Vụ việc xảy ra tại vùng trời quốc tế, khi máy bay do thám Mỹ đang thực hiện “một cuộc tuần tra thường xuyên”, Reuters trích dẫn tuyên bố của Lầu Năm Góc.
Lầu Năm Góc cho biết họ đang nêu vấn đề với Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao và quân sự. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa đáp ứng yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Trung Quốc tuần trước điều chiến đấu cơ theo dõi tàu chiến USS William P. Lawrence của hải quân Mỹ tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh đang cải tạo và xây dựng phi pháp.
Năm 2015, Mỹ và Trung Quốc công bố thỏa thuận về một đường dây nóng quân sự và quy tắc ứng xử để kiềm chế các cuộc chạm trán trên không.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Bắc Kinh còn cải tạo đất, xây dựng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, biện hộ rằng các cơ sở nhằm phục vụ tìm kiếm, cứu nạn trên biển và mang lại lợi ích cho cả những nước khác.
Việt Nam khẳng định việc chiếm đóng của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các đá ở Trường Sa là vô giá trị, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.
Mỹ cũng từng nhiều lần bày tỏ quan ngại về những biện pháp Trung Quốc thực hiện để theo đuổi yêu sách chủ quyền tại Biển Đông. Lầu Năm Góc tháng trước kêu gọi Trung Quốc phải tái khẳng định không có ý định điều thêm phi cơ quân sự ra quần đảo Trường Sa, sau khi Bắc Kinh sử dụng một phi cơ quân sự để sơ tán công nhân bị ốm từ đá Chữ Thập.
Phương Vũ