Kinh tế

Chanh rẻ như cho, người dân lỗ nặng

Nhiều hộ trồng chanh ở Nghệ An đang rơi vào cảnh lao đao do được mùa, mất giá. Thậm chí, chanh không bán được, nông dân phải bù lỗ.

Gia đình anh Đặng Văn Lợi ở thôn Đông Xuân là hộ trồng chanh nhiều nhất xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) với 1 ha. Vụ chanh năm nay, hơn 700 gốc chanh đang chín rộ nhưng có rất ít thương lái đến thu mua; nếu có thì giá thu mua quá rẻ mạt so với chi phí đầu tư ban đầu. Nhìn vườn chanh sai quả, chín rụng khắp vườn khiến anh không khỏi xót xa.

"Đầu vụ giá thu mua cao nhưng lúc đó chanh chưa đến kỳ thu hoạch, hiện nay toàn bộ diện tích đã rộ quả nhưng số lượng bán ra rất ít. Họ chủ yếu thu mua từ 50 - 100 kg chứ không mua nhiều. Chanh để chín và rụng rất nhiều, nếu từ giờ đến cuối vụ cứ tình cảnh này, gia đình phải bù lỗ chi phí chăm sóc" - Anh Lợi cho biết.

Vườn chanh 700 gốc của gia đình anh Đặng Văn Lợi ở xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) không tiêu thụ được. Ảnh: Việt Hùng

Chanh vào vụ thu hoạch không bán được là tình trạng chung của hơn 20 hộ dân trồng chanh ở xã Quỳnh Thắng. Anh Lê Xuân Thủy trưởng thôn Đông Xuân trồng 5 sào chanh cho biết, hiện nay nhiều hộ dân đang lao đao vì chanh chín rộ mà không bán được, nếu bán thì giá rẻ mạt từ 3.000 - 3.500 đồng/kg, với giá này chỉ bằng một nửa giá đầu vụ của năm ngoái.

Bình quân 1 ha chanh, sản lượng đạt khoảng 9 - 10 tấn quả, với giá thu mua như hiện nay thì mỗi ha bà con thu nhập khoảng 30 triệu đồng, trong khi chi phí bỏ ra đầu tư, chăm sóc lên tới 25 triệu đồng nên bà con không có lãi.

"Với giá chanh thu mua hiện giờ thì người nông dân không hề có lãi, nếu bán được may chăng hòa vốn; còn không nếu tình cảnh chanh ế ẩm thì bà con trắng tay, phải bù lỗ chi phí" - anh Thủy nói.

Với giá thu mua 3.000 - 3.500 đồng/kg như hiện nay, người trồng chanh không có lãi; thậm chí không có người thu mua nên chanh để chín rụng rất nhiều. Ảnh Việt Hùng

Năm 2013, hàng chục hộ dân ở xã Quỳnh Thắng mạnh dạn đưa các giống cây ăn quả vào trồng ở vùng đất đỏ bazan, trong đó có chanh. Hiện nay, toàn xã có khoảng trên 10 ha chanh được trồng nhiều nhất ở thôn Đông Xuân.

Theo các hộ cho biết, chanh từ khi trồng đến khi thu hoạch mất khoảng 3 năm, trong đó chi phí cải tạo đất, đầu tư về giống, phân bón khoảng gần 100 triệu đồng/ha; với kinh phí đầu tư ban đầu cao như vậy thì mỗi vụ bà con phải thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/ha trở lên may ra mới có lãi. Tuy nhiên, vụ thu hoạch chanh thứ 2 này, mỗi ha bà con chỉ thu về 30 - 35 triệu đồng, chưa trừ chi phí. Giá thu mua thấp khiến người trồng chanh chán nản, không muốn đầu tư.

Ông Lê Văn Nga - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng cho biết, từ đầu vụ đến nay giá chanh được thu mua quá rẻ, các hộ dân phải tự tìm kiếm đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, lượng thu mua cũng không nhiều, do đó nhiều hộ đành để chanh chín rụng. “Trước thực trạng này, địa phương khuyến cáo bà con cần tìm kiếm thêm đầu ra cho sản phẩm; cần chăm sóc cây theo quy trình để quả có thể bán đúng vào đầu mùa. Bà con nên tìm hiểu thị trường, không nên trồng chanh ồ ạt, tránh rơi vào tình trạng được mùa, mất giá như hiện nay" - ông Nga cho biết thêm.

Huyện Hưng Nguyên có khoảng 400 ha chanh chủ yếu tập trung ở 2 xã Hưng Yên Bắc và Hưng Yên Nam và rải rác ở một vài xóm của xã Hưng Trung. Riêng xã Hưng Yên Bắc có 200 ha, sản lượng chanh mùa năm nay đạt khoảng 500 tấn. Dịp đầu mùa ( tháng 5-6 ) giá chanh tại vườn 16.000 -17.000 đồng/ kg, bây giờ chanh loại đẹp cũng chỉ được trên dưới 4.000 đồng/ kg.

Tại huyện Hưng Nguyên, hiện giá chanh khoảng 4.000 đồng/kg. Ảnh: Thanh Tâm

Theo chị Phan Thị Xuân ở xóm 10, xã Hưng Yên Nam: Đặc điểm của cây chanh ở Hưng Yên là ra hoa liên tục nên thường xuyên có thu hoạch. Hiện giá chanh rẻ, các chủ vườn phải thu hái rồi chở ra các điểm thu mua của thương lái. Nhà chị có 500 gốc chanh, vụ này dự kiến được 4 tấn, đến nay mới bán được gần 2 tấn; với giá bán khoảng 4.000 đồng/kg tính ra người dân không có lãi.

Anh Nguyễn Viết Thành ở xóm 2 A, xã Hưng Yên Bắc - một chủ hộ chuyên thu mua chanh đưa ra bán ở các tỉnh phía Bắc cho biết; "Khi chanh đắt, mỗi ngày tôi thu mua khoảng 8 tấn. Hiện nay giá chanh xuống thấp và cũng khó tiêu thụ hơn nên chỉ thu mua 5 - 6 tấn/ngày; chủ yếu đưa ra các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội để tiêu thụ".

Chanh Nghệ An chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội... Ảnh: Thanh Tâm

Mặc dù giá chanh xuống thấp nhưng các hộ trồng chanh ở Hưng Nguyên vẫn tiếp tục đầu tư chăm bón, cung cấp đủ dinh dưỡng cho vườn chanh để những vụ tiếp theo chanh được mùa, và bà con cũng hy vọng giá chanh sẽ tăng để có thêm thu nhập.

Tác giả: Việt Hùng - Thanh Tâm

Nguồn tin: Báo Nghệ An

  Từ khóa: giá chanh , lỗ nặng , giảm sâu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP