Kinh tế

Chế độ thai sản đối với người nhờ mang thai hộ

Mức hưởng chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật BHXH và được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ.

Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa giải đáp thắc mắc cho đoàn viên về chính sách thai sản đối với người lao động (NLĐ) nhờ mang thai hộ. Điều 4 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11-11-2015 quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc. Theo đó:

1. Người mẹ nhờ mang thai hộ đã đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con thì được hưởng các chế độ sau:

a) Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ (LĐN) mang thai hộ sinh con trong trường hợp LĐN mang thai hộ không tham gia BHXH bắt buộc hoặc không đủ điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Nghị định này;

Trường hợp LĐN mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ không tham gia BHXH bắt buộc hoặc không đủ điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Nghị định này thì người chồng đang đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau, thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con.

b) Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ thêm 1 tháng; Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ không nghỉ việc thì ngoài tiền lương vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

c) Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ chết hoặc gặp rủi ro mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh (KCB) có thẩm quyền khi con chưa đủ 6 tháng tuổi thì người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định tại Điểm b Khoản này.

Ảnh minh họa

d) Trường hợp người cha nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng quy định tại Điểm c Khoản này đang tham gia BHXH bắt buộc mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định tại Điểm b Khoản này.

đ) Trường hợp sau khi sinh con, nếu con chưa đủ 6 tháng tuổi bị chết thì người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Khoản 3 Điều 34 của Luật BHXH.

2. Mức hưởng chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật BHXH và được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ.

3. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó được tính là thời gian đã đóng BHXH, thời gian này người mẹ nhờ mang thai hộ và người SDLĐ không phải đóng BHXH. Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ chấm dứt HĐLĐ, HĐ làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm nhận con thì thời gian hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đóng BHXH.

Tác giả: T.Ngôn

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP