Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: "Đừng gọi cầu Ải, hãy gọi cầu Gãy vì vừa thông xe đã nứt nẻ"!

Theo phản ánh của bạn đọc, dự án Cầu Ải (xã Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vừa đưa vào sử dụng đã xuất hiện nhiều vết nứt nẻ. PV báo Người tiêu dùng có mặt ở địa điểm trên để xác thực thông tin, một người dân ở đây cho hay “đừng gọi cầu Ải, hãy gọi là cầu Gãy vì vừa thông xe đã nứt nẻ”.

“Màn thưa che mắt thánh”?

Cụ thể, cầu Ải thuộc công trình dự án nâng cấp tuyến đường nối từ quốc lộ 1 với xã Kỳ Khang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vừa hoàn thành thì có nhiều vết nứt tại xà mũ của hai trụ cầu.

Cầu Ải ở xã Kỳ Khang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Cầu Ải ở xã Kỳ Khang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Được biết, cầu Ải thuộc Dự án do Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Tĩnh thẩm định thiết kế BVTC – Dự toán tại Văn bản số 631/TB-SGTVT ngày 16/3/2018 và được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định số 789/QD-UBND ngày 26/3/2018, do UBND huyện Kỳ Anh làm chủ đầu tư; Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Hà Tĩnh là đơn vị tư vấn thiết kế; Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Anh Sơn giám sát; Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại Hùng Cường thi công.

Nhiều vết nứt xuất hiện ở cầu Ải khi công trình vừa mới xây xong

Nhiều vết nứt xuất hiện ở cầu Ải khi công trình vừa mới xây xong

Dự án do huyện Kỳ Anh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí toàn tuyến là 27 tỷ đồng, công trình được khởi công vào đầu tháng 5/2018, đến tháng 10/2018 thì cầu Ải thông xe. Trong đó kinh phí xây cầu Ải là 17,2 tỉ đồng.

Trực tiếp trao đổi với PV, một số hộ dân chia sẻ “cầu Ải gãy rồi chứ không phải sắp gãy nữa, gãy xà mú chữ T gánh trên mặt cầu. Nhằm mà đổ chữ Y thì sẽ không gãy nhưng kiểu thiết kế đổ chữ T này gãy là đúng rồi. Không hiểu lý do tại sao mà họ bắc múi cầu hướng vào nhà dân?

Người dân phản ánh khi cầu Ải hoàn thành chưa được mấy ngày, nhà thầu Hùng Cường chở đá về đổ chắn hai bên, chỉ để lại một lối đi ở giữa cầu, sau đó mới biết trụ cầu có nhiều vết nứt.

Người dân phản ánh khi cầu Ải hoàn thành chưa được mấy ngày, nhà thầu Hùng Cường chở đá về đổ chắn hai bên, chỉ để lại một lối đi ở giữa cầu, sau đó mới biết trụ cầu có nhiều vết nứt.

Hậu quả tham gia giao thông thì dân chịu khi cầu một nơi, đường chéo một nơi vậy? Đường 12m, cầu bắc 9m, sao họ không bắc thẳng? Giờ chổ gãy họ dán keo và hàn gắn vào kiểu màn thưa che mắt thánh để không thấy đường nứt và sớm về nghiệm thu, chứ vĩnh cữu thì không bao giờ được”.

Theo tìm hiểu của PV thì cầu Ải là một công trình có ý nghĩa chiến lược quan trọng góp phần phát triển kinh tế – xã hội đối với xã Kỳ Khang nói riêng và là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới của huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Người dân nơi đây chưa kịp mừng, khi cầu vừa thông xe lại hỏng.

Trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

Thông tin với PV báo Người tiêu dùng, ông Hồ Xuân Trính, Chủ tịch UBND xã Kỳ Khang cho biết: “Cầu làm xong rồi, giờ có hiện tượng chổ dầm có vết răm răm,vết nứt nhỏ như chân chim. Bên kỹ thuật đang tập trung kiểm tra xử lý chứ chúng tôi cũng không nắm rõ...địa phương ở đây là giám sát cộng đồng”.

Một số vị trí dưới trụ cầu được công nhân dán lại keo, hàn gắn để gia cố khắc phục.

Một số vị trí dưới trụ cầu được công nhân dán lại keo, hàn gắn để gia cố khắc phục.

Hiện tại xà mũ trụ được căng kéo bằng các bó cáp dự ứng lực loại 7T12,7mm, hai đầu được neo vào hệ dầm kích 3I200 liên kết với các bản thép. Bọc bảo vệ hệ thống cáp dự ứng lực bằng BTCT 40Mpa dày trung bình 20cm xung quanh xà mũ hiện tại. Sau đó dán các tấm sợi các-bon MRK-M2-40 có bề rộng 20cm phía ngoài để để bảo vệ cốt thép tránh xâm thực của môi trường.

Công nhân đang gia cố thêm cáp dư ứng lực để hạn chế vết nứt nở ra.

Công nhân đang gia cố thêm cáp dư ứng lực để hạn chế vết nứt nở ra.

Ông Hoàng Thái Thuận, đại diện Công ty cổ phần tư vấn và xây dựng Hà Tĩnh (số 75, đường Nguyễn Chí Thanh – P. Tân Giang – Tp.Hà Tĩnh) cho biết” hiện đã có các chuyên gia của Đại học Giao thông vận tải về đưa giải pháp xử lý đảm bảo an toàn chất lượng công trình. Hôm trước các thầy cũng đưa máy móc phương tiện về đo đếm kiểm tra, còn nói đảm bảo hay không đảm bảo nhìn bằng mắt thường không biết được”.

PV trực tiếp liên hệ với ông Trần Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty CP Xây lắp và thương mại Hùng Cường (Khu phố 2, Phường Sông Trí, Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), cho hay: “Để khách quan thông tin thì em cần tới gặp chủ đầu tư, giờ anh đang ở Luân Đôn”.

Đội công nhân thuộc nhà thầu Hùng Cường - Công ty CP Xây lắp và thương mại Hùng Cường đang tập trung hàn gắn lại hệ thống sắt thép bó ôm vào trụ cầu để chuẩn bị đổ bêtông gia cố thêm

Đội công nhân thuộc nhà thầu Hùng Cường - Công ty CP Xây lắp và thương mại Hùng Cường đang tập trung hàn gắn lại hệ thống sắt thép bó ôm vào trụ cầu để chuẩn bị đổ bêtông gia cố thêm

Ông Võ Xuân Thành, phó Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thông tin: “UBND Huyện Kỳ Anh là chủ đầu tư dự án, khi phát hiện sự việc cầu nứt nẻ thì chúng tôi đã làm việc lập biên bản và tạm dừng thi công. Giao nhiệm vụ cho các bên theo dõi ở hiện trường, kiểm tra, giao cho các đơn vị liên quan tư vấn, giám sát, thiết kế, thi công để rà soát lại. Bên cạnh đó, chúng tôi đang thuê đơn vị tư vấn độc lập ở Hà Nội để đánh giá lại quá trình thi công, sẽ có giải pháp để trình lên Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh”.

Công trình cầu Ải liệu có được các đơn vị liên quan khảo sát lại để có phương án đảm bảo chuẩn kỹ thuật.

Khi người dân phản ánh chất lượng cầu Ải kém chất lượng có nhiều vết nứt nẻ và trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Độc giả sẽ đặt ra nghi vấn là nếu có lựa chọn được một nhà thầu tốt, nhưng không kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì nhà thầu cũng khó mà tự giác thi công đảm bảo chất lượng, đó là chưa kể đến trường hợp nhà thầu thông đồng với tư vấn giám sát để thi công ẩu, “rút ruột công trình”?

Thông tin liên quan đến công trình cầu Ải nứt nẻ hiện tại, rất cần sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng để đảm bảo gia cố lại các trụ chắc chắn, chuẩn kỹ thuật, đem lại sự tin tưởng cho người dân vùng quê Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh kỳ vọng về một công trình có ý nghĩa lâu dài trong đời sống nông thôn.

Tác giả: Hồng Liên

Nguồn tin: Báo Người tiêu dùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP