Tin Liên Quan

“Cát tặc” trên Sông Lam cần sự phối hợp giữa hai tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An

Tình trạng khai thác, buôn bán cát trái phép trên sông Lam, thuộc địa bàn huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và thành phố Vinh (Nghệ An) diễn ra phức tạp, làm ô nhiễm môi trường, gây nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng tới tuyến đê ngăn lũ… Tình trạng này vẫn chưa giải quyết được vì việc quản lý của chính quyền địa phương còn bất cập.

Xã biết nhưng không thể giải quyết được

Ban ngày, chỉ cần đứng trên cầu Bến Thủy 5 đến 10 phút, sẽ thấy những chiếc tàu chở hàng chục khối cát đầy tràn đang tấp nập, ngược xuôi đưa cát về bến bãi. Ông Lê Văn Thảo, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Hưng Hòa, TP Vinh cho biết: Chỉ tính riêng đoạn sông chưa tới 9km do xã Hưng Hòa quản lý, có ngày có tới 15 chiếc tàu khai thác cát trái phép…

 
Bãi tập kết, mua bán cát nằm sát chân cầu Bến Thủy I.

Để tìm hiểu tình hình khai thác và buôn bán cát trái phép trên đoạn sông này, chúng tôi đã bám địa bàn hơn một tuần, và sự thật còn hơn những gì người dân phản ánh. Khi cơ quan chức năng ra quân truy quét, họ án binh bất động hay tạm thời di chuyển sang địa phận khác. Lợi dụng những ngày nghỉ, ngày lễ và vào thời điểm nửa đêm về sáng, cơ quan chức năng ít kiểm tra là “cát tặc” lại tập trung khai thác.

4 giờ sáng 2-3, chúng tôi có mặt tại bờ sông Lam thuộc địa phận xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân. Lần theo tiếng máy nổ, chúng tôi phát hiện ra chiếc tàu lớn hơn 30m3 đang hút trộm cát ở lòng sông. Trời gần sáng, tàu đầy cát và bắt đầu nhổ neo về bến. Bám theo một đoạn chừng hơn 1km thì chúng tôi thấy chiếc tàu ghé vào bãi mua bán cát ngay đầu phía Nam cầu Bến Thủy I (bãi mua bán cát Hoa Ý) và tiếp tục công đoạn hút cát lên bờ. Hai bên bờ sông đoạn Nghi Xuân, Hà Tĩnh và TP Vinh, Nghệ An có đến hàng chục bến bãi. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tất cả các bãi ở đây không có giấy phép khai thác cát trên khu vực này, một số bãi có nhưng chưa đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Nạn khai thác, mua bán cát trái phép làm đất đai sản xuất bị sạt lở, môi trường bị ô nhiễm…

 
Một tàu cát (bên ngoài) đang hút cát lên bãi phía Nam cầu Bến Thủy.

Chúng tôi tìm đến Công ty CP Quản lý và Xây dựng Công trình giao thông 487 (đơn vị duy tu, bảo dưỡng và khai thác cầu Bến Thủy) để tìm hiểu. Ông Châu Hồng Lâm, Giám đốc công ty, cho biết: Theo quy định, tính từ tim cầu kéo ra mỗi bên 150m, không được có bất kỳ các hoạt động gì làm ảnh hưởng tới sự ổn định của nền đất, kể cả việc khai thác cát, sỏi… Trong thời gian qua, công ty chỉ quản lý phần trên cầu, còn phía dưới lòng sông thì không quản lý được. Lúc nào thấy tàu hút cát quá gần cầu thì gọi điện báo cho cảnh sát đường thủy đến đuổi… Thực tế quan sát thì hai bến cát ở hai đầu cầu chỉ cách tim cầu chưa tới 100m!”

Ông Trần Cao Cường, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Hòa, TP Vinh thừa nhận: “Nạn khai thác cát khiến bờ sông bị xói mòn vì sạt lở, trong thời gian không xa sẽ ảnh hưởng tới tuyến đê chắn lũ cho khu vực… Chính quyền xã biết nhưng không thể giải quyết được vì không thuộc chức năng của xã mà chỉ báo cáo và chờ trên xử lý!”.

Đuổi bên này, chạy sang bên kia

Nạn khai thác cát trái phép đã gây nhức nhối kéo dài nhiều năm qua, nhưng chính quyền địa phương tỏ ra bất lực, nơi thì “nhắm mắt làm ngơ”, nơi thì giải quyết không đến nơi đến chốn, theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”.

Tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, ông Hoàng Văn Đức, Phó chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Năm 2013 lực lượng chức năng của thị trấn đã phối hợp với cấp trên bắt được 3 tàu và truy đuổi một số đợt tàu khai thác cát trái phép tại khúc sông thuộc địa phương quản lý. Nhưng hiện nay nạn buôn bán, khai thác cát trái phép ở đây vẫn chưa khắc phục triệt để vì địa phương không có phương tiện. Nhiều khi phát hiện tàu khai thác cát trái phép, thuê được phương tiện ra xử lý thì tàu hút cát đã nhổ neo chạy sang địa phận Nghệ An nên không thể bắt được. Địa phương đã kiến nghị lên trên để phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An giải quyết triệt để nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện được. Một lý do nữa là mức xử phạt của cấp xã, thị trấn chỉ 2 đến 5 triệu đồng nên không đủ sức răn đe các tàu khai thác cát trái phép”.

 
Hút cát trái phép tại khúc sông thuộc địa phận xã Xuân Giang quản lý.

Tại khúc sông thuộc địa phận quản lý của xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, vào lúc 8 giờ ngày 1-3, chúng tôi phát hiện chiếc tàu đang hút cát liền gọi điện thoại cho ông Trần Văn Anh, Phó trưởng Công an huyện Nghi Xuân (người được giao phụ trách lĩnh vực này), thì ông Anh cho biết đang bận việc và việc này đã giao cho công an xã Xuân Giang.

Chúng tôi gọi điện cho anh Hồ Văn Thuyết, Trưởng Công an xã Xuân Giang, nói rõ tình hình, thì anh Thuyết nói rằng hiện nay lực lượng của xã đã đi làm hết không tập trung được. Anh Thuyết cho biết, rạng sáng ngày mai (tức ngày 2-3), lực lượng chức năng xã sẽ tuần tra bắt các tàu khai thác cát trái phép và hẹn chúng tôi cùng tham gia. Thế nhưng chờ hết đêm mà không thấy điện thoại, đến 4 giờ sáng, tự chúng tôi xuống lại khúc sông hôm trước. Từ xa đã nghe tiếng gầm rú của tàu hút cát, cho tới lúc này cát đã gần đầy tàu. Chúng tôi tiếp tục gọi điện cho anh Thuyết thì anh nói đã đi về nhưng không phát hiện ra tàu nào cả?

Chúng tôi tìm đến UBND huyện Nghi Xuân để tìm câu trả lời, nhưng sau nhiều lần hẹn, ông Nguyễn Hải Nam, Phó chủ tịch UBND huyện đều nói “quá bận, không thể tiếp được”.

Không biết đến bao giờ tình trạng khai thác và buôn bán cát trái phép trên sông Lam đoạn qua TP Vinh (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) mới được chấn chỉnh, xử lý dứt điểm? Câu hỏi này dư luận nhân dân rất cần câu trả lời và sự phối hợp hành động của chính quyền các địa phương thuộc hai tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An.

Bài, ảnh: LÊ ANH TẦN
(Theo QĐND)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP