Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Đắk Lắk xác nhận việc Công an TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) vừa bắt giữ 6 đối tượng tham gia đánh bạc tại phường Tân An.
Theo Thượng tá Tuấn thông tin, vụ đánh bạc bị bắt giữ lúc 17h ngày 27/2, tại hiện trường thu giữ hơn 10 triệu đồng trên chiếu bạc và hơn 23 triệu đồng trong người các đối tượng.
Hiện trường vụ bắt bạc là nhà ông Nguyễn Trung Thành (Phó Giám đốc sở Y tế Đắk Lắk) ở số nhà 46, đường Thái Phiên, phường Tân An.
Hành vi đánh bạc sẽ bị xử lý nghiêm |
PGĐ sở Y tế Nguyễn Trung Thành cũng xác nhận có việc công an bắt giữ một nhóm người đánh bạc tại nhà mình. Theo ông Thành, ngày 27/2, gia đình ông có một số người bạn từ TP.HCM lên chơi. Do đó vợ ông gọi thêm một số bạn bè ở TP.Buôn Ma Thuột đến cùng ăn trưa. Đến khoảng 13h30 cùng ngày, vợ ông đi làm. Khi đi làm về, vợ ông thấy công an đang bắt đánh bạc tại nhà mình.
Ông Thành cũng cho biết, sáng 27/2, ông ra sân bay TP.Buôn Ma Thuột đi Hà Nội họp nên không biết sự việc trên. Cũng theo ông Thành, thời điểm công an bắt quả tang vụ đánh bạc, trong nhà có mẹ già hơn 87 tuổi đã lẫn và 1 người giúp việc.
Dư luận người dân không khỏi bàn tán về việc bắt bạc tại nhà PGĐ sở Y tế Đắk Lăk. Nhiều người thắc mắc về câu chuyện các đối tượng đánh bạc sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn trong trường hợp của gia chủ này có bị xử lý gì không?
Theo luật gia Nguyễn Đức Hùng, hành vi đánh bạc đã bị nghiêm cấm và pháp luật hiện hành có quy định xử lý rất nghiêm ngặt việc này. Căn cứ vào thông tin mà lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk đã cung cấp có thể thấy, 6 đối tượng đánh bạc trong nhà ông PGĐ Sở và bị bắt quả tang với số tiền trên sới là 10 triệu đồng đã phạm vào tội Đánh bạc quy định tại điều 321 BLHS 2015.
Theo đó, người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 5 triệu đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 (tổ chức đánh bạc hay gá bạc) của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Căn cứ vào hành vi và kết quả điều tra của cơ quan công an, các đối tượng sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Các đối tượng này có thể bị xử phạt tù giam lên đến 3 năm.
Cũng theo luật gia Hùng, các đối tượng đánh bạc tại nhà PGĐ sở Y tế cũng khiến người dân dị nghị bàn tán. Tuy nhiên ở trong vụ việc này cơ quan chức năng cần làm rõ, có hay không việc gia chủ biết các đối tượng tổ chức đánh bạc, đánh bạc tại gia đình mà không can ngăn, khuyên bảo và thông báo tới cơ quan chức năng. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần xử lý nghiêm, nếu gia chủ không liên quan cũng cần tuyên truyền nhắc nhở để gia chủ cảnh giác không cho những vị khách đến nhà và đánh bạc tại đây.
Theo luật gia Hùng, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 322 tội Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc quy định, người nào tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc hoặc cho 2 chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Về việc khi công an ập vào bắt giữ sới bạc, có một người giúp việc của gia đình PGĐ Sở ở nhà, vậy người này có bị xử lý về hành vi không tố giác tội phạm? Luật gia Hùng cho biết, Điều 390 quy định về tội Không tố giác tội phạm thể hiện, người nào biết rõ các hành vi vi phạm quy định pháp luật được quy định tại Điều 389 (tội Che giấu tội phạm) thì mới bị xử lý về tội danh trên. Tuy nhiên, hành vi đánh bạc được quy định tại Điều 321 và tội Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc tại Điều 322 không nằm trong quy định tại Điều 389. Vì thế, người giúp việc trong trường hợp này không cấu thành tội Không tố giác tội phạm và không bị xử lý hình sự.
Tác giả: Xuân Hòa
Nguồn tin: Báo Người đưa tin