Đúc kết thành tựu 300 năm nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt
Trong 2 tiếng đồng hồ trò chuyện, GS. TSKH Hồ Ngọc Đại kể về hành trình đổi mới. Trong hành trình ấy, có người động viên nhưng cũng rất nhiều người phản đối ông.
Theo GS Hồ Ngọc Đại, sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục là sản phẩm của nhiều người, nhưng ở bản thảo cuối cùng được ký tên Hồ Ngọc Đại - người chịu trách nhiệm.
GS Đại phân tích nhiều người không hiểu ngữ âm khác tiếng nói. Học sinh khi phân tích ngữ âm học là chân không về nghĩa, nghĩa là không cần biết đến ý nghĩa của từ, chỉ có âm thôi, như thế mới thay đổi về âm được.
“Ví dụ, ba chỉ là tiếng ba thôi, chưa cần hiểu nghĩa là gì. Nếu thay âm đầu là c thì thành ca, thay h thì thành ha, hoặc thay vần thì e sẽ thành be, i sẽ thành bi. Tức là, các em chưa cần biết nghĩa nhưng phải biết âm.
Khi âm chứa nghĩa sẽ thành từ, không chứa nghĩa là một tiếng. Tiếng đó ban đầu các em chưa cần nắm nghĩa (dư, dừ, dứ)... Ban đầu, các em chỉ cần nắm âm và cấu trúc ngữ âm. Tôi dạy tiếng Việt cho các em thực dụng hơn, không sách vở, làm sao để các em biết đọc, viết và không bị tái mù chữ”, GS Đại bày tỏ.
Theo GS Hồ Ngọc Đại, sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục là sản phẩm của nhiều người, nhưng ở bản thảo cuối cùng được ký tên Hồ Ngọc Đại - người chịu trách nhiệm. (Ảnh: Th. Th). |
GS cho biết, cho đến nay, ông không bao giờ tự nhận là GS.TS.TSKH. “Tất cả những giấy tờ hay chữ kí, tôi không bao giờ ghi vào là “giáo sư” hay “tiến sĩ khoa học”, bởi "tất cả chỉ là tào lao". Ông cho biết, mình chỉ ký Hồ Ngọc Đại vì quan điểm “không cần bệ đỡ nào cả” hay “một mình đối diện với đời”.
Theo GS Hồ Ngọc Đại, Công nghệ giáo dục là một quá trình trong 300 năm nghiên cứu về ngữ âm tiếng Việt. Năm 1977, giới nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam tổ chức tổng kết 300 năm nghiên cứu ngữ âm tạo nên cuốn sách Ngữ âm Tiếng Việt.
"Nói 300 năm bởi thời điểm từ khoảng năm 1677 trở về trước bắt đầu có nghiên cứu về Tiếng Việt, trước khi con người học và nhập môn Tiếng Việt. Quá trình nghiên cứu từ mơ hồ đến thành tựu được tổng kết và ổn định vào năm 1977.
Tài liệu nghiên cứu này được làm giáo trình chính thức cho sinh viên năm thứ ba chuyên ngành ngôn ngữ học, trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội). Tôi cũng là người sử dụng cái tổng kết đó vào một năm sau để bắt đầu dạy Tiếng Việt 1 – Giáo dục Công nghệ từ năm 1978", GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ.
Và khóa học năm 1978 của Trường Thực nghiệm được GS Đại áp dụng sách CNGD vào lớp 1, có GS Ngô Bảo Châu. Trong học kỳ 1, lớp của GS Châu không học chữ mà chỉ học hình vuông, tròn, tam giác.
“Không biết gì mà chỉ trích, tôi không chấp”
GS.TSKH Hồ Ngọc Đại sinh năm 1936, là nhà khoa học giáo dục. Năm 1968, ông theo học ĐH Tổng hợp Lomonosov tại Moscow, Liên Xô (nay là Liên bang Nga).
Năm 1976, ông hoàn thành luận án tiến sĩ về "Những vấn đề tâm lý trong giảng dạy Toán học hiện đại cho học sinh cấp 1". Hai năm sau, ông sáng lập Trung tâm Công nghệ Giáo dục.
Ông ủng hộ việc phát triển nền giáo dục mới, đề cao yếu tố cá nhân, cái tôi của mỗi học sinh, cũng như việc bỏ chấm điểm ở cấp độ tiểu học.
Đoạn clip có cô giáo và học sinh đọc bằng ô vuông và hình tròn bị đưa lên mạng, nhiều người đã chửi bới. (Ảnh: Từ clip). |
Nói về những ý kiến tranh luận trên mạng xã hội thời gian qua, GS Hồ Ngọc Đại tâm sự nhiều người chỉ trích ông nhưng trường Thực nghiệm vẫn tồn tại. Việc lên tiếng trước dư luận chỉ làm mọi chuyện thêm phức tạp. Những người không biết gì mà chỉ trích, ông sẽ không “chấp”.
“Tôi là nhà tâm lý học khoa học trẻ em mà người ta nói tôi không hiểu tâm lý. Nhiều người lấy những câu chữ vớ vẩn để phê phán tôi”, ông Đại chia sẻ.
Thậm chí, nhiều nhà ngôn ngữ học chính thống cũng chỉ nói những trò chơi chữ nghĩa trong các cuộc thi với nhau, còn điều quan trọng là ngôn ngữ học hàng ngày. Khi 100% học sinh đến trường, các em cần được nói và nghe ngôn ngữ của cuộc sống mỗi ngày.
Khi được hỏi về việc dư luận đang “lên đồng” chửi bới ông, GS Hồ Ngọc Đại nói ông hạnh phúc với những điều giản đơn. Ông kể một cô giáo ở Nghệ An rất xúc động khi phát biểu trong kỳ tập huấn: “21 năm dạy lớp 1, từ khi dạy sách Công nghệ Giáo dục, tôi mới có nghề thật sự”.
Trước câu hỏi, phải chăng có người muốn đưa ra cuộc tranh luận này bởi muốn đánh bại ông, cũng như mảnh đất “vàng” ở Trường Thực nghiệm? GS Hồ Ngọc Đại trầm ngâm cho biết, mảnh đất ở trường Thực nghiệm đã được chuyển giao cho người khác, không còn thuộc về ông, mặc dù trước đó ông đã từng rất tự hào vì đây là môi trường tốt đẹp cho học sinh học tập.
"Những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà ngôn ngữ học về chương trình công nghệ giáo dục, tôi chỉ lắng nghe những gì có ích và đúng cho việc của mình. Từ đó, tôi có thể điều chỉnh sao cho phù hợp", GS Đại chia sẻ.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí