Thế giới

Chim cánh cụt "sốc lạnh" trong thời tiết âm 40 độ ở Canada

Nhiệt độ xuống âm 30 độ C, có nơi âm 40 độ C ở Canada, khiến chim cánh cụt ở sở thú Calgary, loài động vật nổi tiếng với khả năng lạnh giỏi, bị “sốc lạnh” và buộc phải di trú.

Chim cánh cụt vua Nam Cực (Ảnh minh họa: TNS)

Hãng thông tấn AFP trích lời anh Malu Celli, bảo vệ vườn thú Calgary, Canada cho biết chim loài chim cánh cụt vua, một trong 5 loài sinh sống ở sở thú này, thường quen với khí hậu lạnh giá hơn những loài cánh cụt Humboldt, vốn thích khí hậu ấm áp.

Tuy nhiên, khi nhiệt độ xuống âm 30 độ C và độ lạnh trong gió đạt mức âm 40 độc C như trong đêm giao thừa, chim cánh cụt cũng phải chào thua vì bị "sốc lạnh". Quan chức vườn thú đã quyết định đặt mức nhiệt độ giới hạn mà chim cánh cụt có thể chịu đưng được là âm 25 độ.

Vì vậy, sở thú đã đưa 10 chú chim cánh cụt vua Nam Cực vào trong lồng giữ nhiệt, nơi du khách đi sở thú trong điều kiện thời tiết lạnh buốt vẫn có thể quan sát được loài động vật này.

Dọc khắp Canada, các hoạt động và lễ hội chào mừng năm mới ở một số nơi đã buộc phải chuyển vào trong nhà do thời tiết lạnh quá khắc nghiệt. Trong một tuần trước năm mới 2018, Canada chìm trong lạnh giá đến nỗi một phần thác nước Niagara nổi tiếng nằm ở biên giới Mỹ đã bị đóng băng.

Vào giữa trưa ngày 1/1, nhiệt độ thấp nhất đo được ở Canada ở khu vực Eureka, thuộc vùng Nunavut ở phía Bắc, đạt mức âm 40,5 độ, nơi ấm nhất là phía tây tỉnh British Columbia, đạt mức 7,5 độ.

Cơ quan Môi trường Canada dự báo thời tiết có xu hướng ấm lên dần trong những ngày tới. Nước láng giếng với Canada, Mỹ cũng phải trải qua tình trạng lạnh giá tương tự. Tuyết rơi dày đến gần 1m và nhiệt độ giảm đến mức âm 30 độ khiến mọi hoạt động sinh hoạt thường ngày bị đảo lộn và các quan chức đã cảnh báo về những rủi ro liên quan tới sức khỏe trong điều kiện thời tiết rét buốt.

Thác nước Niagara nổi tiếng ở biên giới Canada, Mỹ đóng băng do thời tiết rét buốt (Ảnh: Sputnik)



Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP