Vũ Quang

Cháy chợ Bộng – Hậu họa đã được cảnh báo trước!

Việc cháy chợ Bộng ở Vũ Quang (Hà Tĩnh) vào đêm 31/8 khiến hàng chục tiểu thương kinh doanh tại khu chợ này lâm vào cảnh trắng tay. Theo những người dân xung quanh khu chợ, nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là do sự lơ là trong công tác PCCC của Ban quản lý chợ, chính quyền địa phương và cả sự chủ quan của chính các tiểu thương.

>> Hà Tĩnh: Cháy chợ Bộng, hàng chục ki-ốt bị thiêu trụi

Trắng tay sau cháy chợ!

Theo thống kê sơ bộ ban đầu từ chính quyền xã Đức Bồng, số tiểu thương bị thiệt hại do cháy chợ là 42 người. Trong đó, tiểu thương bị thiệt hại nặng nề nhất với ước tính trên 300.000.000 đồng, những tiểu thương bị thiệt hại nhỏ cũng ở mức cả chục triệu đồng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV qua các tiểu thương thì số thiệt hại lớn hơn rất nhiều.

hatinh24h 01
Chị Lê Thị Thanh Thơ vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự mât mát về hàng hóa

Số tiểu thương bị thiệt hại lớn chủ yếu kinh doanh quần áo, vải. Còn số chịu thiệt hại ít chủ yếu là các tiểu thương kinh doanh hàng tạp hóa và hàng mã.

Lần theo danh sách các tiểu thương bị thiệt hại chúng tôi tìm đến gia đình chị Lê Thị Anh Thơ – tiểu thương thiệt hại nặng nhất. Sau vụ cháy xảy ra 1 ngày tiểu thương này vẫn chưa hết bang hoàng trước thiệt hại quá lớn. Không đủ bình tĩnh để chia sẻ về những mất mát của mình, chúng tôi buộc tìm hiểu sự việc qua chồng chị Thơ là  anh Lê Văn Tâm.

“Mặt hàng kinh doanh chủ yếu là quần áo. Thời gian kinh doanh tại chợ này đã 10 năm. Ước tính số tiền thiệt hại do vụ cháy xảy ra chừng 500.000.000 đồng”, anh Tâm cho biết.

Cũng theo anh Tâm, sau vụ cháy bao nhiêu vốn liếng và sự tích góp của vợ chồng trong 10 năm kinh doanh nay đã trắng tay.

 Cả khu đình tan hoang sau vụ cháy

Cùng cảnh ngộ với gia đình chị Thơ  là các chị Thủy, chị Hà, chị Thanh, chị Liên và rất nhiều hộ kinh doanh khác.

Cháy chợ, chẳng có gì lạ!

“Chợ thiếu quy hoạch, diện tích chật chội trong khi các sạp hàng lại san sát nhau, đường điện của tiểu thương nào người ấy bắt; Cả chợ không có nỗi 1 bình chống cháy, tối đến hàng hóa của các tiểu thương đều để lại trong đình không gom về nhà trong khi chợ chẳng bao giờ có bảo vệ trực vào ban đêm; phía trước đình chợ là những dãy ki-ốt cao che khuất khu vực kinh doanh ở phía trong đình nên việc cháy chợ không sớm thì muộn nó cũng xẩy ra”, một hộ kinh doanh phía ngoài chợ nhận xét.

Những ngọn khói âm ỉ vẫn còn sót lại sau một ngày vụ cháy xẩy ra.  Tất cả 42 sạp hàng hóa cố định của 42 tiểu thương ở khu vực trong đình đã biến thành tro.  Đảo mắt quanh khu vực hiện trường vụ cháy bất cứ ai cũng nhận ra sự bất cập về cách bố trí của khu chợ này.

Các mặt hàng bị cháy chủ yếu là quần áo, vải

Với diện tích 300 m2 đã có tới 42 gian hàng cố định chưa kể số hàng hóa của những người kinh doanh  manh mún theo phiên.  Tính  trung bình mỗi hộ kinh doanh với diện tích chưa đầy 8m2. Các mặt hàng kinh doanh ở trong đình là những mặt hàng dễ cháy như  quần áo, vải, hàng mã…nhưng Ban quản lý chợ không bố trí lấy một bình cứu hỏa. Hệ thống đường điện thì được mắc không theo một quy luật nào, chằng chéo nhau, điện của hộ này vắt qua hộ kia nhìn rất nhức mắt.

Lối vào đình rộng chừng 2 mét, phía sau đình là vách đất, trước đình là dãy ki-ốt đã biến khu vực kinh doanh này thành lòng chảo nên khi hỏa hoạn xảy ra rất khó phát hiện và khi phát hiện lại khó ứng cứu vì lối vào quá hẹp.

Trong vụ hoản hoạn vừa rồi việc dập lửa ban đầu chỉ dựa vào một bình nước với dung tích 2m2 nước của một hộ dân.

Theo các tiểu thương, chính quyền địa phương có thành lập BQL chợ do HTX phụ trách nhưng chẳng bao giờ cắt cử người túc trực và kiểm tra về an toàn cháy nổ. Ban quản lý chợ tắc trách, chính quyền địa phương thì phó mặc cho BQL và cứ để các tiểu thương tự lo theo kiểu “ khôn sống vống chết” nên sự thể đã xẩy ra. Thế nhưng hàng tháng xã buộc các tiểu thương phải đóng thuế đúng, đủ.

Nói đi cũng phải nói lại, trong sự thiếu quy hoạch về chợ, sự tắc trách từ BQL, sự phó mặc từ chính quyền địa phương một phần nữa cũng tại chính các tiểu thương không tự bảo vệ lấy tài sản của mình.

 Các tiểu thương khắc phục những thứ còn sót lại

Lẽ ra trước tình trạng kinh doanh như trên các tiểu thương buộc phải nghĩ đến việc an toàn tài sản cho mình bằng cách đưa hàng về nhà sau ngày kinh doanh, nhưng đằng này lại khóa lại để ngoài sạp. Rồi khi sự việc xảy ra chỉ biết than và trách.

Rất nhiều người cho rằng, đối với mặt hàng quần áo, vải  việc vận chuyển và thu gom lại rồi đem về nhà sau ngày kinh doanh là đơn giản, không mất nhiều thời gian nhưng các hộ kinh doanh này vẫn không làm.

Việc cháy chợ Bộng  ở Hà Tĩnh vừa rồi là bài học đắt giá cho cả việc quản lý quy hoạch chơ ở địa phương và cho chính các tiểu thương trông vấn đề an toàn cháy nổ.

Minh Tâm – Minh Lý/ Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP