Trong nước

Chủ tịch tỉnh ký 41 quyết định gây tranh cãi trước khi về hưu

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phát hiện chuyện đền bù đất đai “tùy tiện” ở tỉnh Tiền Giang và Chủ tịch UBND tỉnh này – ông Nguyễn Văn Khang, trước khi nghỉ hưu đã ký 41 quyết định bồi thường giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Quốc lộ 1A với tổng số tiền trên 22,8 tỷ đồng gây nhiều tranh cãi.

Theo nguồn tin của PV Dân trí, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Tiền Giang để trả lời chính thức về việc rà soát khiếu nại của 41 hộ dân huyện Cai Lậy (trước đây) và thị xã Cai Lậy liên quan đến dự án mở rộng Quốc lộ 1A.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Tiền Giang là dự án của Trung ương do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư; tỉnh Tiền Giang có trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 khôi phục Quốc lộ 1A năm 1995 và giai đoạn 2 là mở rộng Quốc lộ 1A vào năm 2005.

Trong giai đoạn 1 có 992 hộ dân bị ảnh hưởng, được chính quyền địa phương giải quyết bồi thường, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng thỏa đáng nên không có trường hợp nào khiếu nại.

Giai đoạn 2, Nhà nước ban hành quyết định thu hồi đất để mở rộng Quốc lộ 1A đối với phần đất hành lang bảo vệ đường giao thông mỗi bên rộng 7m trên phần đất đã giải tỏa nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng giai đoạn 1. Tổng số hộ bị ảnh hưởng là 6.875.

Do phát sinh khiếu nại nên UBND tỉnh Tiền Giang đã xây dựng phương án về bồi thường, hỗ trợ cho các hộ bị thu hồi đất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chấp thuận hỗ trợ thêm bằng tiền cho 5.656 hộ với nhiều mức khác nhau. Trong quá trình thực hiện phương án hỗ trợ thêm này, đa số các hộ dân bị ảnh hưởng chấp thuận, nhưng vẫn còn 41 hộ dân khiếu nại yêu cầu bồi thường diện tích đất bị thu hồi, đất taluy đường và mương lộ theo giá đất ở.

Năm 2007-2010, Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy, Chủ tịch UBND thị xã Cai Lậy và Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành quyết định giải quyết bác đơn khiếu nại của các hộ dân.

Năm 2010, Thanh tra Chính phủ đã rà soát lại và có kết luận khẳng định các hộ dân đề nghị bồi thường phần mương, ta luy nằm trong lộ giới theo giá đất ở là không có cơ sở.

Tuy nhiên do các hộ dân vẫn tiếp tục khiếu nại kéo dài nên đến năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành 41 quyết định giải quyết khiếu nại cho 41 hộ dân này với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ thêm trên 22,8 tỷ đồng.

Quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (Ảnh: Hoàng Trung)
Quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (Ảnh: Hoàng Trung)

Tùy tiện ra quyết định bồi thường?

Kết quả rà soát hồ sơ giải quyết khiếu nại của 41 hộ dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy, có 19 hộ khiếu nại yêu cầu bồi thường hơn 3.900 m2 theo giá đất ở đã được Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ban hành quyết định giải quyết năm 2015 bồi thường 3.766 m2 theo giá đất ở, còn lại vẫn giữ nguyên bồi thường đất nông nghiệp.

Có 4 hộ bị thu hồi trên 530 m2 đất ở nhưng UBND huyện Cai Lậy trước đây bồi thường theo loại đất nông nghiệp (năm 2005), Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của 4 hộ (năm 2015) bồi thường theo giá đất ở.

1 hộ bị thu hồi hơn 30 m2 đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp nhưng UBND huyện Cai Lậy bồi thường theo loại đất nông nghiệp (năm 2005) và Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang giải quyết khiếu nại năm 2015 lại bồi thường theo giá đất ở.

3 hộ bị thu hồi hơn 140 m2 đất ở năm 2005 và được UBND huyện Cai Lậy bồi thường theo đơn giá đất ở năm 2005 nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang giải quyết khiếu nại năm 2015 lại bồi thường cho các hộ này theo đơn giá đất ở của năm 2014.

5 hộ bị thu hồi gần 600 m2 đất nông nghiệp nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang giải quyết khiếu nại năm 2015 đã bồi thường số đất này theo đơn giá đất ở.

Đặc biệt, có hai hộ dân dù Nhà nước không thu hồi đất nhưng vẫn thực hiện bồi thường, hỗ trợ về đất.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, năm 2005 khi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án mở rộng Quốc lộ 1A, Nhà nước không thu hồi đối với đất taluy và đất mương lộ nhưng các hộ dân đã lấn chiếm để sử dụng và không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, năm 2015 Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang lại ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của các hộ đã bồi thường cho 41 hộ với diện tích gần 5.400 m2 đất taluy và mương lộ.

Có 4 hộ khiếu nại yêu cầu bồi thường diện tích đất thu hồi theo đơn giá đất ở khi thực hiện dự án mở rộng Quốc lộ 1A giai đoạn 2 đã được Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ban hành quyết định bác đơn khiếu nại vào năm 2007 nhưng đến năm 2015 Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang lại tiếp tục có quyết định giải quyết khiếu nại của 4 hộ dân này với nội dung chấp nhận đơn khiếu nại, thực hiện bồi thường diện tích đất thu hồi theo đơn giá đất ở, nhưng không thu hồi đối với các quyết định đã giải quyết năm 2007. Đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, như vậy mỗi hộ dân đã có 2 quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đang có hiệu lực pháp luật nhưng có nội dung trái ngược nhau.

“Kết quả rà soát nêu trên đã được UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo biên bản làm việc ngày 28/4/2016; kết quả rà soát chi tiết từng hộ theo phụ lục kèm theo”- văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.

41 quyết định giải quyết bồi thường giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Quốc lộ 1A của ông Nguyễn Văn Khang- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang gây tranh cãi khi có kết quả xác minh của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Ảnh: Hoàng Trung)
41 quyết định giải quyết bồi thường giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Quốc lộ 1A của ông Nguyễn Văn Khang- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang gây tranh cãi khi có kết quả xác minh của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Ảnh: Hoàng Trung)

Chủ tịch tỉnh ký 41 quyết định trên đã về hưu

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định các quyết định bồi thường trên là chưa đúng quy định, chưa phù hợp hoặc không có căn cứ pháp luật để giải quyết.

Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh kiểm tra để tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang hiện nay giải quyết khiếu nại của 41 hộ theo quy định của pháp luật.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ký 41 quyết định giải quyết bồi thường, hỗ trợ thêm cho các hộ dân với tổng số tiền 22,8 tỷ đồng nói trên là ông Nguyễn Văn Khang, hiện nay đã nghỉ hưu. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang hiện nay là ông Lê Văn Hưởng.

41 hộ dân nói trên đã khiếu nại ròng rã nhiều năm trời. Sau nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân, tháng 6/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang đã ký 41 quyết định giải quyết bồi thường, hỗ trợ thêm cho các hộ dân này với tổng số tiền 22,8 tỷ đồng.

Khi tỉnh Tiền Giang thực hiện thủ tục chuyển tiền chi trả cho người dân thì phát sinh nhiều thắc mắc nên đã “cầu viện” Bộ Tài nguyên và Môi trường vào kiểm tra, xác minh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Thế Kha

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP