Văn hoá Dân gian

Cháy hết mình với dân ca ví, giặm

Dân ca ví, giặm là bản sắc văn hóa Xứ Nghệ, hấp dẫn và lôi cuốn lòng người bằng tình cảm đằm thắm, mộc mạc, thủy chung. Trong số những người có công lưu truyền, gìn giữ để hôm nay, dân ca ví, giặm được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có công không nhỏ của 2 nữ nghệ sỹ Xứ Nghệ: Nghệ sỹ nhân dân Hồng Lựu (Nghệ An) và Nghệ sĩ ưu tú Xuân Năm (Hà Tĩnh).

Từ Hồng Lựu mê mệt với dân ca

Bà ngoại của Hồng Lựu vốn là nghệ nhân hát ghẹo, hát ví có tiếng ở Đồng Văn (Thanh Chương) và mẹ chị cũng được thừa hưởng tố chất và niềm đam mê này. Không hiểu duyên trời hay là “gen” từ gia đình đã làm nên một Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu, đưa làn ví, giặm sâu lắng của Xứ Nghệ đến cả với khán giả nước ngoài. 18 tuổi, Hồng Lựu chính thức theo học lớp diễn viên sân khấu dân ca Xứ Nghệ, sau 2 năm, Hồng Lựu trở thành diễn viên của Đoàn Dân ca nghệ thuật Nghệ An. Từ đấy, chị không ngừng học hỏi để có được vốn hiểu biết phong phú về dân ca quê hương.

Cháy hết mình với dân ca ví, giặm

Nghệ sỹ nhân dân Hồng Lựu (người ngồi) cùng các đồng nghiệp trong một buổi ghi hình ngoài trờ. Ảnh: vietnamnet

Với giọng hát ấm và đậm đà như bát nước chè xanh Xứ Nghệ, mỗi lần Hồng Lựu hát dân ca Nghệ Tĩnh là làm bao khán giả rưng rưng, xúc động. Chị đã có mặt trong hơn 60 vở diễn, hầu hết là vai chính. Sự thành công khá mỹ mãn qua từng vở diễn đã bộc lộ 2 yếu tố: niềm say mê kết hợp với sự lao động miệt mài, sáng tạo. Chính nhờ sự đam mê, thông minh, sáng tạo, Hồng Lựu đã hóa thân vào nhân vật rất nhanh.

Một đồng nghiệp trong đoàn văn công của Hồng Lựu cho biết: “Chẳng ai đam mê dân ca Nghệ Tĩnh như Hồng Lựu. Đi trên đường, Hồng Lựu cũng hát, nấu ăn, nhặt rau cũng hát. Hình như dân ca là cái nghiệp mà chị tôn thờ hơn bất cứ một thứ gì khác”.

Không những là người trình diễn nồng nhiệt trên sân khấu, chị còn sáng tác kịch bản dân ca cho nhà trường, dàn dựng vở cho các doanh nghiệp, nhằm truyền tải dòng văn hóa dân gian sâu rộng tới công chúng. Điều đáng nói là chị luôn tôn trọng và bảo toàn nội dung sáng tác của người xưa, không để bị biến tấu, cải biên một cách vô lý. Chính vì thế, để đi tìm cội nguồn từng câu hát dân ca, chị đã phải tốn nhiều công sức, thầm lặng như con ong xây tổ.

Chỉ riêng bài Phụ tử tình thâm, Hồng Lựu đã phải lặn lội tìm tới 5 nghệ nhân ở 5 địa bàn khác nhau. Sau đó lại nhờ nhà nghiên cứu dân gian, PGS Ninh Viết Giao, nhà thơ Thạch Quỳ thẩm định lại chị mới yên tâm. Nghệ sĩ Hồng Lựu còn dày công sưu tầm những lời hát đối đáp của cha ông, bổ sung vào kho tàng dân ca Xứ Nghệ.

Đến Xuân Năm đưa lời cổ hò, vè, ví, giặm lên sân khấu chuyên nghiệp

Có một điều thú vị khi nhắc tới nữ Nghệ sĩ ưu tú Xuân Năm, tôi và nhà báo Vũ Mạnh Cường đã từng viết về chị – “Người tuyên truyền viên kế hoạch hóa dân số” nổi danh sử dụng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Chẳng thể ngờ, sau 20 năm gặp lại chị ở Vũng Tàu, khi tới nhà chơi, chị đưa tôi xem 2 bài báo mà chị lưu giữ rồi tươi cười nói: “Đây là liều thuốc bổ để mình khỏe thêm và yêu mến dân ca hơn”.

Cháy hết mình với dân ca ví, giặm

Nghệ sĩ ưu tú Xuân Năm

Năm nay, chị Xuân Năm đã ngoài 70 tuổi, tóc bạc trắng, nét già nua hiện dần trên khuôn mặt, nhưng trái tim yêu nghề và giọng hát của chị vẫn đằm thắm, sâu lắng như ngày nào. Bà Rịa – Vũng Tàu là mảnh đất của những câu hát vọng cổ, nhưng từ khi nữ nghệ sĩ đến nhập cư thì làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lại được gieo mầm tươi tốt. Chị bảo rằng: “Mình trẻ thêm về tâm hồn và thấy yêu cuộc sống, yêu quê hương, đất nước hơn là nhờ dân ca Xứ Nghệ đã ăn sâu vào máu thịt”.

Chị kể, cha mẹ chị không có năng khiếu về hát dân ca, nhưng xã Thạch Lưu (Thạch Hà) quê chị thì nhiều người không những hát hay mà còn sáng tác được làn điệu dân ca… Chị nhớ những ngày đi mò cua, bắt ốc, nghe từ trong mái nhà tranh vọng xuống bờ ruộng lời bà ru cháu, trong lòng vô cùng xao xuyến. Chị thích và chị hát, rồi được nhà trường, đoàn thể và xã hội khuyến khích nuôi dưỡng để có điều kiện phát huy khả năng của mình.

Chị lớn lên giữa lúc cả nước dốc lòng, dốc sức đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Vào những năm 1965-1974, chị cùng Đoàn văn công Hà Tĩnh trở thành những “chiến sĩ văn hóa” xông pha trước mưa bom, bão đạn. Chị đã biểu diễn dân ca ví, giặm và những bài ca hừng hực khí thế chiến thắng như: Tiếng đàn ta lư, Người con gái sông La, Cô gái mở đường, Chào em cô gái Lam Hồng… trên đồng ruộng, trong lán trại thương binh, bên đồi sim, các pháo thủ đang canh giữ bầu trời. Giọng hát của chị đã lay động lòng người và truyền thêm “lửa” để họ bước vào trận tuyến mới.

Một kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời của chị, đấy là vào tháng 8/1965, sau khi tham dự “Hội diễn ca múa chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc” tại Hà Nội, Đoàn văn công Hà Tĩnh được vinh dự mời vào Phủ Chủ tịch để biểu diễn cho Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem. Tại đây, Nghệ sĩ Xuân Năm đã ngâm bài thơ Mừng chiến thắng trời quê của Duy Thảo và bài vè Thần sấm ngã. Nghe xong, Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều rất xúc động. Lúc chia tay, Bác căn dặn Xuân Năm: “Cháu về hát dân ca Nghệ Tĩnh thật nhiều và phải hát hay, hát đúng”.

Lời dặn dò của Bác đã trở thành hành trang trong cuộc đời chị. Nghệ sĩ ưu tú Xuân Năm là người khởi xướng đưa lời cổ dân ca Nghệ Tĩnh như hò, vè, ví, giặm lên sân khấu chuyện nghiệp và cũng là người chắt lọc làn điệu dân ca Xứ Nghệ nhằm tạo ra một kiểu ngâm thơ mới: ngâm thơ Nghệ, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam hàng tuần. Ở tuổi xế chiều, Nghệ sĩ ưu tú Xuân Năm vẫn tiếp tục truyền dạy các làn điệu dân ca ví, giặm quê nhà cho con cháu và những người có năng khiếu, đam mê di sản văn hóa phi vật thể này.

Phan Thế Cải

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP