Xe

Chính phủ sắp ban hành ưu đãi lớn, ô tô Việt sẽ "rẻ như chưa từng có"!?

Nếu Chính phủ đồng ý giảm thuế phí cho xe và doanh nghiệp xe nội, chắc chắn đây sẽ là “liều doping” lớn chưa từng có cho người tiêu dùng xe hơi và các doanh nghiệp xe nội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa xây dựng Dự thảo Nghị Quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trình Chính phủ thông qua.

Kỳ vọng lớn cho xe nội địa và người mua xe

Theo đó, một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết được giới doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam, người dân mong mỏi là chính sách ưu đãi cụ thể cho xe nội về thời điểm trước mắt và lâu dài.

Việc Chính phủ thông qua Nghị quyết, với việc cắt giảm, ưu đãi thuế phí với xe trong nước sẽ là cú huých lớn nhất đối với ngành công nghiệp xe hơi non trẻ của Việt Nam

Cụ thể, Dự thảo Nghị Quyết của Chính phủ có đoạn: Chính phủ "cho phép giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước”. Về lâu dài Chính phủ “xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội"

Đây là hai chính sách rất riêng biệt, rạch ròi trợ giúp thị trường và có thể sẽ tác động lớn vào giá thành sản xuất, lắp ráp xe hơi và giá xe bán ra tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 6/4, Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất Chính phủ giảm 50% phí trước bạ cho khách mua xe sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020.

Đồng thời, cơ quan này đề xuất gia hạn nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt cho doanh nghiệp, thuế Thu nhập doanh nghiệp, Thuế Giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam đến hết quý 1 năm 2021.

Đặc biệt, về lâu dài, Bộ Công Thương đề nghị sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt theo hướng khuyến khích gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và giảm thuế đối với phần gia tăng trong nước.

Đây cũng là nội dung mà trước đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã gửi các Bộ, ngành và Chính phủ về các giải pháp cứu các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam vì khó khăn do dịch Covid-19, trong đó đặc biệt là nhu cầu mua xe giảm mạnh và doanh nghiệp thiếu các linh kiện lắp ráp nhập khẩu.

Trường hợp, Chính phủ thông qua Dự thảo Nghị quyết nói trên, phí trước bạ sẽ được Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch miễn giảm ngay.

Cụ thể, hiện mức phí trước bạ đối với xe dưới 9 chỗ ngồi hiện nay là 10%, (riêng Hà Nội là 12%), đối với xe bán tải chở người, chở hàng (pickup) hiện nay là 6%, ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc là 2%; đối với các loại xe cũ tính 2%/giá trị xe cũ còn lại đối với xe mới.

Ưu đãi thuế đi kèm với ràng buộc giảm giá các loại xe

Trường hợp Chính phủ ban hành Nghị quyết, phí trước bạ sẽ thay đổi chủ yếu đối với xe ô tô con dưới 9 chỗ ngồi, xe bán tải. Cụ thể, người dân mua xe chỉ phải đóng 5% phí trước bạ thay vì 10% (người có hộ khẩu Hà Nội là 6%); người mua xe bán tải tương tự sẽ đóng từ 3%, rơ moóc và sơ mi rơ moóc sẽ chỉ đóng 1%, người mua xe cũ sẽ không được xem xét điều chỉnh.

Trong khi đó, việc giảm thuế, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt lại đang được chờ đợi hơn cả. Nếu Chính phủ thông qua Nghị quyết cần có lộ trình để trình Quốc hội sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt; Bộ Tài chính xây dựng Dự thảo Nghị định, ban hành Thông tư để hướng dẫn thực hiện. Nếu nhanh nhất, cuối quý 2 hoặc sang đến quý 3/2020, chính sách này mới có thể được áp dụng vào thực tiễn.

Mặc dù có những kỳ vọng rất lớn, song việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe trong nước hoặc phần giá trị gia tăng cho linh kiện sản xuất trong nước là việc không hề đơn giản.

Còn nhớ, cách đây không lâu, Bộ Tài chính cũng xây dựng, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 125/2017 về biểu thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện ô tô tại Việt Nam theo đó cơ quan quản lý Nhà nước sẽ cắt giảm, loại bỏ đối với linh kiện sản xuất tại Việt Nam.

Đồng thời, sẽ giảm thuế nhập khẩu linh kiện đối với các doanh nghiệp lớn, sản xuất xe đủ sản lượng riêng và chung tối thiểu để giảm chi phí sản xuất xe, tăng cạnh tranh cho xe trong nước.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp xe hơi tại Việt Nam để nhận được ưu đãi về thuế, doanh nghiệp phải đáp ứng sản lượng xe chung và từng loại xe riêng tối thiểu trong Nghị định số 125/2017. Trường hợp doanh nghiệp không đủ sản lượng, không được ưu đãi.

Tuy nhiên, việc hưởng ưu đãi có sự ràng buộc về sản lượng riêng và chung tối thiểu, song lộ trình giảm giá cho các mẫu xe, dòng xe của các doanh nghiệp trên thị trường hiện nay vẫn chưa được quy định rõ ràng. Điều này khiến doanh nghiệp không giảm giá dù được tận hưởng các ưu đãi chính sách.

Tác giả: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP