Chấm thi môn văn tại Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Tự luận tiếng Anh quá yếu
Đó là kết quả chấm bước đầu của giám khảo về phần tự luận môn tiếng Anh tại Hội đồng chấm thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Đề thi môn ngoại ngữ gồm 2 phần, phần trắc nghiệm (8 điểm) sẽ được chấm bằng máy, phần tự luận (2 điểm) do giám khảo chấm. Hai ngày qua, mức điểm chủ yếu ở phần tự luận trong khoảng từ 0,75 đến 1 điểm, hầu như không có bài đạt điểm tuyệt đối. Điều này phản ánh đúng thực trạng yếu kém về khả năng viết luận trong môn ngoại ngữ của học sinh hiện nay.
Cũng tại hội đồng chấm thi này, nhận định chung những môn thi còn lại cũng có nhiều kết quả khác nhau. Phổ điểm chung của môn toán trong khoảng 5 – 5,5 điểm. Có nhiều bài làm điểm 8, nhưng điểm 9 rất hiếm và chưa có điểm 10 nào. Lý giải điều này, nhiều giám khảo cho rằng do câu 10 (câu cuối) của đề thi quá khó. Bất ngờ nhất là với nhận định chung đề môn toán dễ nhưng nhiều phòng thi có đến 3, 4 thí sinh điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống).
Với môn sử, đây là kỳ thi có nhiều điểm mới về hình thức ra đề, có nhiều câu hỏi cần sự sáng tạo. Tuy nhiên, nhiều giám khảo cho rằng đề sáng tạo song vẫn nằm trong “ba rem” chấm nên kết quả chẳng sáng sủa gì. Cụ thể là điểm dưới 5 rất nhiều (chiếm hơn 50%), thỉnh thoảng mới có bài điểm 8, 9…
Điểm văn nằm trong khoảng 5,5 đến 6
Trong các môn chấm, môn văn có sự “nhạy cảm” riêng, nhất là đề thi lần này khá dễ và có nhiều câu hỏi mở.
So với đáp án chấm của đề minh họa, đáp án đề chính thức hợp lý hơn. Chẳng hạn ở thang điểm phần a/ cấu trúc bài nghị luận; phần d/ sáng tạo và phần e/ chính tả dùng từ đặt câu (thuộc câu 1 và 2/ phần làm văn) điều chỉnh từ 0,5 xuống 0,25 điểm. Chỉ giữ lại thang điểm sáng tạo của câu 2 (nghị luận văn học) 0,5 điểm là hợp lý. Tuy nhiên, nếu đáp án đề minh họa chi tiết, cụ thể bao nhiêu thì đáp án chính thức lại quá chung chung, quá “mở”, mặc dù sau đó Bộ có điều chỉnh. Điều này dễ dẫn đến lệch điểm giữa các giám khảo cùng hội đồng chấm và giữa các hội đồng chấm với nhau… nếu không họp chấm chung thật kỹ.
Nhìn chung điểm môn văn khá cao so với các năm trước. Phổ điểm trong khoảng 5,5 – 6. Điểm dưới 5 giảm, chưa thấy có điểm liệt. Điểm 8 nhiều, nhưng điểm 9 hiếm.
Điều đáng nói là phổ điểm cao nhưng tính phân loại thấp, do những câu hỏi đảm nhận vai trò phân loại chưa có tác dụng. Chẳng hạn câu 4 và 8 phần đọc hiểu, đáng lẽ phải đánh giá được trình độ riêng của thí sinh nhưng đáp án quá chung chung, không có yêu cầu cụ thể nên hầu hết thí sinh đều đạt được 0,25 đến 0,5 điểm. Nếu có điều chỉnh cho cấu trúc đề thi lần sau thì đây là hai câu phải chú ý đầu tiên.
Ngoài các yếu tố như bài làm sạch đẹp, chữ viết chuẩn, các câu hỏi đều không mất điểm…, những bài làm có điểm cao là những bài triển khai tốt phần ý nghĩa triết lý rút ra từ câu chuyện người đàn bà hàng chài nhưng rất nhiều thí sinh không nói được điểm này.
Bên cạnh những bài làm tốt, kỳ thi lần này bộc lộ nhiều điểm yếu của thí sinh như: yếu kỹ năng đọc hiểu, nhiều người không phân biệt được thể thơ tự do với các thể thơ khác, không nhận biết được phương thức nghị luận… Cho nên, buồn cười là, để an toàn, thí sinh đã liệt kê ra hết tất cả các phương án mà mình biết!
Điểm được lớn nhất, theo chúng tôi, bài làm môn văn lần này hạn chế số lỗi về dùng từ, chữ viết, chính tả… Phải chăng thí sinh đã bắt đầu “có ý thức” hơn khi Bộ yêu cầu đưa phần này vào thang điểm của đáp án chấm!
Tiến độ chấm thi ĐH Đà Nẵng sẽ hoàn tất trước 17.7 Ngày 7.7, theo tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, việc chấm thi đã được ĐH Đà Nẵng bắt đầu triển khai vào sáng 6.7. Đối với các môn thi trắc nghiệm, sẽ tổ chức chấm máy, dự kiến hoàn tất trong vòng một tuần. Còn những môn tự luận sẽ tăng cường thêm lực lượng giáo viên THPT Đà Nẵng, Quảng Nam để chấm. Tiến sĩ Đoàn Gia Dũng, Trưởng ban Tổ chức cán bộ ĐH Đà Nẵng, cho hay lãnh đạo ĐH Đà Nẵng đã chỉ đạo việc chấm các môn phải hoàn tất trước ngày 17.7 để rà soát, kiểm tra lại trước khi công bố trước ngày 20.7 theo quy định của Bộ GD-ĐT. Diệu Hiền Nhiều nơi bắt đầu chấm ngày 9.7 PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết ngày 6.7 các giáo viên đã tiến hành chấm một số túi bài thi và ngày 7.7 bắt đầu chấm đồng loạt. “2 môn toán và văn có số lượng bài thi nhiều nhất, mỗi môn khoảng 18.000 bài. Trường huy động khoảng 90 giáo viên chấm mỗi môn. Môn sử có số lượng bài thi ít nhất. Sau khi qua 2 vòng chấm và một vòng kiểm tra mới có thể biết điểm chính thức”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tây Nguyên, cũng cho hay riêng 2 môn toán và văn (khoảng 43.000 bài thi) phải huy động 400 giáo viên chấm để kịp hoàn tất vào ngày 20.7. Trong khi đó, nhiều trường còn đang trong quá trình rọc phách và bắt đầu chấm thi vào ngày 9.7. Mỹ Quyên Cụm Bạc Liêu chấm đến ngày 16.7 Chiều qua, ông Trần Văn Chiêu, Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu kiêm Chủ tịch Hội đồng thi THPT quốc gia tỉnh Bạc Liêu, cho biết cụm thi do trường ông chủ trì có tổng cộng 10.539 thí sinh ở hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau dự thi. Theo kế hoạch, từ ngày 9 – 16.7 sẽ tổ chức chấm thi. Hội đồng thi đã huy động đến 223 cán bộ, giáo viên ở hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau cùng tham gia chấm thi. Trong khi đó ông Lê Thanh Liêm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết chậm nhất ngày 20.7 Sở sẽ gửi kết quả về Bộ GD-ĐT. Thanh Phong – Gia Bách |
Ngọc Tuấn/ TNO