Hà Tĩnh Bình Yên

Cảnh sát Kinh tế Công an Hà Tĩnh: Dấu ấn trước thềm xuân mới…

Một ngày đầu năm 2013, chúng tôi gặp Đại tá Hoàng Bá Thọ – Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Hà Tĩnh khi đơn vị vừa tổng kết phong trào thi đua Vì ANTQ.


Anh trải lòng, với những kết quả nổi bật trong năm 2012, phòng PC46 đã được Bộ Công an tặng cờ dẫn đầu phong trào thi đua Vì ANTQ, đó cũng chính là động lực, là hành trang để mỗi cán bộ chiến sỹ đấu tranh không bền bỉ trên lĩnh vực kinh tế, góp phần giữ bình yên cho cuộc sống….


Những năm gần đây, kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh có những bước chuyển mình vượt bậc, sự phát triển nhanh chóng của các khu kinh tế, thương mại, du lịch, thu hút nguồn đầu tư lớn ở trong nước cũng như nước ngoài. Cùng với sự phát triển đó, hoạt động và thủ đoạn của tội phạm kinh tế cũng ngày càng phức tạp như tham ô, tham nhũng trong quá trình xây dựng cơ bản, đền bù, giải phóng mặt bằng, giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai v.v… nhiều loại tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao xuất hiện như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, các hoạt động tín dụng tư nhân… Mỗi lĩnh vực đều có khó khăn riêng, nhiều đối tượng phạm tội có trình độ học vấn, có chức vụ quyền hạn trong xã hội, phương thức hoạt động thường chặt chẽ, kín kẽ, khó tiếp xúc và phát hiện…Điều đó đòi hỏi rất cao trách nhiệm rất cao trước công việc và trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng của tập thể ban chỉ huy đến cán bộ chiến sỹ đơn vị; nhưng do làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, kịp thời nắm bắt tình hình, quy luật hoạt động của các đối tượng và với tinh thần khắc phục khó khăn, đơn vị đã phát hiện, đấu tranh, làm rõ nhiều hành vi làm trái pháp luật về kinh tế.


Năm 2012, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã làm tốt chức năng tham mưu cho Ban Giám đốc đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đấu tranh phòng chống tham nhũng, kịp thời chấn chỉnh những sơ hở thiếu sót trong quản lý kinh tế, có hình thức xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các sai phạm có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức công tác phòng ngừa, đấu tranh chống hành vi vi phạm tội phạm tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng kinh tế trọng điểm như: xây dựng cơ bản, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, tài chính ngân hàng.

Cán bộ phòng PC46 lấy lời khai đối tượng bán hóa đơn GTGT


Trên lĩnh vực phòng ngừa, đấu tranh vi phạm và tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, thời gian qua đơn vị đã phát hiện bắt giữ 98 vụ, 85 đối tượng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, thu giữ trên 500m3 gỗ các loại, 2.248kg động vật hoang dã, 11 xe ô tô nhập lậu từ Lào và một số hàng hóa trị giá hơn 2,6 tỷ đồng.


Lợi dụng chủ trương của Hà Tĩnh thu hút, mời gọi đầu tư, phát triển kinh tế, một số đối tượng đã “tự trải thảm đỏ” và dùng nhiều phương thức, thủ đoạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng, những thủ đoạn này không qua nổi “tai, mắt” của lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Tĩnh. Vụ Nguyễn Hùng Mạnh (1959), quê quán Nam Định, giám đốc Công ty TNHH Thành Đồng (trụ sở tại Vũng Tàu), Biện Thị Châu (1957), quê quán Thạch Điền, Thạch Hà, Hà Tĩnh; đều thường trú tại tỉnh Bà rịa – Vũng Tàu là một ví dụ như thế.


Theo các trinh sát cho biết, trong thời gian từ tháng 3/2011 đến tháng 4/2011, Nguyễn Hùng Mạnh – Giám đốc Công ty TNHH Thành Đồng (ấp Tân Châu, xã Châu Pha, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) và Biện Thị Châu – trợ lý giám đốc, ra Thành phố Hà Tĩnh thuê phòng ở tại Trung tâm Khí tượng thủy văn. Mục đích ban đầu của Mạnh, Châu ra Hà Tĩnh để tìm hiểu về Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh. Khi biết dự án đã được tỉnh Hà Tĩnh quy hoạch và tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng, Mạnh và Châu đã đến các sở, ngành liên quan để liên hệ xin cấp giấy phép xây dựng nhà máy. Qua tìm hiểu, được biết Công ty TNHH Thành Đồng không có khả năng tài chính, năng lực chuyên ngành cũng như kinh nghiệm trong việc xây dựng Nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ An sinh nên các cơ quan có thẩm quyền tại Hà Tĩnh không cấp giấy phép đầu tư dự án cho công ty này. Tuy không được các cơ quan có thẩm quyền ở Hà Tĩnh cấp giấy phép đầu tư nhưng để có tiền sử dụng vào mục đích khác, Biện Thị Châu đã tìm và gặp được ông Trương Đức Hạnh – Giám đốc Công ty Cổ phần thiết kế Đại Việt – Hà Tĩnh để thuê lập hồ sơ thiết kế, dự toán 2 gói thầu “San nền và bờ kè” nhà máy. Để có tài liệu cho Hạnh lập hồ sơ thiết kế, dự toán, Mạnh và Châu đã đưa cho ông Hạnh 1 tờ bản đồ quy hoạch tổng thể mặt bằng Nhà máy xử lý rác thải tại xã Kỳ Tân mà năm 2009 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt cấp cho Công ty Hành Tinh Xanh. Bằng các thủ đoạn gian dối, Mạnh và Châu đã lừa đảo một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh với số tiền hàng tỷ đồng.

Điều tra vụ phá rừng ở Sơn Hồng


Ngoài ra, phòng Cảnh sát kinh tế đã điều ta làm rõ đối tượng Her Hyunjae là Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Vikonec Boongkang – Hàn quốc (viết tắt là công ty Vikonec) cũng với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại KKT Vũng Áng, Kỳ Anh. Từ tháng 3 đến tháng 8/2011, Công ty Vikonec đã giới thiệu cho các doanh nghiệp khác là đã được chủ đầu tư Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa – Đài Loan giao cho thi công các gói thầu bơm hút cát, san lấp mặt bằng, thi công bờ kè, đường nội bộ công trình Khu luyện thép Formosa tại Cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh. Công ty Vikonec đã có hành vi gian dối, đưa ra những thông tin sai sự thật để ký kết các hợp đồng san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình tại Khu kinh tế Vũng Áng với Công ty TNHH Hòa Tiến – Bình Dương, Công ty TNHH Tuấn Cường – Quảng Ninh, Doanh nghiệp tư nhân Bình Phát – Hà Tĩnh, nhằm chiếm đoạt tiền đặt cọc bảo đảm hợp đồng của 3 doanh nghiệp 8 tỷ 100 triệu đồng.


Ngoài ra Công ty Vikonec và Công ty Khang Thông Vikonec (là công ty liên doanh giữa Tập đoàn Khang Thông và công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Vikonec Boongkang, do Kang Ho Suck (1959) làm tổng giám đốc) còn ký hợp đồng với 15 doanh nghiệp, cá nhân khác trên địa bàn toàn quốc về thi công các công trình, thuê phương tiện máy móc chuyên dùng trong xây dựng, mua xăng dầu… chiếm dụng của các doanh nghiệp trên 47 tỷ đồng.


Theo đại tá Hoàng Bá Thọ, nhìn lại năm 2012, phòng PC46 đã lập được nhiều kết quả đáng ghi nhận, mà điều tra vụ án phá rừng phòng hộ đầu nguồn tại xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn lại là “một nhiệm vụ bất khả thi”, khi mà hàng trăm m3 gỗ bị triệt hạ lúc nào không ai biết, khi mà dư luận đang đặt câu hỏi “ai là kẻ phá rừng”, nhiệm vụ đó thôi thúc cán bộ, chiến sỹ nỗ lực điều tra, khám phá vụ án, đưa lại niềm tin của quần chúng nhân dân. Dưới sự chỉ đạo của UBND, Ban Giám đốc Công an tỉnh, cùng với sự phối hợp tích cực của các phòng nghiệp vụ, sau 8 tháng điều tra, phòng Cảnh sát kinh tế đã hoàn tất vụ án, chuyển Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố trước pháp luật. Vụ án này phòng Cảnh sát kinh tế đã khởi tố 3 cán bộ Kiểm lâm, gồm: Trần Văn Khoa (SN 1974), trú ở xóm 8, xã Đức Thủy, huyện Đức Thọ, nguyên trạm trưởng trạm kiểm lâm Sơn Lĩnh – Hạt kiểm lâm Hương Sơn; Hoàng Văn Cẩn (SN 1960), trú ở thôn Phúc Đình, xã Sơn Bằng huyện Hương Sơn; Lê Qúy Ly. (SN 1971) ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, đều là kiểm lâm viên địa bàn, bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 4 chủ rừng gồm: Phan Nhật Tân (SN 1971) ở Thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Khe Lét , Phạm Anh Tuấn (SN 1969) ở Thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn – Nguyên trưởng Ban quản lý bảo vệ và xây dựng rừng Hồng Lĩnh, thuộc công ty Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn, về tội “Vi phạm các quy định về quản lý rừng” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; Bùi Văn Thảo (SN 1963), trú ở xóm 3, Thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, nguyên Phó Ban quản lý bảo vệ và xây dựng rừng Hồng Lĩnh và Nguyễn Duy Tý (SN 1985) ở Thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, nhân viên bảo vệ – Bản quản lý bảo vệ và xây dựng rừng Hồng Lĩnh về tội “Vi phạm các quy định về quản lý rừng”. Ngoài ra, đã có 2 đầu nậu và 6 đối tượng khai thác bị khởi tố trong vụ án này.


Trên lĩnh vực phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, thời gian qua, đơn vị đã làm rõ hành vi tham ô tài sản 400 triệu đồng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thị Phương Hoa, kế toán trưởng Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh. Ngày 12/3, phối hợp với Công an Hương Khê đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “tham ô tài sản” đối với Lưu Văn Quốc (nhân viên bảo vệ Công ty cao su Hương Khê) và Nguyễn Huy Sáng đều trú tại xã Hà Linh, huyện Hương Khê có hành vi bán 360 cây cao su giống.


Phá án kinh tế là một lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp, nếu không có trình độ nghiệp vụ, pháp luật, giữ vững phẩm chất đạo đức trong sáng thì khó đấu tranh, ngăn chặn cái xấu, cái ác, nhưng với những cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh và chức vụ Công an Hà Tĩnh đã làm được điều đó. Cờ dẫn dầu khối thi đua Cảnh sát điều tra tội phạm Công an Hà Tĩnh do Bộ Công an trao tặng năm 2012 là phần thưởng cao quý để các anh, các chị xốc lại hành trang, vững tin bước vào xuân mới Quý Tỵ 2013 với nhiều chiến công mới, góp phần giữ thanh bình cuộc sống, yên vui, hạnh phúc cho nhân dân….


Xuân Lý – PX15

CAHT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP