Ông Đoàn Nguyên Đức mua chiếc máy bay hiệu Beechcraft King Air 350, số seri FL-417 do hãng Raytheon Aircraft (Mỹ) sản xuất; động cơ Pratt & Whitney PT 6-60 A (Canada), trị giá 7 triệu USD từ năm 2008.
Sau 5 tháng nằm ở sân bay Tân Sơn Nhất chờ hoàn tất các thủ tục, chiếc máy bay này đã chính thức được bay và ông Đức trở thành doanh nhân Việt Nam đầu tiên trong thời kỳ hiện đại sở hữu máy bay.
Thời kỳ đầu, ông Đức đã thuê phi hành đoàn 3 người bao gồm 2 phi công và 1 phục vụ. Gần đây, thông tin về việc phi công bầu Đức đột tử lần nữa khẳng định chiếc máy bay của bầu Đức vẫn hoạt động tích cực phục vụ cho ông bầu lắm tiền nhiều của này.
Bầu Long – ông chủ tập đoàn Hòa Phát 2 lần sắm máy bay triệu đô
Năm 2010, ông Trần Đình Long đã bỏ ra 5 triệu đô la để sở hữu chiếc máy bay riêng trực thăng riêng. Sau đó, ông còn phải tiêu tốn thêm 2 tỷ đồng mỗi tháng để nuôi chiếc máy bay triệu đô này.
Mức tiền cụ thể được tính toán như sau: Để máy bay cất cánh được trên bầu trời, mỗi tháng ông chủ Tập đoàn Hòa Phát phải bỏ ra 300 triệu đồng để thuê phi công của Vietnam Airlines lái. Nếu tính cả tiền thưởng, và các chi phí khác phát sinh, chi phí cho phi công không chỉ dừng lại ở mức 300 triệu đồng.
Bên cạnh đó, mỗi tháng ông Long phải ném vào đó thêm vài trăm triệu đồng để thuê bến đỗ. Vị đại gia này từng quyết định thuê nguyên một mảnh đất rộng chục hecta tại tỉnh Yên Bái để làm sân bay cho riêng mình.
Ngoài chi phí thuê phi công, bãi đỗ, chủ tịch Trần Đình Long còn phải mất nhiều khoản phí khác như chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng, sửa chữa…
Theo một nguồn tin thân cận của ông Long, cộng tất cả các chi phí lại, mỗi tháng đại gia Trần Đình Long phải mất trên dưới 2 tỷ đồng “nuôi” máy bay. Số tiền này có thể mua được một chiếc ô tô hạng sang.
Kể từ thời điểm mua máy bay cho đến năm 2011, chỉ tính riêng tiền chi phí “nuôi” máy bay hàng tháng, vị đại gia này đã “đốt” khoảng hai chục chiếc ô tô hạng sang.
Sau đó, chiếc trực thăng loại 6 chỗ ngồi này đã được đổi bằng máy bay mới loại 12 chỗ cùng chủng loại, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của vị doanh nhân này. Được biết, chiếc máy bay mới này có giá trị 7 triệu USD.
So với phi cơ riêng mang mã hiệu VN-D686 mà ông Long bỏ hơn 5 triệu đôla Mỹ để mua hồi tháng 6/2010, chiếc trực thăng loại 12 chỗ ngồi vừa được vị chủ tịch này đưa về Việt Nam hiện đại hơn rất nhiều.
Đại gia Sơn vung vài trăm tỷ sắm 10 máy bay riêng
Cuối năm 2011, báo chí và dư luận xôn xao về việc một doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu 10 chiếc máy bay cá nhân hạng nhỏ. Và người bỏ tiền túi ra mua những chiếc máy bay này là ông Cao Văn Sơn – chủ tịch HĐQT Công ty Hành tinh xanh (Green Planet)
Ở thời điểm đó, ông Sơn cho biết: “Tất cả thành viên trong gia đình tôi đều đã có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định rồi. Tôi có chút tiền thì muốn đầu tư vào mấy cái máy bay, chủ yếu là để chơi và thỏa mãn niềm đam mê, mất thì thôi”
Những chiếc máy bay của Green Planet là loại 2 chỗ ngồi, hai trong số đó do Cộng hòa Czech sản xuất, còn lại xuất xứ từ Mỹ.
Trong số 10 máy bay này, chiếc có giá thấp nhất 2 triệu USD và chiếc có giá cao nhất 14 triệu USD. Mức giá này chưa tính thuế nhập khẩu, VAT…
Ngoài ra, theo Giám đốc thương mại Công ty Vinacopter Việt Nam Jussi Hoikka, ở thời điểm năm 2011, cho biết, công ty đang có một số lượng khách hàng Việt Nam tìm hiểu kiểu máy bay phù hợp để đặt mua.
Theo ông Hoikka, trong năm 2010 công ty đã bán được bốn máy bay trực thăng cho các “đại gia” người Việt, và từ đầu năm 2011 đã bán được 2 chiếc.
(Theo Người đưa tin)