Dự toán một đường, thi công một nẻo
Bất cập diễn ra tại dự án Đường giao thông kết hợp vào khu trang trại vùng Bãi Ràn, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà do UBND huyện Lộc Hà làm Chủ đầu tư; Công Ty CP Tư Vấn Xây Dựng Và Phát Triển Đô Thị Hà Tĩnh giám sát; Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sông Hội (Có trụ sở đóng tại Số nhà 270 đường Hà Huy Tập, Thị trấn Cẩm Xuyên, Huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) trực tiếp thi công.
Nền đường còn rạn nứt, sụt lún và nhảo nhoét nhưng vẫn được các bên nghiệm thu và cho công nhân tiến hành đổ bê tông. |
Dự án có tổng chiều dài gần 2,5 km, được đầu tư với số vốn gần 10 tỷ đồng theo thiết kế đường cấp III (TCVN 5054-2005). Kết cấu mặt đường gồm các lớp tính từ trên xuống, lớp mặt đường bằng BTXM mác 300# (đá Dmax = 40) dày 24cm, lớp bạt xác rắn lót trên nền lớp móng cấp phối đá dăm loại 2 (Dmax = 37,5cm) dày 15cm; Nền đường bằng đất đồi đầm chặt K95 (CBR = 4), lớp dưới áo đường đạt độ chặt K98 (CBR = 6) dày 30cm
Tuy nhiên, trong quá trình thi công dự án này có dấu hiệu nhà thầu thi công sai so với thiết kế ban đầu. Theo đó, kinh phí dự toán khối lượng bê tông đổ mặt đường được đơn vị thiết kế lập dự toán sử dụng loại đá 1x2 trộn đá 2x4 có nguồn gốc từ mỏ đá xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc) với đơn giá đá 1x2 = 340.000 VNĐ/m3; đá 2x4 = 270.000 VNĐ/m3. Ngoài ra phần nền đường được đắp bằng lớp đất K98 dày 30cm, lớp đá dăm cấp phối bù vênh dày 12cm…
Nhà thầu sử dụng đá 2x4 trộn lẫn đá 4x6 giá thành rẻ ở ngay cửa mỏ xã Hồng Lộc để trộn bê tông. Trong khi đó theo thiết kế là đá Dmax = 4 (đá 1x2 trộn đá 2x4) lấy ở điểm mỏ xã Thiên Lộc. |
Nhưng thực tế, tại hiện trường, bằng mắt thường cũng có thể thấy, nhà thầu chỉ sử dụng loại đá rẻ tiền (đá 2x4 trộn lẫn đá 4x6) để thi công mà không sử dụng loại đá 1x2 như trong dự toán đã lập. Lớp đất nền đường K98 dày 30cm và lớp đá dăm cấp phối dài 12cm trên tuyến đường cũng bị nhà thầu ăn bớt khi không đạt khối lượng và độ chặt yêu cầu. Ngoài ra một khối lượng lớn đất bùn bẩn bóc phong hóa trên 2 tuyến đường này lẽ ra phải được vận chuyển đến một bãi thải theo quy định trước đó, nhưng lại được nhà thầu đắp lề đường nhằm giảm khối lượng loại đất đạt chuẩn…
Chủ đầu tư có “bắt tay” với nhà thầu để làm sai?
Dự toán là thế, nhưng nhà thầu đã phớt lờ quy định. Thay vì sử dụng vật liệu ở các điểm mỏ xã Thiên Lộc theo quy định, nhà thầu lại mua vật liệu ở điểm mỏ Núi Hồng tại xã Hồng Lộc (ngay tại chân công trình).
Theo thiết kế đất lề phải đạt độ chặt K95 nhưng nhà thầu lại cào đất phong hóa tại chỗ nên không đạt theo yêu cầu thiết kế. |
Theo đó, phần đất đắp theo thiết kế 30cm lớp nền trên cùng phải đạt độ chặt K98 khi lấy ở các điểm mỏ núi Động Đàn (xã Hồng Lộc) thì không thể đạt vì đất ở các điểm mỏ khu vực này trước đó đã được một đơn vị kiểm định độc lập tiến hành kiểm tra nhưng đều không đạt độ chặt K95, chứ chưa nói đến K98 (!). Hàng chục nghìn mét khối đá theo dự toán lấy ở điểm mỏ xã Thiên Lộc (cách địa điểm dự án hàng chục Km) cũng bị nhà thầu tự ý thay đổi và sử dụng đá ở điểm mỏ ngay tại chân công trình. Nghiêm trọng hơn là đá tại điểm mỏ này chỉ có loại đá 2x4 và 4x6 nhà thầu dùng để trộn bê tông; Loại đá này theo tìm hiểu được biết đơn giá rơi vào khoảng 170.000 VNĐ/1m3.
Thay vì sử dụng cát vàng hạt to thì nhà thầu lại mua loại cát xây tô hạt bé giá rẻ để trộn bê tông và khi thi công không có bảng tỉ lệ phối trộn tại công trường |
Tại hiện trường thi công, khối lượng cát dùng để trộn bê tông bị nhà thầu thay đổi từ cát vàng hạt to (280.000 VNĐ/m3) theo dự toán thành loại cát xây tô, cát đen đắp nền (120.000 VNĐ/m3). Theo anh Mạnh, một người kinh doanh VLXD cho biết: “loại cát xây tô, cát đen hạt mịn này có giá thành rất rẻ, giá của chúng chưa bằng ½ giá cát đổ bê tông thông thường. Các đơn vị nhà thầu thường sử dụng loại cát này để thi công công trình có vốn đầu tư của nhà nước nhằm giảm giá thành xây dựng để đạt được lợi nhuận kinh tế cao”.
“Dĩ nhiên, nếu sử dụng loại cát này để trộn bê tông thì chắc chắn áo đường sẽ “lỏng” kết cấu, công trình sẽ kém chất lượng. Nhưng vì lợi nhuận nên Chủ đầu tư và nhà thầu sẽ bất chấp mà làm. Mỗi bên “kiếm chác” một ít. – anh Mạnh giải thích.
Hiện trường thi công cũng không có biển cảnh báo an toàn, bảng biểu dữ liệu cấp phối bê tông và một số yêu cầu kỹ thuật khác. |
Dù chưa hoàn thành nhưng công trình đã biểu hiện sự yếu kém về chất lượng.
Làm việc với ông Phạm Mạnh Hồng – Ban XDCB huyện Lộc Hà (đại diện Chủ đầu tư) thì ông này luôn tìm cách để “ém” thông tin dự án.
“Tôi chỉ là kỷ thuật được giao trách nhiệm quản lý tại công trường nên chỉ nắm được một số thông tin cơ bản, còn những thông tin “sâu” hơn thì các anh phải liên hệ với anh Trường, (Nguyễn Xuân Trường – trưởng ban) chứ tôi không đủ thẩm quyền cung cấp” – ông Hồng nói sau lời đề nghị được tiếp cận Hồ sơ dự toán công trình của PV.
Tại hiện trường thi công, đại diện giám sát công trình là anh Nguyễn Minh Quý cũng luôn tìm cách “lẩn trốn” PV. Còn ông Lê Xuân Quyển (đại diện nhà thầu) lại thường xuyên lắc đầu và luôn nhắc đi nhắc lại hai từ “không biết” khi PV hỏi về chủng loại, nguồn gốc và tỷ lệ đá, cát...
“Tôi chỉ được giám đốc giao nhiệm vụ quản lý công trình, còn về kỷ thuật thì anh (PV) phải hỏi anh giám sát hoặc đơn vị chủ đầu tư” – ông Quyển trả lời khi PV hỏi về việc đá, cát như thế liệu bê tông có đảm bảo về mác và chất lượng hay không?
Một dự án quan trọng có vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng, nằm trong sự quản lý và giám sát của những cán bộ có trình độ kỷ thuật xây dựng hàng đầu huyện Lộc Hà nhưng nhà thầu đã sử dụng loại đá, cát sai với thiết kế để thi công, nền đường yếu, bùn đất nhão nhoét… nhưng vẫn nghiệm thu vật liệu đầu vào nền đường đạt chuẩn để đổ bê tông mặt đường?
Dư luận đang đặt câu hỏi liệu chức năng quản lý, nhiệm vụ và vai trò của Ban quản lý các Dự án XDCB huyện Lộc Hà nằm ở đâu trong các dự án do huyện này làm Chủ đầu tư. Liệu có phải Nhà nước đang “hoang phí” ngân sách đê “nuôi” những cán bộ chỉ biết “cưỡi ngựa xem hoa” trong mỗi dự án.
Rất cần câu trả lời từ lãnh đạo cao nhất huyện Lộc Hà và các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh.
Tác giả: Hữu Ngọc - Phước An
Nguồn tin: Thời báo Doanh nhân