Ký ức của một xã đội trưởng
Ông Nguyễn Huy Cội – nguyên là Xã đội trưởng xã Vĩnh Lộc những năm giặc Mỹ leo thang đem quân ném bom miền Bắc. Hàng năm, cứ đến ngày 15-4 và dịp 27-7, người đảng viên gần 50 năm tuổi Đảng, trên 80 tuổi đời lại lần bước ra ngồi ở mố cầu Nhe còn chi chít hố bom, hồi tưởng về những năm tháng hào hùng nhưng cũng rất bi thương của một thời đạn lửa, nhớ về những người đồng đội thân yêu của mình đã bị bom Mỹ vùi lấp trong trận bom định mệnh ngày 15-4-1968.
Ông Cội nhớ lại: Khoảng hơn 1 giờ chiều ngày 15-4-1968, thời điểm này đang bắt đầu vụ gặt lúa chiêm xuân. Khi ông và những người nông dân Vĩnh Lộc tranh thủ ra đồng sớm để tránh máy bay Mỹ thường ném bom vào cuối chiều thì gặp một đoàn bộ đội đang hành quân từ hướng thị xã Hồng Lĩnh lên đường 15A để vào Nam. Ông còn nhớ, đội hình đơn vị quân đội hành quân theo hai hàng dọc, kéo dài từ đầu làng đến cuối làng gần một cây số. Những người dân Vĩnh Lộc đang làm đồng còn giơ nón vẫy chào những người chiến sĩ.
Ít phút sau, khi ông và dân làng đang mải mê gặt lúa thì nghe tiếng máy bay gầm rít từ phía Đông, mọi người chưa kịp chạy tránh bom thì đã nghe những tiếng nổ chát chúa cất lên từ cầu Nhe. Chỉ trong tích tắc, 4 chiếc máy bay Mỹ đã trút hết cơ số bom xuống một khoảng đất chừng vài trăm mét vuông xung quanh khu vực cầu Nhe.
Ông Nguyễn Huy Cội – nguyên Xã đội trưởng xã Vĩnh Lộc trò chuyện với phóng viên.
Đợi cho tiếng bom ngừng hẳn, ông Cội cùng một số cán bộ lãnh đạo xã Vĩnh Lộc tức tốc chạy về cầu Nhe với những dự cảm chẳng lành. Mọi người chưa kịp định hình lại nghe tiếng máy bay gầm rít trên đầu, giặc Mỹ tiếp tục tăng cường lực lượng tàn phá cầu Nhe.
“Trong khoảng thời gian từ 13h30 đến 17h ngày hôm đó, Mỹ đã huy động 9 lần tốp, 27 lần chiếc liên tục ném bom xuống cầu Nhe và các vùng phụ cận” – ông Cội chưa quên buổi chiều kinh hoàng và trận bom định mệnh ngày 15-04-1968.
70 liệt sĩ và những lần quy tập
Đúng như dự đoán, mục tiêu ném bom của máy bay Mỹ là đội hình những người lính trên đường Nam tiến khi họ đang hành quân qua giữa cầu Nhe. Quá bất ngờ, những người lính giữa lòng cầu không kịp tìm nơi trú ẩn, bị bom Mỹ vùi lấp ngay loạt bom đầu tiên. Trong vòng hơn 2 giờ đồng hồ quần đảo, toàn bộ đội hình đoàn 1019 (gồm Tổng cục Hậu cần, Quân khu 3 và Tiểu đoàn 351, Trung đoàn 7, Quân khu 3) nằm trong vùng khống chế của máy bay Mỹ, bị chia cắt thành từng mảng và bị bom vùi lấp. Cầu Nhe bị đánh tan, chỉ còn một mố cầu, hai bên vùng phụ cận chi chít hố bom, nhà cửa, kho tàng bị đánh tan tành.
Ngay sau loạt bom đầu, người dân xã Vĩnh Lộc đã kịp thời có mặt tại cầu Nhe ứng cứu thương binh và nhặt nhạnh thi hài liệt sĩ. “Công việc tìm kiếm thi hài liệt sĩ kéo dài hàng tháng trời, có đợt 2 tuần liền tui phải có mặt 24/24 giờ tại hiện trường để chỉ huy việc kiếm tìm thi thể đồng đội và tổ chức mai táng cho anh em” – ông Cội nhớ lại. 53 cán bộ, chiến sĩ của đoàn 1019, Chính trị viên Huyện đội Can Lộc Nguyễn Hộ và 16 dân quân địa phương tham gia ứng cứu đã bị bom vùi ngay tại cầu Nhe.
Trong mưa bom bão đạn, đảng bộ, LLVT xã Vĩnh Lộc đã xông ra hiện trường, cấp cứu số bị thương, tìm được 16 phần hài cốt (trong đó có 11 hài cốt chưa biết tên) đưa về mai táng tại nghĩa trang địa phương. Thân nhân gia đình Chính trị viên Nguyễn Hộ tìm được xắc-cốt và một phần thi thể của anh đưa về mai táng tại quê nhà.
Mảnh đất phía nam cầu Nhe trở thành ngôi mộ tập thể của 53 cán bộ, chiến sĩ đơn vị 1019. Đảng bộ và nhân dân địa phương nhiều lần tổ chức tìm kiếm nhưng vẫn không thành công. Hằng năm, ngày 15-4 nhân dân địa phương vẫn đến vùng đất trũng này thắp hương tưởng niệm những người con đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh tại cầu Nhe trong đợt quy tập tháng 8-2003. Ảnh: TL.
Ông Lê Công Ân – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc cho biết: Với quyết tâm tìm bằng được 53 hài cốt liệt sĩ ở cầu Nhe, tháng 8 năm 2003, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập ban chỉ đạo, huy động gần 500 dân quân các xã Vĩnh Lộc, Nhân Lộc, Yên Lộc, Khánh Lộc khai quật trên một diện tích đất rộng với độ sâu 2m. Do địa hình trũng, lại gặp mùa mưa, mặc dù đã quyết tâm mở rộng hiện trường nhưng sau gần một tháng khai quật, cũng chỉ thu nhặt được 27 phần hài cốt liệt sĩ. Cấp uỷ, chính quyền địa phương và lãnh đạo các đơn vị có quân thuộc đoàn 1019 đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu các liệt sĩ và đưa thi hài các anh về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Can Lộc.
“Trong tổng số 70 liệt sĩ hy sinh tại cầu Nhe, đến nay đã tìm được 44 phần hài cốt, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Can Lộc. Chính quyền địa phương đã nhiều lần làm việc với các đơn vị có quân thuộc đoàn 1019 hy sinh tại cầu Nhe nhưng hiện mới tìm được tên 37 liệt sĩ khắc ghi tại bia đá đặt ở nhà bia tưởng niệm cầu Nhe, trong đó gồm 17 người của địa phương và 20 người thuộc đoàn 1019” – ông Ân cho biết thêm.
Chưa là chứng tích chiến tranh!
Xã Vĩnh Lộc xưa là thị tứ sầm uất trên bến dưới thuyền của hai tổng Nga Khê và Lai Thạch nổi tiếng với chợ Nhe, chợ Cầu quanh năm tấp nập kẻ bán người mua. Chạy dọc chia đôi xã từ Tây sang Đông là dòng sông Nhe – một trục giao thông quan trọng nối giữa hai vùng thượng Can Lộc và Nam Đức Thọ. Năm 1936, để chuẩn bị cho chuyến vi hành của vua Bảo Đại ra vùng Bắc Trung bộ kiểm tra các đếm canh phòng dọc vùng trà sơn Hà Tĩnh, triều đình Huế đã huy động phu phen và nhân dân ở hai tổng Nga Khê, Lai Thạch bắc cầu qua sông Nhe cho vua đi. Cầu Nhe ra đời từ đó.
Mố nam cầu Nhe còn sót lại sau trận bom ngày 15-4-1968, hai bên chi chít hố bom, hiện dưới chân cầu vẫn còn hài cốt các liệt sĩ!
Ngay từ những ngày đầu giặc Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại, do vị trí nằm giữa trung tâm Quốc lộ 1A và Quốc lộ 15A nên Vĩnh Lộc được chọn làm nơi trung chuyển vũ khí và lực lượng “chia lửa” với hai tuyến giao thông trọng yếu. Cầu Nhe nằm trên trục đường tỉnh lộ 12 thuộc địa bàn xã Vĩnh Lộc, cách ngã ba Đồng Lộc chưa đầy 15km về phía Đông Bắc, là một trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ trong hai cuộc chiến tranh phá hoại.
Ông Lê Công Ân, cho biết: Để ghi nhớ công ơn các liệt sĩ bị bom vùi ngày 15-4-1968 tại cầu Nhe, bên cạnh sự nỗ lực tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ, tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị thuộc đoàn 1019 đã xây dựng ở đây một nhà bia tưởng niệm ghi công liệt sĩ. Hàng năm, cứ đến ngày các liệt sĩ hy sinh và các ngày lễ tết, nhân dân địa phương và thân nhân liệt sĩ từ Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Thanh Hoá… về đây dâng hương phần nào được an ủi.
Tâm nguyện của những người đang sống hôm nay vẫn còn đau đáu một nỗi niềm. Từ năm 1997, xác định vị trí quan trọng và những chiến tích của cầu Nhe trong những năm đánh Mỹ, Bảo tàng Hà Tĩnh đã lập hồ sơ khoa học di tích Cầu Nhe – một chứng tích lịch sử. Thế nhưng không hiểu sao đến nay hồ sơ vẫn chưa được phê duyệt và đang bị chìm dần vào quên lãng. Người dân Vĩnh Lộc, Can Lộc và thân nhân các liệt sĩ vẫn mong, hài cốt các liệt sĩ hy sinh tại Cầu Nhe sẽ được quy tập về trong khuôn viên đài tưởng niệm – nơi một phần thi thể của họ còn bị vui lấp dưới bùn đất và thiết tha đề nghị các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh và Trung ương đừng nhớ rồi quên một chứng tích lịch sử hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh!
Tháng 03-2010
Văn Học
baohatinh