- Thịnh ơi, dậy đi con. Mặt trời lên rồi, đến trường sớm hông các sơ la!
- Mẹ cho con ngủ thêm 3 phút! 3 phút nữa thôi rồi con dậy… Thằng bé nhõng nhẽo, vừa ôm con gấu bông vừa nhắm tịt đôi mắt đánh thêm giấc nữa.
Mẹ nó tất tả xếp lại mớ bìa cát-tông, cái mền rách vào chiếc túi nhựa, chất cao. 6 giờ, Sài Gòn tờ mờ sáng. Giờ này, chỉ còn vài bác công nhân làm khuya về muộn, hàng cháo lòng mở cửa thơm phức,… hai mẹ con Thịnh phải vội vội vàng vàng thức dậy, để kịp giờ học và để trả lại hè phố cho người ta.
Cứ thế, hơn năm nay, khi màn đêm buông xuống, mẹ con Thịnh lại ra góc đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) nghỉ chân. Cuộc sống không nhà, không cửa, chỉ có bầu trời và bóng đêm lặng lẽ trôi qua, ngày qua ngày.
Hơn năm nay, khi màn đêm buông xuống, mẹ con Thịnh lại ra góc đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) nghỉ chân. |
Người mẹ “giả nam” cùng con đi nhặt ve chai, ngủ lề đường đêm đêm
Đêm 25/9, tài khoản facebook Duy Lê đã chia sẻ bức ảnh “Trung thu của con”, ghi lại khoảnh khắc hai mẹ con nghèo khó vẫn tất tả nhặt ve chai trong đêm Trung thu. Và niềm vui nhỏ bắt đầu khi đứa con vòng tay sau cổ mẹ, đặt lên má một nụ hôn.
Câu chuyện ấm áp nhanh chóng nhận nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Bạn Duy Lê kể rằng: “Đó là khoảnh khắc bạn vô tình chụp trên đường Cao Thắng, Q.10. Qua hỏi thăm thì hai mẹ con chị không có nhà, đêm đêm vẫn ngủ ở lề đường…”.
Song, điều đặc biệt là ai ai lần đầu nhìn vào bức ảnh cũng ngộ nhận rằng hai cha con, cho đến khi biết được sự thật…
Bức ảnh “Trung thu của con” đã ghi lại khoảnh khắc đứa con vòng tay sau cổ mẹ, đặt lên má một nụ hôn. |
Tôi đã quay lại góc đường Bùi Thị Xuân (Q.1), một ngày Sài Gòn mưa lất phất, để tìm gặp lại mẹ con Thịnh. Phải đi từ 4h sáng, trời còn se lạnh mà ngắm nhìn hai mẹ con cậu bé nằm tròn vo trong chiếc mền mỏng mới thấu được hết cực khổ.
Cả hai có những giấc ngủ ngắn ở lề đường như vậy. Khi trời hửng sáng, họ lại gói ghém đồ đạc, người mẹ vội tắm rửa, chăm bữa sáng, rồi thay bộ đồ cho con tới trường.
Chiếc xe tòn ten đống chai nhựa cao quá đầu, mẹ Thịnh không chống chân tới, thằng bé phải ra sức đẩy phụ. Cứ thế, con nằm trên đống giấy, mẹ ngồi yên sau, đẩy từng bước.
Thịnh chỉ có mẹ, trên chiếc xe cót két, đôi giường nằm là nơi góc đường, mảnh chiếu đắp là tấm bìa các tông, và người bạn thân là con thú nhồi bông đã nhuộm màu đất. |
Nhưng nó vẫn ngủ ngon lành! |
Chị Hương có 2 đứa con trai, Thịnh (4 tuổi) là anh trai lớn. Hằng ngày, cậu bé vẫn theo mẹ đi nhặt ve chai. Còn riêng đứa em nhỏ, chị buộc lòng gửi lại cho một người thân chăm sóc.
“Hơn năm nay rồi, cứ 2h sáng chị lại đèo con ra đây ngủ à. Thịnh thương chị lắm! Ngủ đâu cũng được cả, hổng bao giờ đòi hỏi, nên đặt lưng xuống mỏi quá là ngủ cái lèo…” - chị Hương kể.
Từ khi mẹ con dắt díu nhau lên Sài Gòn, chị Hương đã lặn lội đi khắp thành phố nhặt ve chai. Thu nhập chẳng đáng là bao, hai mẹ con đành ngủ lề đường, nhưng chị vẫn chắt chiu cho con được đến trường.
“Ngủ riết rồi quen nên hông có mệt gì đâu! Đêm nào về muộn quá hoặc trời mưa, Thịnh còn ngủ luôn trên cái cổ xe đạp của chị, tới 2h sáng nó mới được xuống đất.”
2h sáng mẹ nó lại tới góc đường để ngã lưng, 6h sáng lại phải thức dậy để mưu sinh. |
Mẹ nó phải vội vã tắm rửa, thay đồ, cho con ăn ngay tại vỉa hè. |
Chị Hương cắt đầu tóc húi cao, mặc chiếc quần rộng, áo thùng thình, đội nón lưỡi trai rác mũi,… Nhìn bề ngoài, ban đầu ai cũng nhầm lẫn chị là cha Thịnh. Thế nhưng, bằng cách đó, chị Hương lại có thể cải trang để bảo vệ đứa con vào mỗi đêm.
“Ban đầu mình không hay để ý đường sá nên không biết, sau đó mấy anh bảo vệ nói nên mới biết hai mẹ con chị này. Do hay trực đêm nên cũng thường xuyên gặp, hai mẹ con cứ đến tối là tìm đến đây để ngủ. Cô mặc đồ cải trang đàn ông nên ai cũng tưởng là hai bố con. Nhưng khi tiếp xúc thì mới biết là nữ giới”, chị Trúc (nhân viên cạnh đó) chia sẻ.
Mỗi ngày với Thịnh đều bắt đầu bằng niềm vui cạnh mẹ. |
Ước mơ về những dấu chân con ngày đến trường
Thịnh ăn gió uống sương, sống cùng những đêm mưa thấu trời Sài Gòn,… nên từ nhỏ đã không bệnh tật. Nó cứ lớn nhanh như thổi cùng bàn tay mẹ.
Bao ve chai giờ đây đã thêm nặng, chị Hường không còn đủ sức đạp xe, thế là ngày ngày thằng bé lại phụ mẹ đẩy. Trời hửng sáng, hành trình của hai mẹ con Thịnh lại bắt đầu.
May mắn, gần đây Thịnh được các sơ trong trường Mẫu giáo Hoa Hồng giúp đỡ đến trường. Cứ thế, cả ngày nó vui vầy cùng các bạn, đến 3h chiều lại theo mẹ đi nhặt ve chai.
“Ở trường cô giáo bảo đi học phải đeo cặp sách, phải bỏ áo trong quần, vâng lời người lớn, cảm ơn người khác khi cho quà,… con chị nhỏ nhưng nó biết hết à! Sáng nào cũng làm theo lời cô dạy mới chịu đến lớp…” - chị Hường vui vẻ cười.
“Ở trường cô giáo bảo đi học phải đeo cặp sách, phải bỏ áo trong quần, vâng lời người lớn, cảm ơn người khác khi cho quà,… sáng nào cũng làm theo lời cô dạy mới chịu đến lớp…” |
Những người dân trong khu vực còn hay cho đồ ăn sáng để hai mẹ con lót dạ. |
Cuộc sống thiếu thốn là vậy! Thịnh chưa từng được mẹ mua cho món đồ chơi như bao đứa trẻ khác… Nó chỉ có mẹ, trên chiếc xe cót két, đôi giường nằm là nơi góc đường, mảnh chiếu đắp là tấm bìa cát-tông và người bạn thân là con thú nhồi bông đã nhuộm màu đất. Nhưng đêm đêm, nó vẫn ngủ ngon lành.
- Thịnh có muốn mai mốt được chú tặng cho cái gì hông nè? tôi hỏi.
- Con mê mấy con siêu nhân lắm! Con ước mai mốt làm siêu nhân để bảo vệ mẹ… - thắng bé mắt tít cười hiền.
- Con mê mấy con siêu nhân lắm! Con ước mai mốt làm siêu nhân để bảo vệ mẹ… - thắng bé mắt tít cười hiền. |
Chị Hương có làn da đem nhẻm, thân hình ốm tong, khuôn mặt xương đầy mùi sương gió,… chị không đẹp như người mẹ trong cuốn truyện tranh. Nhưng chị ơi, làn da đen đâu đẹp bằng tấm lòng chị, dáng người gầy sao rộng bằng ước mơ chị cho Thịnh, và tình yêu nào bằng tình mẹ con bên hè phố!
Để mỗi ngày, khi bóng đêm yên ả tràn về, Thịnh lại được cạnh kề mẹ trên những con đường, và thời gian ấy cứ dài mãi. Vì dù bóng đêm có to lớn, nó cũng đã có bóng mẹ che chở sau lưng.
Cho đến khi mặt trời hé nụ, người ta lại thấy mẹ con Thịnh cùng nhau gói ghém mớ ve chai, gói ghém tấm bìa các tông, gói ghém cả giấc mơ lên con xe đạp hành trình. Người thành phố ra đường đi làm sớm, va vào nhau như mắc cửi, hai mẹ con Thịnh lạc vào đám đông đó, nhỏ xíu rồi mất tiêu.
Người thành phố ra đường đi làm sớm, va vào nhau như mắc cửi, hai mẹ con Thịnh lạc vào đám đông đó, nhỏ xíu rồi mất tiêu. |
Tác giả: Huy Hậu
Nguồn tin: saostar.vn