Pháp luật

Châu Việt Cường còn phải chịu trách nhiệm về hành vi tổ chức sử dụng ma túy?

Người “ngáo đá” có triệu chứng của tâm thần dưới góc độ khoa học. Nhưng dưới góc độ pháp luật, “ngáo đá” chính là hậu quả của hành vi sử dụng ma túy gây ảo giác.

Nhiều vụ thảm án mà hung thủ thực hiện trong cơn ảo giác ?

Đặc trưng của ảo giác ma túy đá là hai loại hoang tưởng với khuynh hướng đối lập nhau là hoang tưởng tự cao (tự cho mình có những tài năng không thực) và hoang tưởng bị hại (cho rằng mình bị người khác làm hại). Mà loại thứ hai là nguyên nhân chính gây ra các vụ trọng án. Chỉ tính riêng trong tháng 3-2018, đã có ít nhất 3 vụ án xảy ra mà nguyên nhân được cho là có liên quan đến ảo giác ma túy đá.

Chiều 6-3, tại thôn Hòn Nghê 2, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nhiều người dân hoảng sợ khi thấy một thanh niên cởi trần, cầm theo dao nhọn đuổi chém người khác. Nhận tin báo, Đội cảnh sát 113, CA tỉnh Khánh Hòa có mặt tại hiện trường. Khi thấy CA, nam thanh niên chạy vào nhà cầm 2 con dao và một cây kéo tử thủ.

Sau khi thuyết phục bất thành, lực lượng 113 ập vào khống chế anh ta thành công. Tại CQCA, thanh niên khai tên Nguyễn Văn Nhân, 24 tuổi, trú tại TP Nha Trang. Trước khi chạy vào nhà cố thủ, Nhân cầm theo một con dao nhọn bản to đuổi chém hàng xóm. Mọi người định khống chế nhưng thấy anh ta quá hung hăng. Theo CA TP Nha Trang, Nguyễn Văn Nhân có một tiền sự về hành vi Hủy hoại tài sản, nghiện ma túy nặng đang được CA xã quản thúc tại địa phương. Sau đó, đối tượng khai trước đó có sử dụng ma túy nên bị ảo giác.

Hành vi sử dụng ma túy đá cần được kiểm soát thay vì xem như tội phạm lần đầu vi phạm vì mục đích hiệu quả của quản lý Nhà nước.

Ngày 8-3, CA huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, cử lực lượng giám sát Lương Văn Hùng, 31 tuổi, trú tại xã Keng Đu, đang điều trị tại BV huyện này. Hùng là nghi can sát hại vợ và con gái vào rạng sáng cùng ngày.

Theo thông tin ban đầu, Hùng được cho là sử dụng ma túy nên bị ảo giác. Anh này dùng dao chém vợ con khi họ đang ngủ khiến bé gái 2 tuổi thiệt mạng. Bị chồng chém bất ngờ, chị Minh giật mình chạy ra ngoài. Nghĩ rằng vợ đã chết nên nghi can dùng dao tự chém nhiều nhát vào đầu. Nghe tiếng kêu cứu của chị Minh, hàng xóm chạy sang đưa vợ chồng Hùng vào BV cấp cứu. Hiện cả hai đã qua nguy kịch.

Ngày 5-3, nam ca sỹ nhạc thị trường Châu Việt Cường, tên thật là Nguyễn Việt Cường, SN 1984, quê ở Thanh Hóa, đã bị CA quận Ba Đình, Hà Nội, tạm giữ để điều tra làm rõ vụ việc liên quan đến cái chết của một nữ sinh.

Nạn nhân được xác định tên H, 20 tuổi, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Tại CQCA, nam ca sỹ khai nhận, đã cùng một vài người tổ chức sử dụng ma túy khiến cơ thể bị ảo giác, hoang tưởng, nghĩ chị H bị ma nhập, nhét tỏi vào miệng cô gái khiến nạn nhân tắc thở, tử vong.

Qua hành vi của nam ca sĩ Châu Việt Cường có thể thấy nghi phạm này đã có biểu hiện bị ảo giác do ma túy dẫn đến hành vi làm chết người. Tuy nhiên, người bị ảo giác do ma túy, có "biểu hiện giống như bệnh tâm thần" thì có phải là tình tiết giảm nhẹ hay không?

Ca sĩ Châu Việt Cường đã bị CA tạm giữ để điều tra làm rõ vụ việc liên quan đến cái chết của một cô gái

Tổ chức sử dụng ma túy - hành vi cố ý làm bản thân mất khả năng nhận thức

Theo các chuyên gia pháp luật, chính trường hợp người tâm thần phạm tội cũng không đồng nghĩa với việc được miễn trách nhiệm hình sự. Điều này chỉ xảy ra trong trường hợp hành vi gây án phải được xác định là xảy ra trong trường hợp người gây án đang lên cơn động kinh. Vì vậy, dù có giấy xác định tâm thần cũng chưa chắc được giảm án. Đối với trường hợp người bị ảo giác do ma túy, đó là hành vi do chính đối tượng chủ động quyết định, vì trước khi sử dụng ma túy, đối tượng có tinh thần minh mẫn và tự đẩy mình vào trạng thái không kiểm soát được hành vi nên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Tuy nhiên, tại Điều 13, Bộ luật Hình sự 2015 có quy định chung về vấn đề này. Cụ thể: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Vì vậy, một khi đã xác định hành vi gây án là hậu quả của hành vi sử dụng ma túy gây ảo giác thì phải giám định rất kỹ để đánh giá được việc sử dụng ra sao, mức độ ảnh hưởng thần kinh đến đâu từ đó mới có cơ sở đề nghị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hay không.

Trong trường hợp của đối tượng nghi vấn Châu Việt Cường, CA quận Ba Đình đã khởi tố vụ án về tội danh “Vô ý làm chết người” theo Bộ luật Hình sự có thể xem là chưa phù hợp vì sử dụng ma túy dẫn tới ảo giác gây hậu quả nghiêm trọng thì phải mặc định chịu trách nhiệm với lỗi cố ý. Xét về hành vi khách quan thì thấy, Châu Việt Cường sử dụng vũ lực ghì cổ nạn nhân, nhét nguyên củ tỏi vào cuống họng bịt đường hô hấp gây tử vong là hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác. Vì vậy trong trường hợp này, CQĐT có thể thay đổi quyết định khởi tố.

Đồng thời, căn cứ lời khai của các đối tượng, có thể nhận thấy, một hành vi khác của đối tượng Cường và đồng phạm có thể bị xem xét xử lý hình sự đó là tổ chức sử dụng ma túy quy định tại Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015. Đối với hành vi sử dụng ma túy của Cường, vì đây là lần đầu phát hiện nên không bị xem xét xử lý hình sự.

Các quốc gia thường giống nhau trong việc xử phạt rất nặng tội danh buôn bán ma túy và các tội phạm bạo lực liên quan đến ma túy, nhưng lại khác nhau trong việc xử phạt người sử dụng ma túy và việc tàng trữ ma túy cho mục đích sử dụng cá nhân.

Sự thất bại của các chính sách kiểm soát ma túy đã dẫn đến những thay đổi quan trọng, trong đó nhiều quốc gia đã không coi sử dụng ma túy là hành vi phạm pháp từ những năm 1970. Với biện pháp coi việc sử dụng không phải là phạm tội, các cơ quan thi hành pháp luật chỉ nhắm tới việc kiểm soát các đối tượng buôn bán ma túy, chứ không phải người sử dụng. Người sử dụng chất gây nghiện trái phép lúc này sẽ được giới thiệu đến các cơ sở dịch vụ để được chăm sóc, điều trị thay vì xử phạt, bỏ tù.

Những quốc gia áp dụng hình phạt nặng với tội danh tàng trữ ma túy cho mục đích cá nhân thường có số người nghiện ma túy lớn trong tù, làm tăng chi phí xã hội. Tiếp cận này không làm giảm tình trạng sử dụng ma túy ở cộng đồng, khi so sánh với các quốc gia không xử phạt nặng tội danh này.

Nhiều nước khác cũng đang trong quá trình áp dụng như Mexico, Hà Lan, Aghentina, áp dụng đối với một số chất gây nghiện hay một số bang của Mỹ áp dụng đối với cần sa. Việc hợp pháp hóa hành vi sử dụng ma túy cũng tạo ra quan ngại về việc gia tăng trầm trọng việc sử dụng ma túy. Song đánh giá áp dụng biện pháp ở Bồ Đào Nha cho thấy việc sử dụng không hề tăng lên mà thậm chí còn giảm đối với một số loại chất gây nghiện, nguồn ngân sách tiết kiệm được từ việc không đầu tư vào biện pháp cấm đoán.
Những dấu hiệu cơ bản của một người “ngáo đá” có thể được nhìn nhận ở một trong hai hoặc cả hai triệu chứng là lâm sàng và hành vi. Cụ thể, về lâm sàng người “ngáo đá” bị rối loạn nhịp tim, vã mồ hôi, ớn lạnh, giãn đồng tử, kích thích tâm thần vận động hoặc co giật… Về hành vi, người “ngáo đá” thường bị rối loạn các hành vi chức năng hoặc rối loạn tri giác. Theo đó, họ thường bị ảo giác, ảo thị, ảo thanh và ảo xúc giác. Tiếp đến là nói nhiều, tự cao, lo âu, đa nghi, kích động, bồn chồn, tăng hoạt động, rập khuôn một hành động nào đó; tăng ham muốn tình dục, tăng nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh và sau nữa là hoang tưởng.

Tác giả: Anh Hùng

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP