hiện vật ngày xưa hiện ra cùng với lời giải thích tận tình của anh Lý Phó giúp chúng tôi có thêm nhiều chất liệu để kể câu chuyện về tuổi thơ của anh Lý Tự Trọng được đầy đủ hơn.
Thế nhưng sau khi quay xong ở trường sơ học Bảy Mạy thì chúng tôi bị… bít đường. Không một ai ở làng đó biết ngôi trường thứ 2 nằm ở đâu. Anh Trọng học sơ học ở Bản Mạy 3 năm thì lên trường Hoa Anh học. Ngôi trường đó trong các tài liệu đề cập là ở làng Phi Chịt, nhưng bây giờ ở gần đó không hề có làng Phi Chịt mà chỉ có tỉnh Phi Chịt cách đó vài trăm cây số. Chúng tôi đi hỏi hết các cụ già trong bản cuối cùng tìm được một cụ từng là bạn học với anh em anh Trọng.
Ở tuổi ngoài 90 bà kể cho chúng tôi nghe rằng anh Trọng là một người rất trượng nghĩa, hễ thấy đứa lớn hiếp đáp đứa bé là anh Trọng ra tay ngay. Câu chuyện của bà ngừng lại tại đó bởi bà không biết sau khi anh Trọng theo cha nuôi qua Phi Chịt rồi qua Vạt Phà sinh sống thì bà không còn gặp anh Trọng nữa. Bà chỉ nhớ mang máng rằng ngôi trường bị cấm dạy. Người Việt ở Thái muốn con cháu mình không quên nguồn cội nên tìm mọi cách dạy tiếng Việt, sử Việt cho con cháu mình. Và “trường” trong ký ức của thế hệ bà là nhà của những sĩ phu yêu nước.
MINH THÙY
Tuổi Trẻ