Sau vài ngày thông xe, cây Cầu Ải qua địa bàn xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã xuất hiện những vết nứt mở 2 trụ cầu. Được biết, cây cầu này có tổng vốn đầu tư 17,2 tỷ đồng do UBND huyện Kỳ Anh làm chủ đầu tư.
Cầu Ải xây dựng trong khoảng 6 tháng và mới được đưa vào vận hành từ cuối tháng 10/2018. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày thông xe, 2 trụ cầu Ải đã xuất hiện nhiều vết nứt. Phía đơn vị thi công cho rằng, lỗi là do đơn vị tư vấn thiết kế đã yêu cầu sử dụng bê tông thường để dựng cầu thi vì bê tông (không có chất phụ gia).
Đơn vị thi công vị thực hiện gia cố bằng 2 sợi giây cáp bó chặt xung quanh, ngoài ra còn dùng khung sắp nẹp để đổ bê tông bao bên ngoài, phòng nước mặn ngấm vào khiến tình trạng trở lên tồi tệ hơn.
Trao đổi với Đất Việt ngày 20/12/2018, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cầu đường cho biết, việc gia cố Cầu Ải của đơn vị thi công đang thực hiện có thể chấp nhận được nhưng cũng không lấy gì đảm bảo cho độ an toàn của cây cầu này trong tương lai.
Cầu Ải qua xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh nứt toác sau vài ngày thông xe. |
"Ngoài việc gia cố thì cũng cần hạn chế những xe có trọng tải nặng lưu thông qua cầu. Đồng thời theo dõi thêm có xuất hiện các vết nứt nữa không hoặc vết nứt có to ra không. Nếu vẫn có thêm nứt hoặt nứt to ra thì không ổn! Trụ cầu là phần nâng đỡ cho cả mặt cầu, nếu đã kém chất lượng thì rất nguy hiểm, có thể sẽ phải tiến hành làm trụ cầu khác cạnh đó để gia cố thêm" - TS Trần Đình Thắng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho hay.
Cũng theo ông Thắng, trước mỗi dự án có vốn đầu tư của nhà nước thì quy trình thẩm định rất chặt trẽ. Sau khi đơn vị tư vấn thiết kế Cầu Ải hoàn thành xong sẽ trình lên Sở Xây dựng Hà Tĩnh kiểm tra, thẩm định. Nếu thấy bản tư vấn thiết kế Cầu Ải đúng kỹ thuật, phù hợp thì lãnh đạo Sở Xây dựng mới phê duyệt thẩm định và dự án mới được tiến hành xây dựng.
"Thông thường làm trụ cầu không ai dùng bê tông thường bởi nguy cơ thẩm nước cao, bê tông làm trụ cầu thường phải trộn thêm nhiều chất phụ gia khác để khắc phục điều này. Đây là kiến thức cơ quan trong xây dựng cầu đường, nhưng tại sao cơ quan thẩm định Cầu Ải không phát hiện ra mà vẫn phê duyệt?" - ông Thắng đặt ra câu hỏi.
Vị chuyên gia này đặt ra 2 giả thiết, một là do trình độ người thẩm định kém, không phát hiện ra lỗi này. Hai là, làm việc thiếu trách nhiệm, cấp dưới trình lên cái gì là ký cái đấy mà không cần tìm hiểu kỹ nội dung bên trong như thế nào.
Các vết nứt tại Cầu Ải đang được sửa chữa. |
"Dù là trường hợp nào thì cũng thể hiện năng lực của đơn vị thẩm định, cụ thể ở đây là Sở Xây dựng Hà Tĩnh. Nên ngoài việc phạt đơn vị tư vấn thì kế thì cũng cần làm rõ trách nhiệm của người đã ký phê duyệt thẩm định xây dựng Cầu Ải" - ông Thắng bày tỏ.
Đồng quan điểm, TS Phạm Nhật Bình - Khoa Cầu đường, Đại học GTVT TP. HCM cho rằng, việc gia cố Cầu Ải mà đơn vị thi công đang thực hiện chỉ là giải pháp tạm thời, có thể chấp nhận được. Bởi khi bê tông đã có hiện tượng nứt, chứng tỏ không phải do ngấm nước mà do độ co ngót trong thời gian đầu, cần phải theo dõi thêm vết nứt có sâu và rộng thêm ra không.
Tuy nhiên, việc dùng bê tông thường làm trụ cầu (nhất là trụ ở vùng nước mặn) thì khó tránh khỏi chất lượng sẽ bị xuống cấp trong thời gian ngắn.
"Đây rõ ràng là do trình độ của đơn vị tư vấn thiết kế còn hạn chế, người thẩm định cũng thiếu trách nhiệm. Nên ngoài việc xử lý sự cố thì cũng cần phải xem xét trách nhiệm các bên tới đâu để xử lý" - ông Bình chỉ rõ.
Tác giả: Vân Nam
Nguồn tin: Báo Đất Việt