Chỉ sau vụ cháy rừng trên núi Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân và tiếp đến là vụ cháy rừng tại xã Sơn Lễ và xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn ngày (8/7) cho thấy công tác phòng chống cháy rừng tại địa phương này đã bộc lộ những thực trạng đáng suy nghĩ.
Hai điểm cháy rừng quy mô lớn, với hàng chục hécta tại huyện Nghi Xuân và huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh mới đây đều là những vị trí sát gần khu dân cư. Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Vùng rừng nằm sau lưng các hộ dân khá lớn, nên muốn phòng chống cháy rừng trước hết phải tuyên truyền đến từng nhà để thay đổi nhận thức của người dân.
Các vụ cháy đều xảy ra trên núi cao. |
Nhìn từ vụ cháy rừng trên núi Hồng Lĩnh cho thấy, đây là khu vực núi cao, hiểm trở, không có đường cho phương tiện hiện đại đến chữa cháy, mà chủ yếu là các dụng cụ thô sơ cộng với cành cây dập lửa. Nguồn nước cũng không có để chữa cháy. Hàng trăm người lên núi dập lửa chỉ bằng cách dùng máy thổi hoặc dùng cành cây dập lửa, khi khu vực cháy lại rộng hàng chục héc ta.
Nhiều ý kiến cho rằng, hai cách chữa cháy rừng này rất nguy hiểm trong điều kiện gió lớn; nguy cơ bị lửa tạt hoặc ngạt khói, gây nguy hiểm cho người tham gia chữa cháy rất cao. Vì vậy, công tác chữa cháy bị kéo dài, các khu thực bì dày, cháy âm ỉ thường bùng phát trở lại.
Anh Nguyễn Văn Thân, một người dân được điều động tăng cường từ xã Sơn Phúc sang xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn tham gia chữa cháy rừng, chia sẻ: "Gió lớn, dụng cụ để chữa cháy rất khó khăn để khống chế đám cháy, các vật liệu để tạo đường băng cản lửa thì cũng gặp rất nhiều khó khăn".
Lực lượng chuyên nghiệp đã được điều động với hàng chục phương tiện hiện đại đến hiện trường nhưng cũng chỉ tập kết ở vòng ngoài, hoặc án ngữ trên các tuyến Quốc lộ. Bởi do là núi cao, cây cối rậm rạp, không có đường cho xe ô tô, nên hàng chục phương tiện chữa cháy đành phải trực ở vòng ngoài cho dù được tăng cường từ tỉnh bạn.
Các phương tiện chữa cháy rất khó tiếp cận. |
Theo Thượng tá Phó Đăng Khoa, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Cứu hộ cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, tại các vụ cháy rừng vừa xảy ra, lực lượng đã căn cứ tình hình thực tế để triển khai đội hình hàng trăm mét lên đỉnh núi dập lửa, tuy nhiên vùng cháy lại khá sâu và xa, nên khó khăn là khó tránh khỏi: "Những chỗ dốc đứng thì không tiếp cận được cho nên nguy cơ cháy lại có nguy cơ phát sinh. Đến thời điểm này đám cháy cơ bản đã khống chế, tuy nhiên những điểm dốc thậm chí có những ổ mối nhìn phía ngoài thì không thể phát hiện được nhưng mà có thể lửa nó cháy âm ỷ phía trong, sau một thời gian nó có thể bùng cháy trở lại".
Từ thực tế này cho thấy, nơi nào tạo được hành lang, đường băng cản lửa thì nơi đó mới hạn chế tốt việc lây lan cháy rừng. Và việc tuyên truyền, hướng dẫn để người dân sống gần rừng những biện pháp phòng chống cháy rừng vẫn luôn là vấn đề chưa bao giờ cũ./.
Tác giả: Quốc Khánh
Nguồn tin: Báo VOV