Giáo dục

Chưa thể tăng lương giáo viên ngay lập tức

“Nếu ngân sách chưa đủ để làm đồng loạt ngay lập tức thì cần phân theo lộ trình cụ thể. Có thể ưu tiên tăng sớm hơn cho vùng khó khăn trước. Còn thành phố, có thể giãn thời gian tăng lương”. Trên đây là ý kiến của TS Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về đề xuất tăng lương cho giáo viên cao nhất trong thang bảng lương.

Theo TS. Trịnh Ngọc Thạch, Dự thảo lần 2 có đề xuất tăng lương kèm theo tờ trình. Đây là một trong 3 nhóm vấn đề mà Bộ GD&ĐT phải xin ý kiến Chính phủ. Theo đó, nếu Chính phủ đồng ý thì mới đưa vào được.

Do đó, chưa thể nói trước được điều gì vì cần phải thăm dò ý kiến dư luận và cần tính toán cẩn thận từ Nhà nước. Tuy nhiên, đây là chủ trương đúng đắn, thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương.

Trả lời câu hỏi, liệu việc tăng lương có được thực hiện ngay hay không, ông Thạch cho hay, tính khả thi có thể thực hiện được nếu Nhà nước xem giáo dục là quốc sách hàng đầu. Như thế, rõ ràng phải đầu tư.

"Nếu ngân sách chưa đủ để làm đồng loạt thì cần phân theo lộ trình cụ thể. Có thể ưu tiên tăng sớm hơn cho vùng khó khăn trước. Còn thành phố, có thể giãn thời gian tăng lương. Chẳng hạn vùng này có thể sau 6 tháng nữa phải tăng nhưng ở vùng thành phố chưa khó khăn, vài năm nữa mới tăng. Như vậy, vùng này sẽ bù cho vùng kia", ông Thạch nói.

TS Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Về đề xuất cách thức tăng lương giáo viên như thế nào trong thang bảng lương, theo ông Thạch, yếu tố kĩ thuật này phải chờ Bộ Tài chính thực hiện.

Tại tờ trình mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi Chính phủ, việc áp dụng hệ thống thang bảng lương hiện hành chưa theo mức độ phức tạp của công việc (chẳng hạn: giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học ở cùng một hạng có chung một bảng lương), trong khi mức lương cơ sở còn thấp so với lương tối thiểu. Do đó, bộ phận giáo viên trẻ có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng, trong khi họ phải tham gia đào tạo ít nhất 2 năm. Khoảng cách giữa các bậc lương còn thấp (0,20; 0,31; 0,33...) nên việc tăng lương chưa cải thiện nhiều thu nhập của giáo viên.

Tiền lương và các chế độ đãi ngộ thấp với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có trình độ, có trách nhiệm, làm việc tận tâm, chất lượng và hiệu quả nhưng lại cao đối với cán bộ, công chức, viên chức dù có đủ bằng cấp nhưng lại không đủ trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của công việc.

Đánh giá về điều này, ông Thạch cho biết, xét một cách công bằng, nhiều năm vừa qua, lương của giáo viên không đến nỗi quá thấp so với nhiều ngành nghề khác. Chỉ có điều mức lương ấy so với mức sống còn chênh lệch khiến họ lâm vào tình trạng quá lo lắng cho cuộc sống và phải đi dạy thêm, làm thêm. Với các cấp học khác nhau, có mức lương khác nhau. Do vậy, với mức sống hiện nay, ông nghĩ cần phải tăng lương cho giáo viên.

Thứ hai, ở các vùng miền khác nhau có mức lương khác nhau. Vì thế, nếu đem bình quân ra, mức độ lương cũng không giống nhau. Tuy vậy, nhà nước phải điều tiết chung và phải có lộ trình tăng phù hợp. Có thể tăng ở vùng khó khăn trước hoặc tăng theo cấp học, chẳng hạn tăng cho cấp mầm non trước.

Trao đổi về việc, ông có đề xuất mức lương cho từng ngành, chẳng hạn lương giáo viên ngạch công an, quân đội có mức riêng và cao nhất, ông Thạch cho rằng, không nên như thế. Công an, quân đội có thang bảng lương khác. Vì thế, lương của giáo viên sẽ phải cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp.

Đây là một chính sách cực kì lớn nhưng nếu làm được thì rất tốt. Chỉ một thay đổi rất nhỏ nhưng có thể tăng đến hàng nghìn tỉ nên cần phải làm rất cẩn thận.ã

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP