Câu chuyện cô giáo cho trẻ đi trên thảm thủy tinh gây tranh cãi trong cuốn sách |
Tranh cãi việc cho trẻ đi trên thảm thủy tinh
Trong ngày 24.8, hình ảnh chụp trang sách kỹ năng sống cho học sinh lớp một rèn luyện lòng dũng cảm bằng cách đi trên thảm thủy tinh được chia sẻ trên các mạng xã hội với tốc độ chóng mặt.
Câu chuyện cụ thể được viết như sau: Cô giáo rải thảm thủy tinh dày trước mặt cả lớp và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh, nhờ vậy mà An đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi, An thấy thảm thủy tinh không thấy thảm thủy tinh đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng, cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh.
Ngay bên cạnh câu chuyện là hình minh họa một em học sinh tiểu học đứng trên thảm thủy tinh. Sau câu chuyện, phần đúc kết bài học trong sách này có ghi: Có rất nhiều điều khiến em sợ hãi nhưng em cần dũng cảm vượt qua nó. Khi em dũng cảm vượt qua, em sẽ không còn thấy sợ hãi nữa.
Hình ảnh học sinh trường THCS thực hành đi trên thảm thủy tinh gây bàng hoàng |
Phương pháp giảng dạy này tạo nhiều tranh luận trên cộng đồng mạng với lượt chia sẻ chóng mặt. Một người dùng Facebook tên Tuan Anh Nguyen bình luận: “Tôi vốn định cho con đến 18 tuổi mới đi du học nhưng với tình hình này chắc cho con đi từ tiểu học. Dạy kỹ năng như vậy dù là luyện tập lòng dũng cảm cũng rất phản khoa học khi tâm lý trẻ con chưa đủ vững”.
Chưa hết tranh cãi về việc đưa bài học này vào sách dạy kỹ năng mà do chính nhà xuất bản giáo dục phát hành, cộng đồng mạng lại tiếp tục bàng hoàng khi trên trang cá nhân của một giáo viên công tác tại trường một THCS (Hà Nội) chia sẻ hình ảnh cho học sinh đi trên thảm thủy tinh.
Cô L. viết: Cùng trung tâm Đào tạo và Tư vấn phát triển ABA các con đã biết chế ngự sự sợ hãi và vượt qua thử thách “Bước lên, bước qua thủy tinh đập vỡ”. Gương mặt các con đầy thỏa mãn vì đã vượt qua được chính mình.
Bài tập thực hành cười cho trẻ em bị nhiều người phản đối |
Trước hình ảnh này, Ai Nguyen bình luận trên trang cá nhân: “Không thể chấp nhận hình thức khoác tấm áo “vượt lên chính mình”như vậy. Dũng cảm là chỉ cần con bảo vệ được bản thân mình và tự chăm sóc mình thôi các bạn ạ, dũng cảm là con dám nói những chính kiến của con, dũng cảm là con sai, nhận và sửa lỗi, nhất là khi con còn nhỏ. Đừng đưa những gì cao siêu nhồi vào óc bọn trẻ. Tội lắm!”.
Con trẻ sẽ thành gà công nghiệp khi quá an toàn
Trao đổi với Thanh Niên Online, tiến sĩ Phan Quốc Việt, chủ biên cuốn sách Thực hành kĩ năng sống dành cho lớp 1, giải thích: “Về vật lý, mảnh chai to độ 3 cm vuông thì không thể cắt vào chân và thảm thủy tinh được làm có độ dày trên 5 phân. Thảm thủy tinh dày trên 5 phân thì những mảnh nhọn nhô lên có tiết diện nhỏ thì áp suất lớn nên bị đè xuống dưới. Mảnh nào to sẽ nằm lại bên trên và các thầy cô cũng bọc băng dính để che lại mảnh nhỏ nên đi sẽ rất êm, không có gì nguy hiểm cả”.
“Tôi đã thử nghiệm 15 năm nay và đã làm chương trình được chiếu trên VTV3 khi cõng một bạn khác đi trên thảm thuỷ tinh đó”, tiến sĩ Việt nói thêm.
Cuốn sách gây tranh cãi trong cộng đồng được xuất bản bởi NXB Giáo dục Việt Nam |
| | | Tôi ở quê, từ nhỏ dẫm phải mảnh chai, dẫm đinh là chuyện bình thường và trên cuộc đời này tai nạn rất nhiều. Nếu chúng ta cho con quá an toàn thì con sẽ thành gà công nghiệp. Tôi đã làm 15 năm chứ không phải lần đầu. Tôi khẳng định là không có gì nguy hiểm, quan trọng là sự trải nghiệm. Lâu nay chúng ta cứ thấy thuỷ tinh là sợ, chúng ta nên cho con đối mặt với nỗi sợ. Ra đường, con trẻ thấy tai nạn là co rúm lại thì nhiều khi không chết vì tai nạn mà chết vì sợ. | | | TS Phan Quốc Việt | | |
Hỏi về lý do rèn luyện lòng dũng cảm, tiến sĩ Phan Quốc Việt cho biết: “Tôi ở quê, từ nhỏ dẫm phải mảnh chai, dẫm đinh là chuyện bình thường và trên cuộc đời này tai nạn rất nhiều. Nếu chúng ta cho con quá an toàn thì con sẽ thành gà công nghiệp. Tôi đã làm 15 năm chứ không phải lần đầu. Tôi khẳng định là không có gì nguy hiểm, quan trọng là sự trải nghiệm”.
“Lâu nay chúng ta cứ thấy thuỷ tinh là sợ, chúng ta nên cho con đối mặt với nỗi sợ. Ra đường, con trẻ thấy tai nạn là co rúm lại thì nhiều khi không chết vì tai nạn mà chết vì sợ. Nó cũng giống như việc trẻ sợ máu và tiến hành cho trẻ đi tiêm phòng từ nhỏ. Lâu nay, chúng ta cứ học trên lý thuyết, thuộc lòng về sự dũng cảm thì sẽ không bao giờ dũng cảm được. Giống như từ lớp 1 cho con học võ, nhiều cha mẹ sợ con mình đánh bạn nhưng chẳng ai cấm việc đi học võ cả. Nếu cái gì mình cũng sợ lỡ thế này, thế nọ thì không thể nào dạy con về sự dũng cảm được”, ông Việt nói.
Về việc trung tâm Đào tạo và Tư vấn phát triển ABA phối hợp trường THCS tổ chức tập cho học sinh đi trên thảm thủy tinh, tiến sĩ Phan Quốc Việt khẳng định ông chỉ chịu trách nhiệm phần biên soạn còn nhà xuất bản giáo dục là đơn vị đứng ra phân phối.
“Khi giáo viên dạy cho học sinh thì đích thân mình là người trực tiếp hướng dẫn, tập huấn kĩ càng và chưa từng có tai nạn nào xảy ra” , TS. Phan Quốc Việt cho biết thêm.
Ở trang 19, 20 của cuốn sách có phần hướng dẫn trẻ em tập cười cũng đang gây tranh cãi nhiều trên mạng xã hội, tiến sĩ Phan Quốc Việt giải thích: “Giáo trình này thuộc trường phái Yoga cười của bác sĩ Manda Kataria, Ấn Độ và đã được phổ biến rộng rãi trên 65 quốc gia. Lý Thái Tổ cũng từng nói bản chất con người là cười và chúng ta phải khôi phục lại nụ cười. Trẻ em bây giờ quá nghiêm nghị và gần như gà công nghiệp. Như vậy là rất nguy hiểm, trẻ con phải có những cung bậc cảm xúc có lúc chịu đau được, có lúc vui sướng được. Nếu ta để cho con là cái máy thuộc lòng thì thua cả thẻ nhớ, mình đừng biến trẻ con là thẻ nhớ. Như vậy rất tội!”.